Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Saturday, February 18, 2017

Bí quyết thành công của nhà đầu cơ Carl Icahn

Carl Icahn là một trong những nhà đầu cơ thành công nhất thế giới, và là một trong 10 doanh nhân được truyền thông chú ý nhất trong năm 2016. 

Theo Công ty truyền thông Media Tenor, chủ đề trung tâm khi truyền thông nhắc đến Icahn là đầu tư, thâu tóm và thị trường chứng khoán. Đó là những lĩnh vực hoạt động chính của tỷ phú Carl Icahn, 80 tuổi, từ mấy chục năm nay. 


Icahn được mệnh danh là “kẻ cướp công ty”. Khi nắm cổ phần kiểm soát tại công ty nào, ông thường yêu cầu thực hiện các thay đổi lớn về cấu trúc công ty. Ông còn buộc công ty phải mua lại các cổ phiếu với giá ưu đãi để tránh bị chiếm quyền kiểm soát. Ông cho biết sẽ tìm đến công ty nào hoạt động không tốt và tuyên bố: “Tôi sẽ chiếm công ty của các anh trừ khi các anh thay đổi, hoặc ban lãnh đạo phải làm thế này thế kia”.

Icahn lên đỉnh thành công vào những năm 1980 khi ông tiếp quản Hãng Hàng không TWA. Icahn Enterprises gồm các công ty con Federal Mogul, Tropicana, ARI, Viskase. Sau gần 60 năm trên Phố Wall, Icahn nắm giữ cổ phần hoặc quyền kiểm soát nhiều công ty lớn như Texaco, Phillips Petroleum (hiện là Conoco Phillips), Western Union, Viacom, TimeWarner.

Theo truyền thông quốc tế, một trong những yếu tố đưa Icahn đến thành công hôm nay là sự nỗ lực một cách bền bỉ. Icahn từng tự nhận: “Hiếm ai có được sự bền bỉ như tôi. Tôi là người rất ganh đua. Đam mê hay bị ám ảnh, bạn muốn gọi thế nào cũng được. Bản tính của tôi là dù làm gì cũng sẽ cố gắng trở thành người giỏi nhất”.
10 CEO được truyền thông quốc tế nhắc đến nhiều nhất trong năm 2016
Một điều khác biệt nữa của Icahn được truyền thông nhắc tới nhiều trong năm 2016 là ông luôn xuất hiện với tư cách là người ủng hộ trung thành của ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump, nay là Tổng thống mới đắc cử. 

Tại thời điểm khó khăn nhất, khi đoạn băng nói về phụ nữ của tỷ phú bất động sản bị phát tán, nhiều người ủng hộ đã quay lưng lại với ông Trump nhưng tỷ phú Carl Icahn thì không. Ông lên tiếng bênh vực Trump trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện đúng chất con người ông: bền bỉ và quyết liệt. 

“Trong nhiều năm qua, tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện phiếm về phụ nữ và tình dục trong phòng thay đồ, các bữa tiệc độc thân của những người có địa vị cao trong xã hội. Thật kỳ lạ khi bây giờ một vài người trong số họ bị lên án bởi điều mà tất cả mọi người biết là diễn ra trong tất cả các phòng thay đồ trên đất nước này”, tỷ phú Icahn nói.

Icahn còn nhấn mạnh ông Trump là ứng cử viên sáng giá để khôi phục nền kinh tế: “Chúng ta có một mặc định rằng chính phủ không hòa hợp với giới doanh nhân. Nhưng Trump sẽ thay đổi điều đó. Trump sẽ đưa nền kinh tế Mỹ vượt khỏi tình trạng trì trệ và sẽ thay đổi những quy định không phù hợp”. 

Tài sản của nhà đầu cơ Carl Icahn đã tăng thêm hàng tỷ đô sau đêm bầu cử tổng thống Mỹ 8/11 vừa qua, nhờ dự đoán được những diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Friday, November 25, 2016

Khi các "đại gia" công nghệ giữ chân nhân tài

Các hãng công nghệ lớn từng giữ chân người giỏi bằng cách thỏa thuận sẽ không chiêu dụ nhân viên của nhau.
“Chỉ cần anh chiêu dụ một người giỏi của chúng tôi, có nghĩa là anh đã tuyên chiến”, Steve Jobs, ông chủ khi đó của Apple, đã “cảnh cáo” Sergey Brin, nhà sáng lập Google, vào năm 2005. Nhưng đó là vụ dàn xếp bất hợp pháp. Vào năm 2015, Apple, Google, Adobe và Intel đã trả 415 triệu USD cho những kỹ sư mà vì vụ dàn xếp này, họ phải chịu mức lương thấp. 

“Kiềm lương” tại Thung lũng Silicon giờ chỉ là một ký ức xa xôi. Năm 2015 các hãng công nghệ tại Mỹ đã báo cáo khoản thu nhập dựa trên cổ phiếu của nhân viên lên tới hơn 40 tỉ USD. Con số này cao hơn 60% số tiền thưởng trả cho nhân viên New York của các ngân hàng ở Phố Wall.

Lương thưởng trả cho nhân viên ở các hãng công nghệ đã phình to khi cuộc cạnh tranh “giành giật” và giữ chân các tài năng trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và marketing kỹ thuật số trở nên khốc liệt. Thậm chí, các kỹ sư mới vào nghề có thể dễ dàng kiếm được 120.000 USD mỗi năm; các nhà điều hành có chuyên môn kỹ thuật làm việc ở những công ty lớn như Apple, Google hay Facebook thì bỏ túi vài triệu USD, bao gồm cả thưởng cổ phiếu. Ông chủ của một startup ca thán, ông không thể tìm được một giám đốc điều hành (COO) có năng lực mà chịu làm với mức lương thấp hơn 500.000 USD/năm.

Có nhiều lý do cho việc này. Giá nhà góp phần đẩy cao mức lương. Chi phí sống ở Bay Area hiện cao hơn 41% so với mức trung bình cả nước và cao hơn 7% so với khu vực đắt đỏ thứ hai là thành phố New York, theo Brant Shelor, thuộc hãng tư vấn Mercer. Nhưng lý do lớn nhất là có sự thay đổi lớn trong cái nhìn người tài của các hãng công nghệ: người có trình độ chuyên môn kỹ thuật xuất sắc có thể lột xác cả một doanh nghiệp vì họ có khả năng tạo ra các sản phẩm hấp dẫn gấp nhiều lần và mang lại mức sinh lời cao hơn nhiều, theo lý giải của Marco Zappacosta, nhà sáng lập Thumbtack.

Chỉ riêng Google, Facebook và Amazon có lẽ đã tuyển dụng khoảng 30% số sinh viên chưa tốt nghiệp ngành khoa học máy tính ở Mỹ, theo Roelof Botha thuộc hãng đầu tư mạo hiểm Sequoia. Các gã khổng lồ này không chỉ trả mức lương hậu hĩnh, mà còn nắm trong tay át chủ bài: một lượng lớn cổ phiếu sẵn sàng trao cho các ứng viên tiềm năng.
Năm 2015, Alphabet, công ty mẹ của Google, phát hành khoảng 5,3 tỉ USD cổ phiếu dùng làm khoản tiền thưởng cho nhân viên, bằng 1/5 lãi gộp của Công ty, tương đương mức trung bình 85.000USD thu nhập dựa trên cổ phiếu mỗi nhân viên làm toàn thời gian.

Trong khi các công ty không thuộc lĩnh vực công nghệ trong S&P 500 trung bình chỉ cho tương đương chưa tới 1% doanh thu dưới dạng thưởng bằng cổ phiếu, thì mức chuẩn của các công ty công nghệ lớn gấp khoảng 5 lần con số ấy. Năm 2015, Facebook đã bỏ ra khoản thưởng cổ phiếu tương đương 17% doanh số bán; con số này tại hãng phần mềm Workday và Twitter lần lượt là 20% và 31% doanh thu.

Khoản thu nhập dựa trên cổ phiếu đã có từ những ngày đầu của Thung lũng Silicon, khi các startup không có dư dả để trả lương cao, mà thay vào đó cam kết cho nhân viên một phần nhỏ trong công ty nếu giá trị cổ phiếu tăng trong tương lai.
Cái khác hiện nay là nhiều trong số doanh nghiệp ở Thung lũng Silicon đã là những công ty trưởng thành với bề dày lịch sử. Vì thế, cổ phiếu của họ vốn dĩ đã có giá và được đem ra làm lợi thế chiến lược để thu hút những tài năng xuất sắc nhất, theo Patrick Moloney thuộc hãng tư vấn Willis Towers Watson.
Một khi được mời về, tài năng đó được giao cho các dự án quan trọng. Điều này ngăn họ sang làm việc cho các đối thủ hoặc thành lập startup riêng.

Để giữ chân các nhân viên hàng đầu, các hãng công nghệ sử dụng nhiều chiến thuật ngoài việc thưởng cổ phiếu. Một số tặng tiền thưởng ngay khi ký hợp đồng nhưng có thể bị thu hồi lại nếu nhân viên rời công ty trong vòng 3 năm. Amazon thưởng lớn cổ phiếu vào năm thứ 3 và thứ 4 nhân viên làm ở công ty nhằm khuyến khích họ ở lại lâu dài và tiếp tục cống hiến.

Một chiến thuật thường thấy khác là tặng khoản tiền thưởng “níu kéo” để những người đang muốn nghỉ việc đầu quân cho công ty khác cân nhắc lại quyết định của mình. Tại Apple, Google và Facebook, các giám sát viên được trao quyền dùng các khoản tiền thưởng lớn để ngăn không cho những người xuất sắc có ý định sang làm chỗ khác.
Năm 2011, Neal Mohan, một nhà điều hành cấp cao của Google, cân nhắc rời Công ty về làm cho Twitter. Một số cho biết ông ta được thưởng lên tới 100 triệu USD giá trị cổ phiếu nếu chấp nhận ở lại Google.

“Việc này đã đi quá xa”, một nhà đầu tư mạo hiểm cho biết. Theo ông, sự hào phóng quá trớn đã làm tăng rủi ro cho những công ty khác. Thông tin về các gói lương thưởng hậu hĩnh đang truyền tai nhau giữa các đồng nghiệp. Kết quả là top 10% các nhân tài đang được nhận khoản thu nhập mà chỉ top 2% mới được nhận, theo Richard Lear của Vantage Partners.

Thậm chí các doanh nghiệp hoạt động không mấy hiệu quả cũng đưa các gói thưởng lớn để giữ chân nhân viên. Twitter gần đây ngậm ngùi nhìn nhiều nhân viên giỏi ra đi. Công ty này được cho rằng đưa ra mức thưởng lên tới 1 triệu USD để thuyết phục các kỹ sư giỏi ở lại thêm vài năm nữa. Vì thế, cũng là dễ hiểu khi các startup gặp khó khăn trong cuộc chiến tranh giành người tài.
Các startup “ngon lành” nhất là những “kỳ lân” đang lên, tức startup được định giá hơn 1 tỉ USD như Uber và Airbnb. Các “kỳ lân” này đã huy động lượng vốn lớn và sẵn sàng chi mạnh để chiêu dụ người giỏi từ các công ty lớn. Họ có thể đưa ra mức lương cao và chiêu dụ bằng cách nói rằng cổ phiếu công ty sẽ còn tăng giá khi lên sàn. Sau khi một nhân viên làm ở startup “kỳ lân” được khoảng 4 năm, họ lại được tặng thêm một khoản thưởng cổ phiếu nữa để có động lực ở lại.

Vì không có được nguồn lực như vậy, các startup nhỏ hơn bị lép vế khi thu hút nhân tài. “Tôi có cảm giác mình không thể cạnh tranh giành người giỏi. Tất cả những gì tôi có thể làm là tìm các viên kim cương thô chưa được mài giũa nhưng rồi khi những người này chứng tỏ được tài năng thì chắc chắn lại bị các công ty lớn hơn chiêu dụ”, Mike Driscoll, ông chủ startup phân tích Metamarkets, nhận xét.

Chi phí chiêu dụ nhân tài tăng mạnh cũng đã đẩy cao quy mô huy động vốn của các startup. Ý nghĩ cho rằng không hề tốn kém khi thành lập doanh nghiệp là một quan niệm sai lầm, Evan Williams, đồng sáng lập Twitter và thành lập nền tảng xuất bản trực tuyến Medium, nhận xét. “Việc đưa một startup thành công còn trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn bao giờ hết”, ông nói. Số vốn mà các startup huy động từ nhà đầu tư càng nhiều để trả lương cho nhân viên thì càng khó để họ có thể hòa vốn hoặc có lãi.

Chắc chắn nhà đầu tư sẽ không hài lòng, khi chờ đợi quá lâu mà đồng vốn rót vào vẫn chưa sinh lời. Đó là chưa kể việc tung ra các gói thưởng cổ phiếu lớn còn gây ra nguy cơ pha loãng giá trị cổ phiếu về sau, theo Spencer Rascoff, ông chủ hãng bất động sản trực tuyến Zillow Group.

Ít cổ đông đặt dấu hỏi về chi phí khi giá cổ phiếu của các công ty vẫn cao, nhưng họ sẽ nhanh chóng thay đổi thái độ, nếu thị trường chứng khoán lao dốc hoặc kết quả kinh doanh của công ty sa sút giống như đã xảy ra ở Twitter và LinkedIn.

theo The Economist

Monday, April 4, 2016

4 điều cần có để trở thành chủ doanh nghiệp franchise

“Cựu nhân viên” có thể trở thành những người chủ doanh nghiệp franchise (nhượng quyền thương mại) tuyệt vời, bởi vì họ biết những yếu tố bắt buộc phải có để vận hành doanh nghiệp từ bên trong.
Rick Bisio - nhà tư vấn nhượng quyền thương mại, tác giả của quyểnThe Educated Franchisee – cho rằng: “Để chuyển từ vị thế nhân viên sang làm chủ một doanh nghiệp, bạn cần phải có đủ dũng khí. Nếu bạn đã sẵn sàng đón nhận thử thách, đây chính là cơ hội và sẽ là một kinh nghiệm tuyệt vời”.
Theo Rick Bisio, sau đây là những điều cần lưu ý khi bạn quyết định bắt đầu con đường làm chủ doanh nghiệp franchise từ xuất phát điểm là một nhân viên:
1. Vì sao “cựu nhân viên” lại thích hợp trở thành chủ doanh nghiệp franchise?
Những nhân viên ở cấp bậc quản lý sẽ biết cách dẫn dắt đội ngũ của mình. Họ học hỏi được nhiều kỹ năng cần thiết cho một người chủ doanh nghiệp như bán hàng, tiếp thị, quản lý tài chính và quản trị con người.
Những kinh nghiệm này giúp họ có khả năng nhận ra một thương vụ franchise chất lượng và làm thế nào để franchise thành công.
2. Bạn có tinh thần doanh nhân?
Làm thế nào biết được franchise có phải là lựa chọn phù hợp với bạn? Không hề có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng để franchise thành công, bạn cần phải có một số phẩm chất sau đây:
- Sẵn sàng lãnh đạo. Bạn có quyền quyết định trao quyền cho nhân viên đồng thời cũng là người chịu trách nhiệm xử lý khi có trục trặc xảy ra.
- Ổn định tài chính. Mọi doanh nhân thành công đều biết cách quản lý dòng tiền của mình và biết cách giữ cho khoản thu nhập và chi tiêu luôn ở trạng thái cân bằng.
- Tự chủ về mọi mặt. Bạn không cần có một người thúc ép mình phải làm điều này, điều kia mỗi ngày. Bạn chỉ đơn giản là cảm thấy mong muốn và tự quyết định làm một việc gì đó cho chính mình.
- Chấp nhận rủi ro. Bạn biết rằng chấp nhận rủi ro là điều bắt buộc và không ngại bước ra khỏi vùng an toàn.
- Hiểu rằng phải làm việc để đạt được điều mình muốn, bởi vì cơ hội không phải lúc nào cũng dễ dàng nắm bắt, mà đôi khi bạn phải tự mình tạo ra cơ hội.
3. Sau một khoảng thời gian làm thuê quá dài, làm thế nào bạn có thể suy nghĩ và làm việc như một người chủ doanh nghiệp?
- Luôn trong tâm thế sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra.
- Sống có mục đích. Bạn phải biết được mình đang đi đâu và tại sao hành trình này lại quan trọng. Bạn cũng phải sẵn sàng chia sẻ với người khác để họ cùng đồng hành với mình.
- Chấp nhận rằng mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Và để vượt qua những trở ngại, bạn phải có niềm tin vào chính mình.
- Hiểu rằng tài sản quý giá nhất là thời gian. Kiên nhẫn không phải lúc nào cũng là một đức tính tốt. Khi nhìn thấy cơ hội, bạn không được chờ đợi mà phải nắm bắt ngay lập tức.
- Luôn luôn lắng nghe và sẵn sàng thay đổi theo thời cuộc.
4. Bạn đã chuẩn bị cho những thay đổi?
Là chủ của một doanh nghiệp franchise mới, bạn sẽ phải đón nhận nhiều thay đổi như:
- Bạn không còn là bộ phận nhỏ của một doanh nghiệp nữa mà phải tự học hỏi và làm mọi thứ.
- Doanh nghiệp đã nhượng quyền cho bạn không giúp bạn vận hành việc kinh doanh, mà chính bạn phải làm điều đó.
- Sẽ có nhiều trở ngại nhưng bạn sẽ nhanh chóng tiến bộ thông qua cơ hội học hỏi những điều mới mẻ.
BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)

6 sai lầm thường gặp khi nhượng quyền thương hiệu

Khi bạn có một ý tưởng tốt hoặc đã tạo nên một doanh nghiệp thành công, tại sao không làm cho nó phát triển mạnh mẽ hơn bằng cách nhượng quyền?
Lĩnh vực nhượng quyền có sức hút đặc biệt với nhiều doanh nhân. Tuy nhiên, quá trình biến một ý tưởng tốt, một doanh nghiệp đang vận hành thành một thương hiệu nhượng quyền thành công không phải là việc dễ dàng, và nhiều doanh nhân thường bắt đầu hành trình này mà chưa chuẩn bị đầy đủ hành trang.
Kyle Zagrodzky – Chủ tịch Hệ thống chăm sóc sức khỏe OsteoStrong, nhà sáng lập và CEO của Công ty OsteoStrong Franchising cho rằng, quá trình nhượng quyền thường chứa nhiều cạm bẫy, và các doanh nhân lại có xu hướng rơi vào những cái bẫy giống nhau.
Trên trang Entrepreneur.com, Kyle Zagrodzky chia sẻ 6 sai lầm thường gặp nhất đối với các doanh nghiệp nhượng quyền:
1. Mơ hồ về thương hiệu
Doanh nhân là người có tư duy đột phá với những ý tưởng tuyệt vời nhưng lại thường gặp khó khăn trong việc tổng hợp chúng lại thành một thương hiệu mang tính nhất quán. Họ nghĩ rằng mọi người chưa thực sự hiểu về thương hiệu, nhưng trong thực tế, ý tưởng tốt là một ý tưởng đơn giản đến mức ai cũng có thể dễ dàng hiểu được.
Bạn có thể thực hiện một bài kiểm tra đơn giản: Nếu có thể nói về thương hiệu của mình chỉ trong 6 từ hoặc ít hơn và khiến cho một người lạ có thể hiểu ngay lập tức, bạn đã vượt qua được một trở ngại trong hành trình nhượng quyền. Ngược lại, nếu phải thực hiện cả một bài thuyết trình để nói về thương hiệu có nghĩa là bạn cần có thêm thời gian để làm rõ các thông điệp.
2. Không có cố vấn pháp lý giỏi
Nếu bạn muốn phát triển một doanh nghiệp nhượng quyền, việc sở hữu một cố vấn pháp lý giỏi là điều cần thiết. Tất cả doanh nhân đều muốn đầu tư vào nhiều nguồn lực để phát triển doanh nghiệp nhưng lại có xu hướng bỏ qua các chi phí pháp lý. Thực ra, nếu muốn tham gia vào lĩnh vực nhượng quyền, bạn không được bỏ qua bước này, vì đây chính là yêu cầu cơ bản để doanh nghiệp của bạn được xây dựng dựa trên một nền tảng vững chắc.
3. Không chia sẻ bí quyết với đối tác nhận quyền
Khi tham gia vào lĩnh vực nhượng quyền, nhiều doanh nhân có xu hướng đánh giá thấp màu sắc cá nhân của mình đối với thành công của thương hiệu. Tuy nhiên, để thành công được nhân rộng ra, đối tác nhận quyền cần phải cảm thấy được kết nối với tinh thần của thương hiệu.
Cách tốt nhất để có được điều này là thông qua một quá trình đào tạo phù hợp. Hãy cung cấp cho đối tác nhận nhượng quyền các công cụ đào tạo giúp họ tiếp thu hiệu quả “bí quyết gia truyền” của thương hiệu.
4. Không linh hoạt khi cần thay đổi
Đam mê là cần thiết nhưng đôi khi cũng chính là trở ngại khiến doanh nhân khó tiếp thu những phản hồi về nhu cầu thay đổi của thương hiệu. Không dễ dàng để xác định khi nào phải kiên định với ý tưởng ban đầu, khi nào cần phải linh hoạt thay đổi để thương hiệu trở nên tốt hơn, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết cách lắng nghe.
Doanh nhân cần phải đam mê nhưng đừng cứng nhắc. Bạn không bị buộc phải theo đuổi đến cùng mọi ý tưởng của mình. Khi nhận được phản hồi phù hợp, hãy sẵn sàng đón nhận và thay đổi để thương hiệu phát triển tốt hơn.
5. Chọn thị phần quá lớn
Nhượng quyền không nên được phát triển theo hướng “càng lớn càng tốt”. Thay vì đặt mục tiêu quá cao như mở rộng thương hiệu ra cả nước hoặc ra toàn cầu, bạn hãy chia nhỏ mục tiêu đó ra thành từng "mảnh" dễ quản lý hơn.
Bạn có thể nhượng quyền bắt đầu từ phạm vi một địa phương, một vùng miền chẳng hạn, và dĩ nhiên cũng phải trang bị sẵn một đội ngũ những nhà phát triển hoạt động ở từng khu vực tương ứng. Những nhà phát triển này có nhiệm vụ tìm kiếm thêm nhiều đối tác nhận quyền khác và hỗ trợ việc phát triển các chi nhánh ở khu vực mình đảm trách.
Việc chia nhỏ phạm vi hoạt động cũng giúp thương hiệu xác định những đặc điểm nhân khẩu học hiệu quả hơn theo từng vùng miền, từ đó hỗ trợ cho việc thiết lập nên chiến lược tiếp thị, bán hàng, lựa chọn thông điệp quảng bá...
6. Không tham khảo ý kiến từ các chuyên gia tư vấn
Nhượng quyền đã tạo ra một “đấu trường” hoàn toàn mới trên lý thuyết và cả chiến thuật kinh doanh. Những doanh nhân mới bước chân vào lĩnh vực này cần nhận được sự tư vấn kỹ càng từ các chuyên gia, từ việc tìm kiếm đối tác nhận quyền mới đến việc thu hút sự chú ý của khách hàng, duy trì mối quan hệ với đối tác…
Cũng giống như tư vấn pháp lý, tư vấn về kinh doanh nhượng quyền là một khoản đáng đầu tư. Dù doanh nghiệp bạn đang ở giai đoạn khởi nghiệp hay đang tăng trưởng mạnh hoặc đơn giản là bạn đang muốn tìm kiếm một sự đổi mới, các nhà tư vấn về nhượng quyền sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp thương hiệu đạt được mục tiêu kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn.
BÍCH TRÂM (theo Entrepreneur)

Phương pháp thiết kế con đường đi đến thành công

Từ một học sinh yếu kém trở thành một doanh nhân thành đạt ở tuổi 26, trong cuốn "Làm chủ tư duy - thay đổi vận mệnh", Adam Khoo chia sẻ những phương pháp hiệu quả và thực tiễn mà anh đã áp dụng, và thành công.
Qua quyển sách này, bạn sẽ học được cách chịu trách nhiệm về cuộc sống và thiết kế con đường đi đến thành công cho chính mình.
Tác giả: Adam Khoo – Stuart Tan 
Nguyên tác: Master Your Mind, Design Your Destiny 
Người dịch: Trần Đăng Khoa – Uông Xuân Vy 
Bản quyền tiếng Việt: TGM Books
VỀ TÁC GIẢ
Adam Khoo là một trong những chuyên gia đào tạo xuất sắc người Singapore, là tác giả của những quyển sách bán chạy nhất và được dịch sang nhiều thứ tiếng, như: “Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!”, “Bí quyết gây dựng cơ nghiệp bạc tỷ”, “Bí quyết tay trắng thành triệu phú”…
Stuart Tan tốt nghiệp cao học ngành Quản trị kinh doanh đại học Western Michigan, hiện là Giám đốc Công ty Adam Khoo Learning Technologies Group.
Stuart Tan là nhà hùng biện nổi tiếng tại Singapore, đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng quốc gia và khu vực trong các cuộc thi diễn thuyết.
NỘI DUNG CHÍNH
Bạn đã có tất cả những điều kiện cần thiết để thành công
Tất cả chúng ta đều có sẵn những tiềm năng trí tuệ để đạt được bất kỳ thành công nào trong cuộc sống. Hay nói cách khác, về cơ bản chúng ta có cùng “phần cứng”.
Nếu có ai đó dường như vượt trội hơn bạn về trí thông minh hoặc khả năng giao tiếp, không có nghĩa là người đó có bộ “vi xử lý” mạnh hơn của bạn.
Sự khác biệt nằm ở chỗ bạn sử dụng não bộ của bạn hiệu quả như thế nào (hoặc lãng phí nó ra sao).
Bộ não của mỗi người tuy có số lượng tế bào thần kinh tương đương nhau, nhưng sự liên kết giữa các tế bào thần kinh lại hoàn toàn khác biệt. Do đó chúng ta suy nghĩ và hành động rất khác nhau, dẫn đến mức độ thành công trong cuộc sống của mỗi người cũng khác nhau.
Nếu lúc nào bạn cũng cảm thấy lười biếng và chán chường, đó là vì những tế bào thần kinh của bạn được nối với nhau theo một cách nào đó khiến bạn luôn có những cảm xúc hay thói quen tiêu cực.
Ngược lại, những người luôn thể hiện sự kiên trì và quyết tâm cao độ có cách thức liên kết thần kinh trong não bộ hoàn toàn khác.

Khi bạn học được cách “lập trình” lại những liên kết thần kinh này, bạn có thể thay đổi và đạt được bất cứ kết quả nào mà bạn mong muốn.
Nếu bạn sao chép được cách mà những người thành đạt tư duy, thì rõ ràng bạn sẽ sao chép được cách suy nghĩ, hành động và tất nhiên cả những kết quả mà họ đạt được.
Do tất cả chúng ta hầu như có hệ thống trí não (“phần cứng”) giống nhau, bạn chỉ cần tìm được chương trình họ đang dùng, tiến hành “cài đặt” cho não của bạn rồi “lập trình” cho não kích hoạt những chương trình đó đúng cách.
Một khi bạn đã học được cách tái lập trình bộ não của mình và biết cài đặt các chương trình mới ưu việt, bạn sẽ thay đổi được cách tư duy và hành động của bản thân.
Nguyên lý cơ bản nhất trong Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy: Niềm tin chính là công tắc đóng mở những tiềm năng phi thường trong mỗi chúng ta.
Khi bạn tin là bạn sẽ làm được một điều gì đó, hầu như bạn đã bắt đầu kích hoạt những tiềm năng vô tận của não bộ để hiện thực hoá điều đó.
Ngược lại, khi bạn tin rằng một điều gì đó là không thể, bạn sẽ không màng tới việc cố gắng nghĩ ra cách hiện thực hoá nó. Đó cũng chính là lúc bạn vô tình tự đóng tất cả những cánh cửa dẫn đến thành công.
Khi còn là một kẻ thất bại, một trong những nỗi sợ khủng khiếp nhất của tôi là… đọc sách. Tôi chỉ biết đọc mỗi truyện tranh.
Vậy mà từ khi được học những nguyên tắc về phát triển bản thân, tôi đã đọc trên 400 quyển sách đủ loại. Tôi đọc tiểu sử của những triệu phú, tỷ phú làm nên sự nghiệp từ tay trắng và những nhà đầu tư lão luyện.
Tôi học được những nguyên lý cơ bản để thành công trong cuộc sống từ nhiều quyển sách, nhiều khoá đào tạo và nhiều chuyên gia khác nhau.
Có rất nhiều người cũng đọc những quyển sách đó, cũng tham gia cùng những khoá đào tạo đó… nhưng chưa bao giờ đạt được những thay đổi hay thành công gì đáng kể trong cuộc đời họ.
Cuối cùng, tôi đã nghiệm ra rằng: không có bất kỳ một quyển sách, một khoá đào tạo hay một diễn giả nào có thể “hô biến” bạn thành người thành công trong cuộc sống, trừ phi chính bản thân bạn thật sự nỗ lực hành động một cách có phương pháp.
CÔNG THỨC THÀNH CÔNG TUYỆT ĐỈNH
Công thức thành công tuyệt đỉnh gồm 2 yếu tố nền tảng và 4 bước cơ bản.
Hai yếu tố nền tảng là: Hệ thống niềm tin mạnh mẽ và giá trị sống là động lực thúc đẩy bạn.
4 bước cơ bản gồm:
Bước 1. Đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Đa số mọi người đều nói rằng họ muốn thành công trong cuộc sống, nhưng nếu hỏi họ muốn thành công cụ thể như thế nào thì phần lớn sẽ trả lời: “Tôi cũng không biết nữa, tôi chỉ muốn thành công” hay “Tôi muốn có nhiều tiền hơn”, “Tôi muốn có công việc tốt hơn”.
Nếu bạn không có mục tiêu, bạn sẽ không có thứ gì cụ thể để bạn tập trung thời gian và sức lực đạt được hay vươn tới.
Không những thế, bạn cũng không thể xây dựng được một chiến lược thích hợp để đạt được nó.
Bước 2. Phát triển một chiến lược hợp lý.
Hãy tưởng tượng bạn đang là chủ một cửa hàng bán trái cây nhỏ với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Bạn đặt ra mục tiêu kiếm 300 triệu mỗi tháng.
Chiến lược mà bạn có thể sử dụng là nghiên cứu làm sao để nhân rộng (thay vì chỉ đơn giản mở rộng) công việc kinh doanh bằng cách: viết ra một kế hoạch kinh doanh chi tiết, tăng vốn thông qua kêu gọi đầu tư, tập trung vào tìm kiếm các loại trái cây ưu việt, xây dựng thương hiệu, tìm những nguồn cung cấp đáng tin cậy với giá rẻ hơn, xây dựng hệ thống cửa hàng hoặc nhượng quyền…
Một trong những chiến lược để thành công là học hỏi từ những người thành công, học những chiến lược mà họ dùng.
Bước 3. Hành động kiên định.
Hành động kiên trì và bền bỉ dựa trên chiến lược mà bạn đã tạo ra hoặc học hỏi được.
Động lực để bạn hành động xuất phát từ một hay nhiều trạng thái cảm xúc mà bạn đang trải qua. Những cảm xúc như chán nản, lười biếng… sẽ lập tức vô hiệu hoá khả năng hành động của bạn. Ngược lại, những cảm xúc như hăng hái, phấn chấn, tự tin… lại kích thích bạn hành động và hoàn thành công việc của mình.
Bước 4. Biến thất bại thành bài học kinh nghiệm.
Có ba cách chúng ta đối mặt với thất bại:
Những người bào chữa, biện minh, đổ lỗi cho mọi thứ hoặc mọi người xung quanh sẽ nhanh chóng bỏ cuộc, đầu hàng, chấp nhận từ bỏ mục tiêu to lớn của mình.
Những người kiên trì hành động nhưng với một chiến lược không đổi, họ cũng có thể đạt được những kết quả tốt lên dần sau mỗi lần vấp ngã, nhưng rồi họ cũng không có được những bước đại nhảy vọt để chạm tới mục tiêu to lớn đã đề ra, trong khi cái giá phải trả quá đắt.
Vậy mô thức hành động mà những người thật sự thành công thường thể hiện là gì?
Mỗi khi chưa đạt được mục tiêu, họ không bao giờ xem đó là thất bại.
Họ sẽ liên tục nhận phản hồi, rút kinh nghiệm, thay đổi chiến lược và kiên trì hành động cho tới khi thành công.
Hầu hết các mục tiêu mà con người đưa ra chẳng là gì khác ngoài những ước muốn nhạt nhẽo yếu ớt. Thế nên, họ bao giờ cũng tìm cớ nấn ná trong vòng thoải mái của mình và trì hoãn hành động.
Cách duy nhất có thể giúp bạn đạt được bất kỳ điều gì mình muốn là hạ quyết tâm làm điều đó như một điều bắt buộc.

Lúc ấy, bạn sẽ cảm thấy mình không còn lựa chọn nào khác, và bạn sẽ làm bất cứ điều gì phải làm để đạt được điều đó.
Khi bạn đặt mình vào thế buộc phải thành công thì bao giờ bạn cũng sẽ tìm ra cách.
Làm thế nào để chúng ta có thể đặt mình vào thế phải hành động?
Một trong những cách hay là báo cho “cả thế giới” biết về những mục tiêu to lớn của bạn.
Hoặc tốt hơn là khiến một số người khác tham gia vào quá trình vươn tới thành công của bạn.
Hoặc bỏ ra một số tiền đầu tư nho nhỏ nhưng đủ để bạn cảm thấy “đau lòng” nếu bạn không cố gắng tận dụng số tiền đó.
Trong những hoàn cảnh như thế, não bộ của bạn “tự nhiên” sẽ bắt đầu “hoạt động” một cách nghiêm túc.
Khi tôi viết quyển sách đầu tay (Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế), tôi tìm đến tất cả những nhà xuất bản hàng đầu trong nước và nói với họ rằng tôi sẽ có bản thảo cho họ trong vòng 6 tháng tới.
Giây phút mà tôi loan báo cho cả bàn dân thiên hạ biết ý định của mình cũng là lúc tôi chặn hết đường rút lui của bản thân. Và chính sự “bắt buộc” đó đã thúc đẩy tôi hoàn thành quyển sách ấy ngay khi tôi vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường đại học.
Cách mà bạn sử dụng ngôn từ thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng làm việc của bạn.
Hãy luôn sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ như “phải”, “buộc phải”, “cần phải”… để chúng giúp bạn luôn ở trong tâm thế đầy động lực và sáng tạo.
Thật ra bạn không phải có nhiều tiền hay ở một địa vị xã hội cao mới có thể kiểm soát được những gì đang diễn ra.
Chừng nào bạn chịu trách nhiệm hoàn toàn về một việc gì đó thì chừng ấy bạn có quyền kiểm soát nó.
Chừng nào bạn còn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ai đó đã gây ra những khó khăn cho mình, thì bạn cũng đang dần tự huỷ hoại quyền lực tuyệt đối của bản thân để làm chủ cuộc đời mình và thay đổi nó.
Adam Khoo - người trở thành triệu phú ở tuổi 26
SỨC MẠNH KHÔNG TƯỞNG CỦA NIỀM TIN
Niềm tin mạnh mẽ có thể giúp những người bình thường làm được những việc phi thường hoặc không tưởng. Ngược lại, niềm tin giới hạn có thể làm thui chột những con người tài năng nhất.
Niềm tin của bạn không chỉ ảnh hướng đến hành động và kết quả bạn thu được, mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh khi họ tương tác với bạn.
Niềm tin của bạn thậm chí còn mạnh mẽ tới mức có thể can thiệp vào cơ chế sinh học của bạn.
Các bác sĩ ngày nay hiểu được rằng sự phát triển của một số bệnh ung thư có thể được kiềm hãm bằng hệ thống miễn dịch.
Khi bắt đầu tin vào một liệu pháp chữa bệnh, bệnh nhân ung thư có thể kích hoạt hệ thống miễn dịch của mình để làm máu tuần hoàn một cách hiệu quả đến mức tống những độc tố và chất thải gây ung thư ra ngoài.
Đã có nhiều trường hợp hồi phục nhờ những niềm tin mạnh mẽ như vậy.
Nếu niềm tin của bạn có tác động mạnh mẽ như vậy đến chất lượng cuộc sống và thậm chí sức khoẻ của bạn, vậy thì bạn phải bắt đầu xem xét, liệu niềm tin mà bạn sở hữu có tác dụng thúc đẩy bạn hay kiềm hãm bạn.
Và nếu niềm tin của bạn đang cản trở bạn, bạn phải thay đổi chúng ngay từ bây giờ.
Bạn phải hiểu rằng niềm tin của bạn không bao giờ đúng tuyệt đối cả. Trong mỗi niềm tin ấy, cho dù bạn tin nó đúng đến mức nào, sẽ luôn có một người nào đó tin vào một điều hoàn toàn trái ngược với bạn.
Nếu bạn tin rằng hiện kinh tế đang rất khó khăn, sẽ có người tin rằng đây mới chính là thời điểm thuận lợi để kiếm tiền.
Điều quan trọng với chúng ta không phải là niềm tin ấy đúng hay không mà là việc nó tạo động lực hay cản trở chúng ta hành động.
Hãy trả lời câu hỏi: “Niềm tin này có giúp tôi tận dụng khả năng tốt nhất để đạt mục tiêu không?”, hay “Niềm tin này có trói buộc tôi không?”.
Nếu bạn biết rằng niềm tin của mình chẳng qua chỉ là sự đúc kết những kinh nghiệm trong quá khứ và chúng đang kiềm hãm bạn, vậy làm thế nào để bạn phá vỡ chúng?
Niềm tin được hình thành đầu tiên từ một ý tưởng và được củng cố bằng các bằng chứng.
Bước đầu tiên để thay đổi niềm tin là tìm một lý do đủ mạnh để thay đổi nó.
Bước kế tiếp là phân tích từng niềm tin giới hạn của bạn và bẻ gãy tất cả những bằng chứng hỗ trợ cho niềm tin đó.
Hãy tạo ra một niềm tin tích cực mới để thay thế niềm tin giới hạn ấy.
Ví dụ, nếu niềm tin cũ là: “Tôi còn quá trẻ, không thể mở công ty được”, niềm tin mới có thể là: “Tuổi trẻ thường nhạy bén và tràn trề năng lượng trong kinh doanh”.
Hãy tìm những bằng chứng mới để củng cố niềm tin này. Đối với mỗi niềm tin mới, bạn bao giờ cũng có thể tìm được bằng chứng để củng cố niềm tin đó. Hãy tìm trong sách, lên mạng internet.
Cuối cùng, tôi muốn bạn hãy dành thời gian và sử dụng sức mạnh của việc hình dung để cài đặt niềm tin tích cực này.
Hãy viết ra tất cả những lợi ích mà bạn có được từ niềm tin tích cực mới này.
BÍ QUYẾT LÀM VIỆC ĐẠT HIỆU QUẢ TỐI ĐA
Hành vi của bạn được thúc đẩy bởi cảm xúc nhiều hơn lý trí.
Trạng thái cảm xúc mà bạn trải nghiệm thúc đẩy cách cư xử và hành động của bạn. Hành động của bạn lại ảnh hưởng đến kết quả mà bạn đạt được.
Những người thành công có nhiều cảm xúc tích cực hơn cảm xúc tiêu cực.
Cảm xúc của bạn ở mỗi thời điểm được quyết định bởi hai yếu tố: trạng thái cơ thể của bạn; và cách bạn nhận thức về mọi việc xung quanh.
Rõ ràng là bạn sẽ cảm thấy tràn đầy sức sống khi cơ thể bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, đúng không?
Còn nếu bạn phải dậy sớm sau một đêm trằn trọc hay ngủ không đủ giấc thì sao? Bạn sẽ cảm thấy người đau nhức và không hề vui vẻ chút nào.
Đó là lý do tại sao cơ thể bạn phải được chăm sóc ở điều kiện tốt nhất thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục đúng đắn. Điều này rất quan trọng.
Yếu tố thứ hai ảnh hưởng cảm xúc là nhận thức của bạn về mọi việc xung quanh.
Những gì bạn nhận thức được không phải là những gì xảy ra trong thực tế mà là hình ảnh tái hiện của thực tế bên trong tâm trí bạn.
Đó là lý do tại sao hai người cùng gặp một sự việc giống nhau, nhưng lại nhận thức về nó khác nhau và do đó, có cảm nghĩ hoàn toàn khác nhau.
Đối với một số người, trong lần vấp ngã đầu tiên, họ sẽ ngay lập tức tạo ra những hình ảnh và âm thanh tồi tệ nhất có thể trong tâm trí. Họ sẽ cảm thấy nản lòng, mệt mỏi và lo sợ đến mức không dám
hành động nữa.

Đa số những người thành công mà tôi biết chọn việc nhận thức về thất bại theo cách giúp họ duy trì cảm xúc tích cực. Họ nghĩ đến kết quả mà họ muốn đạt được sau cùng và tự nhủ với bản thân: “Tôi rút ra được kinh nghiệm gì từ thất bại này?”, “Làm thế nào để tôi chuyển bại thành thắng?”.
Điều khiển dáng vẻ điệu bộ là một trong những phương pháp hiệu quả nhất giúp bạn quản lý cảm xúc của mình.
Để có được bất kỳ cảm xúc tích cực nào, bạn phải làm 6 bước sau đây:
1/ Hãy nghĩ về một thời điểm trong quá khứ khi bạn cảm thấy rất tự tin.
2/ Hãy đứng cách đứng như lúc bạn cảm thấy rất tự tin.
3/ Hãy điều chỉnh hơi thở như lúc bạn cảm thấy rất tự tin.
4/ Hãy biểu lộ nét mặt, mắt nhìn tập trung như lúc bạn cảm thấy rất tự tin.
5/ Hãy làm điệu bộ như lúc bạn cảm thấy rất tự tin.
6/ Hãy nói những gì bạn nói lúc bạn cảm thấy rất tự tin (với cùng giọng điệu, âm vực).
CÁC GIÁ TRỊ SỐNG: ĐỘNG LỰC PHẤN ĐẤU CỦA BẠN
Có bao giờ bạn tự hỏi đâu mới là động lực thúc đẩy bạn trong cuộc sống? Tại sao bạn làm những việc bạn đã, đang và sẽ làm? Yếu tố gì thường xuyên ảnh hưởng đến các quyết định và lựa chọn của bạn?
Có hai loại cảm xúc thường xuyên thúc đẩy bạn: cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực.
Những cảm xúc tích cực được định nghĩa là các “giá trị kéo”, ngược lại, những cảm xúc đau đớn mà ai cũng muốn tránh né được gọi là các “giá trị đẩy”. Mỗi người sẽ sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng một cách khác nhau.
Ví dụ, một số người coi trọng tình cảm hơn thành công, trong khi những người khác lại đặt thành công lên trên mọi thứ. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên này ảnh hưởng trực tiếp đến những lựa chọn của họ trong cuộc sống.
Vì thế, điều quan trọng đầu tiên là bạn cần biết rõ giá trị kéo của mình là gì và giá trị đẩy của mình là gì?
Bạn có thể tìm ra câu trả lời bằng cách tự hỏi mình một trong 3 câu hỏi sau:
1. Điều gì quan trọng nhất đối với bạn trong cuộc sống? (Hạnh phúc cá nhân? Gia đình? Sức khoẻ? Tình yêu đôi lứa? Sự tự do? Sự an toàn? Niềm vui? Danh tiếng? Được mọi người công nhận?).
2. Trạng thái cảm xúc tích cực nào mà bạn muốn đạt được nhất?
3. Hãy nghĩ về một thời điểm bạn có động lực để làm một việc gì đó. Trong thời điểm đó, bạn đang hướng tới cảm xúc tích cực nào?
Tiền bạc rõ ràng là một chủ đề chất chứa nhiều cảm xúc. Và hiển nhiên tiền bạc thúc đẩy con người hành động.
Tiền bạc là giá trị trung gian, là phương tiện giúp bạn đạt được mục đích cuối cùng.
Điều quan trọng là bạn cần biết được bạn thật sự theo đuổi cái gì? Có những người cố kiếm thật nhiều tiền vì nghĩ rằng đồng tiền sẽ mang lại cho họ hạnh phúc và tự do. Nhưng rốt cuộc, khi đã có trong tay tất cả số tiền họ mong muốn, họ vẫn có cảm giác bị trói buộc bởi một cái gì đó và hạnh phúc thì dường như vẫn còn nằm ở chân trời nào xa lắm.
Để tìm hiểu các giá trị đẩy của bạn, hãy trả lời một trong hai câu hỏi sau:
1. Bạn luôn làm mọi cách để né tránh cảm xúc tiêu cực nào nhất? Có phải là sự xấu hổ? Hay cảm giác cô đơn, bị từ chối, tuyệt vọng, mất mát, đau đớn về thể xác, thất vọng hay cảm giác tội lỗi?
2. Hãy nghĩ về lần cuối cùng bạn cảm thấy có động lực làm một việc gì đó, đó là vì bạn muốn tránh xa cảm xúc tiêu cực nào?
Tôi muốn bạn đặt các giá trị sống của bạn cạnh nhau và ngay trước mặt để phân tích chúng. Các giá trị này có giải thích tại sao bạn lại đưa ra các quyết định trong quá khứ không? Chúng có giúp bạn hiểu được lý do đằng sau một cách hành xử nhất định của bạn không?
Nếu bạn cứ loay hoay mãi mà vẫn không đạt được kết quả mong muốn trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, bạn cần tìm hiểu xem các giá trị của bạn có cản trở bạn không.
Có một phụ nữ tìm đến khoá học của tôi và khám phá rằng, có vẻ như hai giá trị kéo hàng đầu của chị mâu thuẫn với nhau và do đó, kiềm hãm bước tiến của chị
Giá trị cao nhất của chị là sự phát triển tinh thần. Giá trị thứ hai là tiền bạc. Vì thế, mỗi khi chị làm việc cật lực để kiếm tiền, chị lại cảm thấy như mình có tội, bởi vì chị cho rằng việc kiếm tiền làm giảm tinh thần của chị. Cuối cùng chị cho rằng, tinh thần chị không phát triển bao nhiêu mà tiền bạc cũng chẳng có nhiều.
Nếu bạn phát hiện ra những giá trị sống của bạn không được sắp xếp hoặc định nghĩa theo cách hữu ích giúp bạn vươn lên thì đã đến lúc bạn nhận trách nhiệm tái thiết kế chúng.
Một trong những cách thức mạnh mẽ nhất để thiết kế các giá trị sống của bạn là việc tạo ra cả lực kéo lẫn lực đẩy về phía mục tiêu cuộc đời bạn.
Bạn làm việc này như thế nào? Đơn giản bằng cách sắp xếp các giá trị kéo và giá trị đẩy của bạn sao cho chúng có tác dụng cộng hưởng cùng đẩy bạn đi theo một hướng.
Ví dụ: Giá trị kéo là Thành công – Giá trị đẩy là Thất bại.
Giá trị kéo là Sự hoàn tất công việc – Giá trị đẩy là Sự nhàm chán.
Khi bạn đã có ý thức thiết kế lại giá trị sống của mình, bạn có thể cài đặt các giá trị mới bằng cách:
a) Cam kết sống theo những giá trị mới này.
Một khi bạn bắt đầu đưa ra những quyết định mới dựa trên các giá trị mới một cách có nhận thức, tâm trí bạn sẽ liên kết các giá trị ở mức độ vô thức và hình thành cách suy nghĩ mới và lối sống mới.
b) Thường xuyên ôn lại các giá trị mới.
Đặt bảng liệt kê các giá trị sống ngay trên bàn làm việc hay trong quyển sổ tay của bạn. Như vậy bạn sẽ nhớ hành động theo các giá trị đó mỗi ngày.
c) Nạp thêm năng lượng cảm xúc cho các giá trị mới bằng cách tưởng tượng.
Ví dụ, nếu bạn muốn đưa “sức khoẻ” lên vị trí số một trong bảng giá trị kéo, hãy hình dung những quyết định mới mà bạn đưa ra và các hành vi tương ứng với nó. Hãy nghĩ đến chế độ dinh dưỡng hợp lý và những bài tập thể thao thường xuyên.
Hãy hình dung rõ nét về nguồn sinh lực dồi dào tuôn chảy trong cơ thể bạn, vóc dáng của bạn sẽ “chuẩn” ra sao và bạn sẽ tự tin như thế nào khi xuất hiện trước người khác. Dùng sức mạnh của các giác quan nội tại để tăng cường độ trải nghiệm trong tâm trí bạn để nó trở thành một liên kết thần kinh mạnh mẽ.
Hãy bắt đầu ngay với việc đưa ra quyết định và xắn tay áo lên hành động dựa trên những giá trị mới này.
Nếu bạn đưa “Sức khoẻ” lên hàng đầu, trên cả hạng mục “Thành công”, hãy đảm bảo rằng mỗi khi phải lựa chọn, bạn sẽ đi đến phòng tập thể thao hoặc chạy bộ một vòng chứ không phải mở mắt ra là lao đầu vào việc.
Một khi bạn liên tục đưa ra những lựa chọn có ý thức như vậy, não bộ sẽ bắt đầu cài đặt những giá trị mới của bạn một cách tự động.
THIẾT KẾ VẬN MỆNH
Bạn phải biết chính xác mình muốn gì. Chỉ có vậy bạn mới phát triển được những chiến lược cụ thể và tập trung mọi nỗ lực để đạt mục tiêu đó.
Ba yếu tố chính tạo nên mục tiêu mạnh mẽ:
1. Mục tiêu phải cụ thể và đo lường được.
Mục tiêu của bạn càng cụ thể bao nhiêu, bạn sẽ càng tập trung tâm trí và nỗ lực cho nó bấy nhiêu. Những mục tiêu cụ thể và đo lường được sẽ dẫn tới những chiến lược và hành động hữu hiệu.
2. Cảm giác đam mê và hào hứng.
Bạn chỉ nên đặt ra những mục tiêu mà bạn thực sự đam mê và khao khát thực hiện. Nếu mục tiêu của bạn không thể “truyền lửa” cho bạn, nó không đủ mạnh để lôi cuốn bạn về phía nó. Và do đó, nó cũng không đủ sức để khiến bạn phải hành động.
3. Mục tiêu đầy thử thách mang lại kết quả vượt bậc.
Mục tiêu đầy thử thách có tác dụng cực kỳ mạnh mẽ bởi vì nó sẽ khiến bạn vươn lên hết mình, đạt tới ngưỡng cao nhất của năng lực và kỹ năng của bản thân. Nó buộc bạn phải sáng tạo và phát triển những chiến lược thần tình.
Hãy hình dung về mục tiêu này mỗi ngày.
Bản thân tôi rất thích làm việc này vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn chỉ cần nghĩ về một mục tiêu quan trọng nào đó của bạn và tưởng tượng bản thân bạn đạt được mục tiêu đó trong tương lai.
Tôi còn nhớ như in rằng cách duy nhất giúp tôi có đủ nghị lực để viết được quyển sách đầu tiên là nhờ vào mỗi tối, tôi đều hình dung bản thân mình ký tên tặng sách cho độc giả trong hiệu sách và sách tôi thì bán chạy như tôm tươi.
Tôi dám chắc một điều rằng, nếu bạn thường xuyên làm việc này, bạn sẽ tìm được nguồn năng lượng và động lực để hành động không ngừng hướng đến mục tiêu.
Vậy thì bạn hãy bắt đầu hình dung về mục tiêu của bạn ngay hôm nay!
THANH XUÂN tóm tắt