Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Monday, May 14, 2012

Khơi nguồn sáng tạo trong doanh nghiệp


Sáng kiến là nơi bắt nguồn của sản phẩm mới, là bước đột phá giúp doanh nghiệp chuyển bại thành thắng. Ngay chính trong doanh nghiệp, đội ngũ nhân viên luôn là nguồn ý tuởng dồi dào nhất, mà không cần phải tốn kém, mất công tìm kiếm, thuê mướn đâu xa.


Vậy làm thế nào để khơi nguồn sáng tạo của đội ngũ nhân viên? Sau đây là một số biện pháp đơn giản nhưng hữu hiệu:

Tạo điều kiện cho nhân viên thử sức

Ba năm truớc, một công ty đang bị đối thủ cạnh tranh khốc liệt mà ý tưởng lại khan hiếm, thế là họ tổ chức một cuộc thi thiết kế nho nhỏ trong công ty. Đối tuợng tham gia gồm tất cả các nhân viên, từ cô công nhân may cho tới cả chủ tịch hội đồng quản trị. Họ ngồi lại với nhau, cùng thiết kế, sáng tạo rồi bầu chọn và trao thưởng cho mẫu đoạt giải vào cuối ngày. Từ đó, mỗi năm, công ty này lại có một ngày để tôn vinh những ý tuởng và khơi nguồn sáng tạo trong tập thể nhân viên.

Đó là câu chuyện của Công ty West Paw Design và giám đốc sản xuất là Seth Partain. Ý tuởng này của ông không những đem về cho công ty những ý tuởng suất sắc, ít tốn kém, thu về nhiều lợi nhuận mà còn góp phần khích lệ tính sáng tạo cũng như tinh thần tập thể: nhân viên cảm thấy mình thực sự là một phần của công ty. Vậy thì tại sao bạn không thử là những Seth Partain thứ hai?

Thêm thời gian riêng tư

CEO của BrightHouse, công ty chuyên tư vấn về các ý tưởng sáng tạo cho Coca-Cola, Delta Airlines… cho biết, ngoài 5 tuần nghỉ phép thì nhân viên của công ty này có thêm 5 ngày “riêng tư” để suy nghĩ, giải quyết công việc. Trong khoảng thời gian đó, nhân viên có thể tới những nơi mà họ cho là thích hợp để tịnh tâm suy nghĩ. Google cũng dành cho các kỹ sư của mình khoảng thời gian tương tự là 20% thời gian làm việc.

Áp lực về thời gian và môi trường xung quanh cũng là một yếu tố ngăn cản sự sáng tạo. Vì vậy, khi nhân viên của bạn cần phải đưa ra những quyết định sáng tạo hay những công việc quan trọng, hãy cho họ thêm thời gian và sự riêng tư để họ thoải mái suy nghĩ, họ sẽ đưa ra những quyết định, ý tưởng đầy sáng tạo.

Tận dụng Internet để khuyến khích sáng tạo

Khi trong công ty có một số nhân viên rất ngại trực tiếp nêu ra ý tưởng của mình, một số khác cho rằng đó không phải là việc của họ nên không lên tiếng, hay khi nhân viên thường xuyên phải di chuyển, công tác xa…, bạn có thể tổ chức các cuộc khảo sát ý tưởng hay các diễn đàn trực tuyến, trong đó cho phép nhân viên có thể xem và bầu chọn cho ý tưởng của đồng nghiệp, và tất nhiên, có trao giải cho các ý tưởng xuất sắc.

Khuyến khích mạo hiểm

Hằng năm, Reiman – CEO công ty BrightHouse lại dành một ngày để tổ chức chương trình “khuyến khích mạo hiểm”. Trong ngày đó, nhân viên được khuyến khích làm những việc trước đây họ chưa bao giờ dám làm, như nhảy dù từ trên máy bay, lặn, viết tiểu thuyết… “Khi bạn muốn làm, thì điều đó hoàn toàn có thể” – ông nói.

Tương tự, công ty Maddock Douglas có tổ chức trao giải Fail Forward hằng năm cho những ý tưởng “dám mạo hiểm” nhằm tôn vinh những nỗ lực, những tham vọng, và cả những thất bại, vì “thất bại là mẹ thành công”.

Chọn nhân tài từ các cuộc thi

Nhận thấy nguy cơ thiếu nhà thiết kế, năm 2007, CEO tập đoàn thời trang La Jolla - Toby Bost nảy ra ý tưởng tổ chức các cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tuởng cùng các tài năng tương lai. Từ đó trở đi, vào tháng 9 hằng năm, cuộc thi thiết kế thời trang thu hút hàng ngàn sinh viên – học sinh tham gia do La Jolla tổ chức diễn ra hết sức sôi động.

Người thắng cuộc do khán giả nhắn tin bình chọn sẽ được nhận học bổng trị giá 4000 USD, được đăng trên tạp chí Teen Vogue (một tạp chí thời trang học sinh) và có cơ hội được làm việc tại La Jolla Group. Đây là một kiểu “đầu tư” hết sức khôn ngoan: nuôi dưỡng nguồn sáng tạo – tài năng tương lai cho doanh nghiệp.

Dành 10% thời gian cho những phát minh

Theo Scott Cook, nhà sáng lập trình quản lý doanh nghiệp Intuit, cách hay nhất để khuyến khích những phát minh là tạo điều kiện để nhân viên của bạn luôn có thời gian để sáng tạo. Theo đó, các kỹ sư, giám đốc sản xuất của công ty có 10% thời gian làm việc của mỗi tuần để suy nghĩ về các ý tuởng mới. Đó là cách họ phát triển sản phẩm và đặc trưng của thương hiệu.

Nhân viên của bạn sẽ trở nên sáng tạo hơn và sẽ có nhiều ý tuởng xuất sắc được đề xuất, một khi bạn thực sự coi trọng sự sáng tạo và dành thời gian cho nó.

Kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn vào cuối năm nay

Sau nhiều năm làm việc và gắn bó với Việt Nam, nguyên Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam ngài Michael W. Michalak đã trở lại và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam với sự hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ tồn tại và phát triển trong thời kỳ khủng hoảng. 

Phỏng vấn của phóng viên với ngài Michael W. Michalak.



Là người có nhiều năm làm việc và gắn bó với Việt Nam cũng như rất hiểu rõ tình hình kinh tế Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay?

Tôi rất vui vì sau một năm có cơ hội trở lại Việt Nam và nhìn thấy nhiều sự thay đổi. Tôi nghĩ rằng kinh tế đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và các cải cách quy chế. Tôi được biết rằng có những cải cách đang được thực hiện, nhưng thành thật mà nói, từ góc nhìn chủ quan, Việt Nam không theo kịp với tốc độ cải cách đang diễn ra ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cẩn phải cẩn trọng, nếu không sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong khu vực. Việt Nam vẫn có những cơ hội cạnh tranh tốt nhất trong khu vực, nhưng Việt Nam cần cải thiện trong quan hệ công chúng cộng đồng, đồng thời đưa ra những chính sách xác đáng hơn.

Từ bài học về kinh doanh chứng khoán, bất động sản, lạm phát, theo ông thời kỳ tồi tệ của kinh tế Việt Nam đã qua chưa?

Câu trả lời đơn giản là chưa, nhưng tôi biết câu hỏi của bạn phức tạp hơn thế. Đây có thể không phải là một năm tuyệt vời cho Việt Nam nhưng tin rằng năm nay tình hình sẽ khởi sắc hơn năm trước, thời điểm mà tất cả các nhà kinh tế dường như đều đồng ý rằng đó là một trong những mốc tồi tệ nhất đã được ghi nhận. Lạm phát đã giảm xuống và đã có một vài con số rất đáng khích lệ. Bức tranh thương mại hóa khả quan hơn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về nhập khẩu và chưa có đầy đủ các giải pháp thị trường được đưa ra. Tóm lại, một vài chính sách cần thiết thì đang được triển khai, nhưng tôi khuyến khích chính phủ cố gắng đẩy nhanh tốc độ hơn nữa. Tôi kỳ vọng mọi thứ sẽ sáng sủa hơn vào cuối năm nay và năm 2013 và 2014 sẽ là giai đoạn phục hồi của nền kinh tế.

Trong giai đoạn như hiện nay, chìa khoá nào có thể giúp DN Việt Nam vượt qua cơn bão kinh tế thưa ông?

Trong thời gian của cuộc suy thoái kinh tế, nhìn vào chiến lược và điều chỉnh, ứng dụng chiến lược trong khía cạnh marketing và quản lý nhân lực luôn luôn là đúng đắn và cần thiết. Quản lý tiền mặt là quan trọng, nhưng làm ơn đừng nhầm lẫn giữa quản lý tiền mặt là không chi tiêu bất kỳ khoản gì! Phải, chắc chắn rằng đây không phải thời điểm để cho bạn dùng tiền mua thêm 1 chiếc xe Mercedes hay Bentley. Tuy nhiên, đây sẽ chính là thời điểm thích hợp để bạn tập trung vào các phương pháp tiếp thị trong các lĩnh vực chuyên môn đã được chọn lựa, phân tích là liên quan đến sự sống còn của công ty. Ngoài ra, khi mọi người chỉ băn khoăn và bận rộn để nghĩ về Giáo dục, thì vấn đề về cải thiện nguồn nhân sự, điều mà hay bị phớt lờ trong những giai đoạn bùng nổ, lại thực sự là một khía cạnh không nên bỏ qua.

Các nhà DN Việt Nam cho biết họ đang phải tiếp đón các đối thủ cạnh tranh nước ngoài rất mạnh về tài chính và kinh nghiệm, vậy DN Việt Nam nên ứng xử với khó khăn này như thế nào, thưa ông?

Trước tiên cho tôi hỏi, tại sao bạn nghĩ họ là đối thủ cạnh tranh? Rất nhiều DN, doanh nhân nước ngoài mong muốn được trở thành đối tác với công ty Việt Nam để làm cho DN bền vững hơn, so với việc họ đứng độc lập một mình. Đừng bỏ qua các cơ hội liên mình để học hỏi kinh nghiệm và bù đắp lẫn nhau. DN, doanh nhân Việt Nam sẽ có lợi thế là hiểu biết thị trường vì đó là “sân nhà” của bạn. Cạnh tranh có thể làm cho các DN Việt Nam nâng cao chất lượng, chi phí và dịch vụ. Thực tế là hầu hết DN, doanh nhân Việt Nam đều trẻ nên họ sẽ có nhiệt huyết để tiếp thu, tiếp nhận những phương pháp từ các DN nước ngoài và học hỏi từ những bài học thực tiễn tốt nhất trong khi tránh thực thi kém. Thế nên, đừng nghĩ DN nước ngoài tham gia là một thử thách, hãy nhìn nhận đó là một cơ hội!

Là một chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Á, theo ông những chiến lược nào DN Việt Nam có thể ứng dụng để "vượt lên từ khủng hoảng"?

Tôi không chắc rằng đã có bất kì công ty nào thành công trong vượt qua khủng hoảng. Một số công ty đã bị thiệt hại ít hơn so với các công ty khác và đã có thể xuất hiện trong thời điểm khó khăn năm 2008 và 2009 tốt hơn các công ty khác. Các công ty này thường có sự chuẩn bị tốt từ trước giúp họ đứng vững trong những “ngày mưa”. Một vài doanh nghiệp, như Apple hay SAP, đơn giản là đưa ra những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu, được hoàn thiện thông qua đầu tư thích đáng trong quá trình Nghiên cứu & Phát triển (R&D), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất. Vẫn có một số khác, ví dụ như một vài công ty BDS, họ thay đổi thị trường mục tiêu sau khi thấy các dự án không còn hấp dẫn với nhu cầu. Cuối cùng, một vài DN nhận ra họ không nên hoạt động đơn lẻ mà nên kết hợp, sáp nhập với những đối tác chiến lược khác để có thể phát triển vốn và hỗ trợ nhau về nguồn lực, giúp nhau cùng vượt qua thời gian khó khăn.

Đánh giá của ông về tình hình kinh tế Việt Nam trong ba năm tới cũng như vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới?

Việt Nam đã đấu tranh kiên cường để chống lại những khó khăn kinh tế và một trong những ưu điểm tốt nhất của Việt Nam là khi họ đối mặt với một vấn đề mà chưa bao giờ gặp phải, thì chính phủ và các tập đoàn không ngần ngại khi kêu gọi sự giúp đỡ từ bên ngoài và học hỏi kinh nghiệm để vượt qua khó khăn của bản thân. Tôi nghĩ rằng đối với những giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam sẽ vượt qua những vấn đề lạm phát tương đối tốt. Sự duy trì tính minh bạch trong cách quản trị DN vốn nhà nước sẽ là cốt yếu để nâng cao uy tín của Việt Nam trên thế giới và thu hút được đầu tư vào những công nghệ mà Việt Nam đang cần được phát triển. Việt Nam vẫn là một thành viên quan trọng trong quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương, điều này sẽ là tiềm năng mang lại cơ hội thương mại mới cho các công ty Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đóng một vai trò mạnh mẽ trong ASEAN, đặc biệt thúc đẩy cho cánh cửa thông thương hàng hóa. Vì vậy, tôi cảm thấy rất lạc quan. Tại sao lại phải lo lắng về sự suy thoái trong khi Việt Nam có rất nhiều doanh nhân năng động. Điều cần thiết là khởi động các chính sách hỗ trợ để thiết lập sân chơi, phát triển hệ thống ngân hàng và hệ thống giáo dục hiệu quả sẽ giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng để tiến lên phía trước.


 VCCINews

Quản trị vốn vô hình

Trong nền kinh tế biến động vài năm gần đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn quan tâm đến việc sáp nhập và mua lại (M&A). Hiệu ứng sụt giảm liên tiếp của các thị trường chứng khoán toàn cầu cho thấy, với những công ty có tình hình tài chính vững mạnh, khả năng tăng trưởng thông qua việc thâu tóm các công ty khác là một chiến lược khả thi.


Nửa đầu năm 2011, số thương vụ M&A trên toàn cầu so với thời điểm cùng kỳ năm trước tăng đến 22%, và theo số liệu mới nhất, việc thâu tóm “đối thủ” đặc biệt chiếm ưu thế, đạt mức cao nhất trong vòng gần hai năm trở lại đây.

Thất bại do thiếu thời gian

Trong quý đầu của năm 2011, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển toàn cầu của Tập đoàn Hay Group đã phối hợp với Harris Interactive để thực hiện khảo sát trên toàn cầu về những thành tố của nguồn vốn vô hình có ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ trước khi sáp nhập và thành công sau cùng của những thương vụ M&A.

Hơn 220 giám đốc điều hành cấp cao có kinh nghiệm với những thương vụ M&A lớn (với doanh thu trung bình hậu sáp nhập hơn 1 tỷ USD hằng năm) trong suốt ba năm qua đã được phỏng vấn trên toàn thế giới cho cuộc khảo sát này.

Người được hỏi đã được lựa chọn từ nhóm các nhà lãnh đạo bao gồm các chức danh CEO, CFO, các chuyên gia phát triển chiến lược kinh doanh và quyết định các thương vụ M&A.

Khảo sát được thực hiện ở nhiều lĩnh vực, bao gồm: dịch vụ tài chính, khoa học đời sống, ngành hàng tiêu dùng nhanh, dầu khí, sản xuất, công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Khảo sát này cho thấy, 2/3 các giám đốc điều hành tin rằng tập trung nhiều hơn và sớm hơn vào các nguồn vốn vô hình trong suốt quá trình M&A sẽ giúp tăng khả năng thành công của quá trình sáp nhập.

Tuy nhiên, họ lại không dành đủ thời gian xem xét, đánh giá giá trị và sự phù hợp của các chỉ tiêu cho vốn vô hình trong giai đoạn đầu của một thương vụ. Nguồn vốn ấy bao gồm: nguồn vốn tổ chức, nguồn vốn mối quan hệ, nguồn vốn con người… Hầu hết các thất bại trong giao dịch M&A đều do thiếu chú ý đến yếu tố này.

Còn những người dành nhiều thời gian để đánh giá nguồn vốn vô hình thì lại không thành công trong việc xác định rủi ro gắn liền với nó. Kết quả là họ sẽ không thể làm giảm rủi ro một cách hiệu quả nhất trong thời gian tiền sáp nhập.

Thực chất, giá trị của nguồn vốn vô hình là không cố định, mà biến động trong suốt quá trình thương thảo. Do đó, những người không xác định được rủi ro, hoặc không có kế hoạch kiểm soát những rủi ro đó một cách chủ động sẽ thấy sự tụt giảm tương ứng trong trị giá cổ đông góp vốn.

Về cơ bản, tối đa hóa nguồn vốn vô hình được củng cố bởi hai thành tố chính cho phép quản lý tốt hơn vốn vô hình: lãnh đạo và sự liên kết văn hóa.

Do vậy, tập trung vào hai định hướng này không chỉ cải thiện khả năng thành công của thương vụ, mà còn giúp đơn giản hóa quá trình xác định các mục tiêu tiềm năng và tăng hiệu quả các hoạt động thẩm định.

Liên kết lãnh đạo

Những nghiên cứu trên diện rộng của Hay Group cho thấy, giá trị của nguồn vốn vô hình phụ thuộc rất nhiều vào mức độ liên kết trong sự lãnh đạo của hai công ty liên quan và vào mối liên hệ giữa các nền văn hóa tương ứng. Hai yếu tố này có thể làm nên hoặc phá vỡ bất kỳ một thương vụ M&A nào.

Với bất cứ thương vụ M&A nào, sự tin tưởng chung được chia sẻ bởi những nhà lãnh đạo từ hai công ty sáp nhập sẽ dẫn đến sự đồng tâm nhất trí, mang đến cơ hội tăng giá trị và khả năng phát triển cho cả hai bên.

Do đó, trong thời gian đầu của thời kỳ tiền sáp nhập, các giám đốc điều hành nên dành thời gian đủ để thống nhất những mong muốn của cá nhân và tập thể xung quanh những câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng như: Vị trí thương hiệu của công ty? Ai sở hữu các mối quan hệ khách hàng và làm thế nào để quản lý các mối quan hệ khách hàng? Công ty mới sẽ cạnh tranh thị phần trên cơ sở nào? Mô hình quản trị mới là gì?

Những quyết định sẽ được đưa ra tại tổng công ty hay ủy thác xuống cho các bộ phận trong toàn doanh nghiệp? Làm thế nào để thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp? Làm thế nào để cải tiến và kết hợp các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra lợi thế cạnh tranh?

Điều quan trọng không kém là cách ra quyết định trong sự lãnh đạo. 2/3 phản hồi của cuộc khảo sát từ Hay Group cho rằng, việc chậm ra quyết định là rào cản chính của tính hiệu quả trong quá trình hội nhập.

Khi xuất hiện những nhân tố cản trở quá trình ra quyết định, các nhà lãnh đạo cần cho thấy khả năng vượt qua một cách nhanh chóng. 

Để cho đồng nghiệp và các đối tác thấy doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào, ngay từ đầu các nhà lãnh đạo cần phải rõ ràng về các yếu tố cốt lõi như: Ai là người chịu trách nhiệm cho những quyết định? Làm sao để ra quyết định khi giám đốc điều hành có thể không đồng ý? Phương pháp nào sẽ được sử dụng để phân tích những cản trở trong quá trình ra quyết định?...

Cuối cùng, giai đoạn hậu sáp nhập tạo ra sự không chắc chắn cho khách hàng cũng như nhân viên. Những chia sẻ cởi mở và thành thật từ những nhà lãnh đạo có thế giúp giải quyết vấn đề này.

Khảo sát chỉ ra rằng, các nhà lãnh đạo ở mọi cấp độ nên chuyển tiếp thông tin một cách chính xác và kịp thời. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo có xu hướng tự nhiên là bảo vệ tinh thần của nhân viên, hiệu suất và dịch vụ khách hàng bằng cách trì hoãn thông tin, che đậy tình hình khó khăn của công ty, chẳng hạn như việc dư thừa nhân viên.

Khắc phục vấn đề này, hậu sáp nhập sẽ dễ dàng được chấp nhận hơn trong mắt nhân viên và vì thế, đội ngũ lãnh đạo cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc ra các quyết định.

DAVID DERAIN – Giám đốc Trung tâm M&A Hay Group

"Năm nay nhiều người mất tiền, nhiều người kiếm tiền"

“2012 sẽ là năm của M&A, là cơ hội để các nhà đầu tư “săn mồi”. Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt.”

Tiến sỹ Alan Phan - Chủ tịch quỹ đầu tư VIASA khẳng định.

Là một trong những chuyên gia tư vấn kinh tế được đánh giá cao ở nước ngoài cũng như trong nước, doanh nhân việt kiều - Tiến sỹ Alan Phan đã có cuộc chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề mua bán - sáp nhập (M&A) hiện nay tại Việt Nam.

Nghe nói ông vừa có một phát ngôn gây “rúng động” là: “Năm 2012 là năm tuyệt vời để kinh doanh”. Điều này khiến không ít người hoài nghi về việc liệu đây có phải là cách để ông gây sự chú ý. Ông nghĩ sao?

Thực tình, tôi đã nói từ cách đây 2 năm là kinh tế Việt sẽ đi vào bão táp và mọi doanh nghiệp phải chuẩn bị để vượt bão. Tôi cũng nói thêm 2012 là khởi đầu của một chu kỳ mới mà sự thay bậc đổi ngôi về tài sản, về ngành nghề kinh doanh, về nguồn vốn đầu tư… sẽ khiến nhiều người mất tiền và nhiều người kiếm tiền.

Nếu tôi là một doanh nhân chưa “thành đạt” thì đây sẽ là cơ hội mới mẻ và hứng thú cho tôi. Chắc chắn nó sẽ rất tuyệt vời. Và dĩ nhiên sẽ thảm hại cho những đại gia đang giàu nhờ đòn bẩy tài chính, nhờ quan hệ không chính thống, đang kinh doanh trong những ngành nghề như bất động sản, công nghệ xưa cũ…

Với vai trò là chủ tịch một quỹ đầu tư đồng thời là chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia, ông nhận định thế nào về những lĩnh vực có thể mang lại cơ hội tuyệt vời ấy cho giới doanh nhân?

Có những ngành nghề mà nhu cầu rất cao, chỉ cần chút sáng tạo về điều hành là có thể xây thương hiệu bền vững. Tôi có thể kể đến y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, du lịch, tài chính và các hàng tiêu dùng hay nông hải sản có thương hiệu.

Bản thân quỹ Viasa cũng đang đàm phán với 3 đối tác để đầu tư vào công ty của họ. Chúng tôi sẽ công bố chi tiết khi hoàn tất vụ việc. 

Không giống như suy nghĩ thông thường của nhiều người, ông đã cho rằng chính các công ty tăng trưởng nhanh tại Việt Nam đang trở thành mục tiêu của các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp trong và ngoài nước mua lại. Vì sao lại không phải là những doanh nghiệp lớn đang đứng bên bờ phá sản?

Những công ty lớn tại Việt Nam thường là những doanh nghiệp nhà nước hay liên quan đến cổ phần do nhà nước kiểm soát. Phi vụ M&A sẽ mất rất nhiều thời gian và những lobby. Chỉ có những định chế lớn cần thị phần ở Việt Nam trên căn bản lâu dài như ngân hàng, dầu hỏa, viễn thông… mới có đủ kiên nhẫn.

Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài hứng thú hơn với những công ty tăng trưởng nhanh, có sức đột phá, có thương hiệu tốt. Đây là sân chơi của các doanh nghiệp IT, hàng tiêu dùng có thương hiệu, y tế, du lịch…

Nhưng thực tế cho thấy, các thương vụ M&A tại Việt Nam không dễ để thành công, ngay cả khi họ đã nhắm tới là các công ty tăng trưởng nhanh và ngược lại, bên bán cũng đang có nhu cầu…?

Khi đến Việt Nam, những doanh nhân nước ngoài vẫn mang theo với họ những kinh nghiệm, thành kiến đã hội tụ từ bao năm trong môi trường văn hóa của nước họ.

Người Nhật và Hàn Quốc có những tư duy và quyết định làm ăn khác với người Mỹ hay người Pháp. Vì vậy, muốn thành công trong việc bán thương nghiệp, mình phải hiểu rõ nhu cầu và tiêu chí của đối tác. Không nên dựa vào một công thức cứng ngắc cho mọi người.

Ngoài ra phải phân biệt giữa các nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược, thời hạn và cách thoái vốn, cơ hội hay bền vững, khả năng giúp quản lý và phương thức xây thương hiệu.

Ông cũng vừa nói là đang hoàn tất một số thương vụ M&A, xem ra thì đây đang là thời điểm là nên tính đến M&A…?

Tôi vẫn nghĩ rằng thời điểm suy thoái là lúc mà các doanh nghiệp lớn mạnh hay các nhà đầu tư nhiều vốn nên năng động trong việc săn mồi. 2012 sẽ là năm của M&A.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ do dự vì chưa ai biết giải pháp thực sự của chính phủ cho nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ là gì và các rào cản về pháp lý, giá mua, minh bạch của hồ sơ tài chính, bộ máy quản lý… vẫn còn hiện diện.

Vậy trong bối cảnh như hiện nay, ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp đang có ý định muốn mua hoặc bán?

Với người mua, hãy cẩn thận trong quá trình phân tích thẩm định (due diligence) và cảnh giác cao độ với những lời hứa hẹn dù qua hợp đồng.

Với người bán, hãy tìm một nhà tư vấn độc lập để có một định giá chính xác về công ty. Nếu được, phải thành thực làm một SWOT (điểm mạnh, yếu, cơ hội, rủi ro) để biết mình rõ hơn.

Trong thế giới kinh doanh của nền kinh tế thị trường, luôn luôn có cá mập và bầy cá con. Biết vị trí của mình trong chuỗi thức ăn thiên nhiên này. Đừng bao giờ hoang tưởng mình là cá mập hay đồng minh của cá mập. Khôn chết, dại chết, biết mới sống, người xưa dạy thế.

Xin cảm ơn ông!