Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Monday, March 25, 2013

Thay đổi cách tiếp cận thị trường và quảng bá hàng Việt Nam


Tại Diễn đàn Xuất khẩu 2013 “Đối thoại cùng tham tán thương mại” do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 22/3, doanh nghiệp đã cập nhật những thông tin để nhận diện đúng khó khăn và đánh giá được cơ hội của từng thị trường.
Các tham tán thương mại và tổ chức nước ngoài trao đổi với doanh nghiệp
Những cơ hội vẫn mở ra
Khó khăn đầu tiên cho xuất khẩu năm 2013 nằm trong khâu phát triển thị trường. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm đều đối mặt với những vấn đề nội tại như kinh tế Mỹ được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng chậm, khu vực EU còn đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, kinh tế Nhật chưa được cải thiện. Trong bối cảnh đó, xu hướng bảo hộ gia tăng ở các thị trường. Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, thứ trưởng bộ Công thương, các nước Mỹ, Nhật, EU đều đang tung ra các gói kích cầu tiêu dùng, gián tiếp tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam.
Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, thương mại hai nước nhiều năm qua không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp như Mỹ và một số nước EU. Ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản nhận định hàng nông thủy sản, dệt may, đồ gỗ, thiết bị phụ tùng có tiềm năng đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản.
Theo hiệp định thương mại Việt – Nhật (VJEPA), hàng nông thủy sản thuộc danh mục các mặt hàng giảm thuế theo lộ trình; ở nhóm hàng rau quả, doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý xuất khẩu thanh long, xoài, chôm chôm, dứa, bưởi; ở nhóm hàng thủy sản, mặt hàng cá ngừ trong năm 2012 Việt Nam xuất vào Nhật Bản tăng đến 23% và có khả năng còn tăng nữa.
Để xuất khẩu vào Nhật Bản có thể tăng trưởng 20% trong năm 2013, ông Nguyễn Trung Dũng đề xuất chính phủ hai nước thực hiện lộ trình giảm thuế đối với hàng nông thủy sản, tiếp tục xây dựng, ký các thỏa thuận hợp tác về vệ sinh an toàn thực phẩm giữa cơ quan quản lý hai nước, đẩy nhanh tiến độ thỏa thuận, chấp nhận các phòng kiểm tra chất lượng của nhau nhằm đơn giản các thủ tục xuất nhập khẩu. Đối với doanh nghiệp, chú ý là Nhật Bản luôn khắt khe về chất lượng, nên cần gắn kết với doanh nghiệp Nhật nhằm tận dụng được công nghệ của họ trong sản xuất.
Myanmar đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam háo hức thâm nhập khi nước này đang có những chính sách mở cửa kinh tế. Tuy nhiên, ông Vũ Cường, tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhấn mạnh đừng ngộ nhận Myanmar là thị trường dễ tính.
Nền sản xuất nước này còn yếu nên Myanmar cần nhập nhiều nguyên vật liệu, máy móc thiết bị cho sản xuất và cả hàng tiêu dùng đáp ứng cho 90% nhu cầu của người dân (dân số 60 triệu). Thế nhưng, mức thu nhập bình quân đầu người ở Myanmar đạt 500 USD và đang tăng nhanh, người dân có khuynh hướng tiêu dùng hơn tiết kiệm, trong đó 30% dân số ở tầng lớp trung và thượng lưu. Vì thế, hầu như người dân Myanmar tiêu dùng có chọn lọc hàng chất lượng tốt, doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này nên có chiến lược thị trường đúng, không nên nghĩ đưa hàng bình dân sang là bán được.
Giữ hình ảnh đẹp cho hàng Việt Nam
Cơ hội ở thị trường Myanmar đang rộng mở, phải nhanh tay chớp thời cơ vì nhiều nước cũng đang đổ vào thị trường này, nhưng ông Vũ Cường nhắc nhở phải chú ý giữ gìn uy tín thương hiệu hàng Việt Nam bởi gần đây đã có hiện tượng doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc rồi dán mác Việt Nam bị người tiêu dùng Myanmar phát hiện.
Thị trường Nhật khắt khe về chất lượng, thị trường Úc còn khó hơn. Đó là nhận xét của ông Nguyễn Bảo, tham tán thương mại Việt Nam tại Úc. Ông Bảo đề nghị nhà nước nên tham khảo kinh nghiệm nhiều nước để có sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp Úc nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung vào Việt Nam mua hàng, đặc biệt đưa các cơ quan truyền thông nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu viết bài quảng bá cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Mặt khác, kiên quyết “đấu tranh” với các phương tiện thông tin đại chúng ở các nước khi đưa tin không đúng sự thật về doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Các tham tán đều cho rằng phải có sự thay đổi trong cách quảng bá hàng Việt Nam, không chỉ mang sản phẩm đi giới thiệu mà doanh nghiệp còn phải quảng bá cả qui trình sản xuất để khẳng định hàng được sản xuất đạt chất lượng và được kiểm soát những tiêu chuẩn an toàn vệ sinh, thân thiện môi trường. Có như thế mới tăng sự tin tưởng vào thái độ kinh doanh nghiêm túc của doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: SGTT

3 cách giúp lãnh đạo không bị quá tải


Nếu muốn ngăn chặn triệt để nguy cơ rơi vào tình trạng suy kiệt, bạn hãy thử thực hành ba cách dưới đây:


Sở hữu doanh nghiệp của riêng mình là một phần thưởng quý giá đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, đi cùng với thành công là sự cố gắng phi thường mà hệ quả có thể là sự kiệt sức và chán nản. Muốn phát triển công việc, sự nghiệp của bạn một cách ổn định, bền vững, hãy ngăn chặn tình trạng đó trước khi quá muộn.

Kiệt sức, lơ đễnh và tính khí thất thường là những biểu hiện đặc trưng của một lãnh đạo bị suy kiệt do quá tải công việc. Tình trạng này kéo theo hệ lụy là những bất ổn trong văn hóa doanh nghiệp cũng như sự căng thẳng, bối rối của nhân viên. “Khi lãnh đạo một doanh nghiệp bị suy kiệt, họ rất dễ đánh mất những nhân viên ưu tú của mình” - Stephen Courtright, giáo sư về quản trị của trường đại học Texas A&M đồng thời cũng là một chuyên gia về loại bệnh lý này cho biết. “Khi nhân viên thấy tình hình không ổn, họ sẽ bỏ của chạy lấy người”.

Tệ hơn nữa, những nhà lãnh đạo bị suy kiệt thường chậm chạp và lưỡng lự hơn khi phải đối mặt với những quyết định quan trọng. Họ cũng cảm thấy ít tin tưởng vào sự lựa chọn của mình. Điều này thường dẫn đến những quyết định sai lầm hoặc những cơ hội bị bỏ lỡ.

Courtright không giữ ý với những nhà lãnh đạo đi quá giới hạn mình và tự cho rằng họ sẽ không sao. Ông nói: “Cứ tiếp tục như thế, thì tới một ngưỡng nào đó, mọi thứ sẽ bung bét hết. Nếu không muốn đưa ra những quyết định sai lầm cho công ty mình – thứ mà bạn dồn hết tâm huyết vào – hãy làm gì đó ngay từ bây giờ”.

Để ngăn chặn tình trạng suy kiệt vì công việc, một kỳ nghỉ hiếm hoi chưa phải là đủ; cuộc sống của bạn phải được lập trình để ngăn ngừa bệnh lý này mọi lúc, mọi nơi. “Một kỳ nghỉ giống như một miếng băng dán lên một vết thương còn mới nguyên. Nó có thể giúp xoa dịu cảm giác nhức nhối một chút. Nhưng rồi bạn vẫn phải tháo bỏ nó ra để rửa ráy, sát trùng và điều trị dứt điểm” - Courtright ví von.

Nếu muốn ngăn chặn triệt để nguy cơ rơi vào tình trạng suy kiệt, bạn hãy thử thực hành ba cách dưới đây:

1. Phân quyền cho nhân viên: Thường thì các doanh nhân phải mạo hiểm nhiều vì doanh nghiệp của họ nên họ rất sợ công việc không được hoàn thành như họ mong muốn. Nỗi sợ này khiến họ ôm đồm nhiều hơn và đi vào quản lý cả vi mô. Khi điều này xảy ra, nhân viên trở nên thụ động hơn và ít có sáng kiến mới. Họ co mình lại và để mặc lãnh đạo một tay chèo chống công ty. Và kết quả là lãnh đạo sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái suy kiệt.

Thay vì làm thế, hãy phân quyền cho nhân viên, truyền cảm hứng để họ toàn tâm, toàn ý với các mục tiêu, tầm nhìn của công ty. Nếu lòng nhiệt huyết của bạn truyền được sang họ, họ sẽ đặt lên bàn nhiều sáng kiến hơn và cùng bạn nỗ lực để tiến tới thành công. Courtright khẳng định: “Bạn càng truyền được nhiều cảm hứng cho nhân viên và giúp họ nắm bắt được sứ mệnh công ty, bạn càng ít cảm thấy cô độc ở vị trí lãnh đạo của mình”. Bằng cách làm cho nhân viên cảm thấy công ty cũng là của họ, bạn sẽ làm cho doanh nghiệp mình mạnh hơn và đồng thời giảm bớt được gánh nặng trên vai mình.

2. Củng cố lòng tự tin: Những nhà lãnh đạo tự tin thường ít có nguy cơ bị suy kiệt. Tuy nhiên sự tự tin đó phải xuất phát từ bên trong. Courtright khẳng định: “Sự tự tin bắt nguồn từ khả năng đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Bạn không thể vô cớ bảo mình “ta có thể làm được cái này, cái kia”.

Những nhà lãnh đạo lớn nuôi dưỡng sự tự tin của họ bằng chính những kinh nghiệm mà họ rút ra từ công việc hàng ngày. Kỹ năng vừa làm vừa học này giúp họ thỏa mãn mọi nhu cầu phát sinh. Để làm được như họ, hãy tìm kiếm câu trả lời hoặc lời khuyên khi bạn cảm thấy không chắc chắn. Nếu bạn bắt gặp cái gì đó mà bạn không biết, hãy tìm ai đó có thể dạy bạn. Dù bạn là một lãnh đạo non trẻ hay đã dày dạn kinh nghiệm, tìm kiếm sự giúp đỡ sẽ giúp bạn thêm vững vàng và tự tin.

3. Ưu tiên cho sức khỏe: Làm doanh nghiệp ngốn rất nhiều thời gian của bạn. Tuy nhiên, chăm sóc bản thân một cách đầy đủ sẽ giúp bạn phòng tránh được tình trạng suy kiệt. Muốn thế, bạn phải ăn uống hợp lý, tập thể thao đầy đủ, ngủ ít nhất 6 tiếng mỗi ngày và dành thời gian cho gia đinh, bạn bè – những người luôn ủng hộ bạn về mặt tinh thần.

Hãy tìm cách cân đối lịch làm việc bận bịu của bạn. Những ngày nghỉ bạn hãy chuẩn bị sẵn đồ ăn đủ dinh dưỡng cho cả tuần và để vào tủ lạnh ăn dần. Khi đi ngang qua chỗ bạn bè, người thân, hãy gọi cho họ. Hãy lên lịch công việc theo dạng biểu đồ để bạn có thể hoàn thành chúng tốt hơn. Theo Courtright, điều quan trọng không phải là làm việc được bao nhiêu tiếng mỗi tuần mà là chất lượng công việc ra sao.
(Dịch từ Entrepreneur)

Bí quyết xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Zappos


Tiến sĩ David Vik, người tự gọi mình là “Vua Văn Hóa” và cũng là người huấn luyện tại Zappos, chia sẻ 5 bí quyết làm nên một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.


Văn hóa doanh nghiệp là đề tài đã được nhiều người nhắc đến nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng.

Do đó, người ta thường viện dẫn những ví dụ để giải thích khái niệm rất trừu tượng này. Một ví dụ được nhiều người nhắc đến là Zappos – một doanh nghiệp bán lẻ giày dép và phụ kiện có trụ sở ở Henderson, Nevada (Mỹ). Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở công ty này thấp đến mức khó tin (5%) và số khách hàng quay lại mua hàng lên tới mức lý tưởng (75%). 

Hài hước, sáng tạo, kiên định, tâm huyết...là những phẩm chất nổi trội của Zappos. Công ty này thậm chí có hẳn một mục riêng về văn hóa và các giá trị trên trang web của mình. Rất nhiều người biết đến cái tên Zappos và các kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ như CBS và NBC đều đã từng có những chuyên đề đặc biệt về công ty này trong các chương trình ‘đinh’ của mình như 60 Minutes, Dateline.

Tiến sĩ David Vik, người tự gọi mình là “Vua Văn Hóa” và cũng là người huấn luyện tại Zappos, chia sẻ 5 bí quyết làm nên một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.

1. Xác định tầm nhìn

Việc Zappos đang làm là đặt ra mục tiêu mà công ty muốn đạt được trong tương lai. Trong cuốn sách: “Bí mật văn hóa: Làm thế nào để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp và cho mọi người bất kể bạn bán gì” (The Culture Secret: How to Empower People and Companies No Matter What You Sell, Greenleaf Book Group, 2013), Vik nhấn mạnh: điều quan trọng là đừng giới hạn mình ở những mục tiêu đã đặt ra.

Mục tiêu của một một hiệu thuốc là bán thuốc – thế nhưng ngoài mục tiêu đó ra, hiệu thuốc còn có thể làm nhiều thứ khác để giúp khách hàng của mình sớm hồi phục sức khỏe. Lời khuyên của Vik: đừng ngại khi định ra cho mình hơi nhiều mục tiêu. Càng nhiều mục tiêu, bạn càng làm cho doanh nghiệp mình mềm dẻo, linh hoạt hơn. 

2. Xác định mục đích.


Bạn rất cần phải biết mục đích của mình là gì khi lao vào kinh doanh. Điều này là tối quan trọng cho công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của bạn. Bạn phải hiểu những gì bạn đang làm có ý nghĩa gì và tại sao bạn phải làm chúng.

"Nếu bạn là một người làm bánh, mục đích của bạn có thể chỉ là để tạo ra những chiếc bánh ngon nhất hoặc lớn lao hơn là nuôi dưỡng cả thế giới" – Vik lấy ví dụ.

3. Xác định mô hình kinh doanh 


Cách bạn làm kinh doanh cũng chính là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Cái ngày của chiến lược bán hàng trực tiếp, lộ liễu và thô bạo đã qua lâu rồi. Giờ bạn phải tìm ra những cách khác để đưa được sản phẩm và dịch vụ của mình đến khách hàng. Làm thế nào để bạn có thể mới mẻ và sáng tạo đây?

"Hãy nghĩ đến cửa hàng kinh doanh bánh ngọt. Họ có thể có liên kết hoặc mua lại một công ty làm bánh, tại đó họ có thể gặp những chuyên gia về bánh và biết loại nguyên liệu nào là tốt nhất” – Vik nhận định. Ý tưởng ở đây là liên kết với những người, những công ty có cùng mục tiêu với mình. 

4. Tạo các yếu tố độc đáo

Mọi người đều muốn cảm thấy mình đặc biệt. Khách hàng hay nhân viên của bạn không phải là ngoại lệ. Bạn phải biết yếu tố nào khiến cho doanh nghiệp bạn trở nên đặc biệt và luôn luôn phát huy yếu tố đó. Đây sẽ là thứ giữ chân khách hàng và nhân viên của bạn. Nếu bạn không làm cho mọi người thấy điểm đặc biệt của mình, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất, đó là cạnh tranh về giá. 

5. Kiên trì với giá trị của mình


Mục đích, tầm nhìn chỉ là những lời hứa suông nếu bạn không có một hệ thống những giá trị để đảm bảo. Bạn phải xác định rõ ràng những gì là quan trọng cho nhân viên và công ty bạn và phát triển dựa trên những nền móng đó. Nếu không có những ưu tiên như thế, văn hóa doanh nghiệp sẽ sớm chết yểu mà thôi. 

"Văn hóa là thứ vô cùng ẻo lả” – Vik nói. Nhưng khi bạn tập trung vào 5 bí quyết trên và đi sâu vào thực hiện từng cái một, bạn sẽ biến văn hóa doanh nghiệp của mình thành một bức tường thành vững chãi. 
(Dịch từ Entrepreneur)

Sống còn ở thị trường lớn


Năm 1962, chủ một doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản ở Los Angeles, Mỹ, đánh liều mua trọn lô hàng cả ngàn ký của một thương lái người New Zealand. Khi nghe tên của thứ trái cây nhập khẩu có hình dáng thuôn tròn, phơn phớt lông này, người nhân viên phụ trách lô hàng đã lắc đầu: “Chẳng ai đi mua thứ trái cây gọi là “dâu Tàu” (Chinese gooseberry)này cả”.


Rồi ông này gợi ý cho nó cái tên khai sinh vào thị trường Mỹ dựa trên chút tương đồng về ngoại hình với con chim biểu tượng của New Zealand: kiwi. Từ đó đến nay, trái kiwi không chỉ được chuộng ở thị trường Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới.
Chẳng mấy ai nghĩ trái kiwi “gốc gác” miền nam Trung Quốc, cũng ít ai biết hết năm thập niên được đem vào trồng ở New Zealand, trái kiwi mới đến được với thị trường Mỹ và thêm mười năm sau đó, với cái tên mới, trái kiwi mới trở nên phổ biến.
Một câu chuyện điển hình về ảnh hưởng vô cùng to lớn của việc thay đổi khi đưa sản phẩm đến với những thị trường mới, những thị trường lớn hơn. Lớn ở đây không hẹp ở nghĩa quy mô, mà mang tính phạm vi. Nếu kiwi vẫn chỉ là “dâu Tàu”, hay cái tên “Melonette”, thì danh sách những trái cây thời thượng cho sức khỏe giờ hẳn đã thiếu đi một đại diện.
Có vô số các yếu tố phải xét đến khi quyết định mở rộng thị trường cho sản phẩm, dù mục tiêu chỉ là bước đầu tìm hiểu, giới thiệu, hay nhằm tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới (cái tên trước đó của kiwi thay cho “dâu Tàu” là “Melonette” cũng bị nhà nhập khẩu bác do “dâu” và “dưa” dễ có khuynh hướng bị áp thuế cao). Việc điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với tính chất của thị trường mới có thể liên quan đến bất cứ gì – tên gọi sản phẩm, thuộc tính sản phẩm.
Yakult ở Việt Nam hay các nước châu Âu đều tuân thủ quy trình an toàn vệ sinh nghiêm ngặt, nhưng những chai sữa chua Yakult ở Việt Nam có độ ngọt khá cao chứ không nhàn nhạt. Cái hay và đầy tính thách thức, đôi khi không khác một ván cờ may rủi, là khả năng quan sát, là tầm nhìn của người làm công việc marketing, đưa sản phẩm đến một môi trường hoàn toàn mới. Nó cho người tiêu dùng thêm những lựa chọn mới mẻ, và cho những nhà quản trị marketing những bài học kinh nghiệm thú vị không bao giờ cũ kỹ.
Từ cuối năm ngoái, giá cổ phiếu của Apple đã sụt giảm đáng kể, khiến nhà đầu tư lạc quan nhất cũng phải bắt đầu nghi ngờ, và người ta cho rằng dù hoàn toàn thống lĩnh thị trường Mỹ, Apple đang dần yếu đi ở các thị trường ngoài nước, là những nơi người tiêu dùng không muốn hoặc không có khả năng sắm cho mình cả iPhone và iPad, và những ứng dụng của Apple ở đây cũng ít thuận lợi hơn. Samsung nhanh nhạy tung ra Galaxy Note, một kiểu kết hợp cả điện thoại di động và thiết bị lướt web, và trở thành kẻ dẫn đầu. Có lẽ đã đến lúc Apple phải quan sát lại thị trường bên ngoài Mỹ nếu vẫn muốn giữ phần lợi nhuận lớn nhất thế giới về điện thoại di động.
Thay đổi, và không ngừng sáng tạo, cải tiến để thích nghi mang ý nghĩa sống còn với sản phẩm khi đứng trên một thị trường khác, nhưng cũng đồng thời đem lại nguy cơ xa rời “cá tính” của sản phẩm. Cà phê Starbucks về đến Việt Nam đã chiếm ngay một vị trí không thể nổi bật hơn giữa trung tâm thành phố, rất khác với những vị trí và quy mô có phần khiêm tốn, giản dị dù ở ngoài phố hay trong các trung tâm mua sắm ở quê nhà Mỹ và các nước khác. Những người yêu thích phong cách Starbucks có thể thở dài với lựa chọn thích nghi này của các nhà quản trị, nhưng đây hứa hẹn là một “ca” nghiên cứu thú vị cho những người làm marketing.
Ở trong một thế giới mà sự cạnh tranh được đẩy đến mức kinh khủng như hiện nay, chỗ đứng của sản phẩm bên ngoài thị trường cố hữu vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn. Ở đó, những quyết định marketing có thể đem lại nhiều bất ngờ nhưng dù theo hướng lạc quan hay không, thay đổi cũng là việc phải làm và không dành cho những ai ngại thất bại.

CAO THỊ LAN PHƯƠNG - CEO 29 

Mất 6 năm, giảm 60% giá trị


Mức thu nhập bình quân đầu người thấp trong khi đó giá nhà tại Việt Nam lại cao nhất nhì khu vực khiến cho không ít chuyên gia bất động sản nước ngoài phải giật mình.
Sửng sốt giá nhà
Mới đây trong một cuộc trao đổi, ông Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý bất động sản khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho hay, khi đi trên đường, mọi người chỉ cho ông một số căn nhà rồi nói giá của căn nhà đó và ông thấy sững sờ: “Tôi không hiểu, người Việt Nam có mức thu nhập bình quân thấp như vậy mà lại mua được một căn nhà giá cao như thế.”
Ông Sam cho rằng, bất động sản Việt Nam tương tự như Ấn Độ, thu nhập bình quân của người dân thấp nhưng lại có giá nhà cao và đa số người dân không đủ sức để mua nhà. Ở một số nơi như Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) có giá bất động sản rất cao, nhưng mức lương của họ cũng tương đối cao nên họ có thể mua được bất động sản. Khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập của người dân giảm sút và họ không có khả năng chi trả cho những khoản lớn như bất động sản.
Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội, giá bất động sản ở các thành phố lớn của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người thấp nhất thế giới. Giá nhà đất tăng lên 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân của người lao động. Giá nhà ở lớn hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển và gấp 10 lần so với các nước chậm phát triển. Trong khi đó, so với thu nhập, giá bất động sản trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng 7 lần, Thái Lan 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần.
Thống kê của một đơn vị tư vẫn cũng cho thấy, giá nhà ở Việt Nam đang ở mức cao, bất hợp lý. Đơn cử, khu vực phố cổ giá nhà đắt nhất là ở các căn góc mặt phố tại các khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, đôi khi đắt ngang giá nhà ở Tokyo hay Paris. Giá 1m2 nhà đất tại các phố như Hàng Gai, Cầu Gỗ hay Hai Bà Trưng có thể lên tới mức 21.000 - 27.000USD/m2.
Ông Sam cho rằng, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng bất động sản gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như hiện nay. Trong đó một trong những nguyên nhân chính là nguồn cung quá lớn, vượt sức hấp thụ của thị trường. Chuyên gia này lấy dẫn chứng, một dự án tại Hà Nội có tới 1.500 căn trong khi đó số người đến ở rất ít. “Theo tôi, người ta nên xây từng giai đoạn, có thể gối đầu hoặc dần dần. Đây cũng là giải thích vì sao thị trường Việt Nam lại như thế, nguồn cung lớn, chủ đầu tư xây rất ồ ạt trong khi mức thu nhập của người dân rất thấp” ông Sam nói.
Lời giải cho thị trường
Đưa ra giải pháp cho thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông Sam cho rằng, có lẽ trước mắt Việt Nam nên dừng xây dựng các dự án để thị trường có thể hấp thụ hết nguồn cung hiện tại. Lý do khác là lãi suất quá cao dẫn tới tình trạng nợ xấu nhiều.
Chuyên gia này cho rằng, việc định giá về bất động sản là cần thiết. Giá cả bất động sản bị đẩy cao là do bất hợp lý về cung cầu. Bởi vậy, nếu quản lý bất động sản tốt thì sẽ kéo giá nhà xuống thấp.
“Giá cả hình thành dựa trên quan hệ cung cầu, do thị trường quyết định. Nhưng cũng cần có một cơ quan thẩm định giá của Chính phủ để xác định rõ mức giá thực là bao nhiêu. Đơn cử như những người đang nắm giữ một khoản nợ xấu, thì họ cần có một ý kiến chính xác để biết khoản nợ xấu hay bất động sản đó được định giá thế nào”, ông Sam nói.
Ông John Sheehan, thành viên Tổ chức giám định bất động sản Hoàng gia (FRICS) của Anh cho rằng, có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường bất động sản không đủ khả năng để tự cứu mình. Sự can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh.
Thời gian trung bình để khôi phục thị trường bất động sản sau khi có những biện pháp điều chỉnh trung bình khoảng 6 năm và bất động sản sẽ mất 60% về mặt giá trị. Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phủ nhận thường kéo dài khoảng 2 năm. Còn những vấn đề về nợ xấu trên thị trường kéo dài 4 năm.
Theo quan điểm của ông John Sheehan, Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phủ nhận, phải qua được giai đoạn này và chấp nhận bỏ ra chi phí thực tế để xử lý nợ xấu thì sau đó mới có thể xác định được giai đoạn phục hồi mất bao lâu.
Đưa ra lời khuyên cho người mua nhà, ông John chia sẻ quan điểm cá nhân: “Trong thời điểm này tôi sẽ không mua nhà nếu không có nhu cầu thực cần nhà ở do thị trường đang trong giai đoạn phủ nhận. Sẽ còn nhiều điều chỉnh, sau đó mới đến giai đoạn xử lý nợ xấu, kế đó mới tới giai đoạn phục hồi, dần đi vào ổn định và quay về giá trị thật. Tôi sẽ chờ đợi đến lúc đó. Còn nếu đầu tư vào nhà ở hiện nay, có thể mức giá không phải là thật.”

Nguồn: VIETNAMNET

PCI 2012 – Còn lắm nỗi lo


Báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012” dựa trên kết quả điều tra hơn 8.000 doanh nghiệp tư nhân và hơn 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được công bố hôm 14-3 cho thấy hai tình hình đáng lưu ý: (1) nhiều sự xáo trộn đáng kể về thứ hạng trong đó nhiều tỉnh thành đầu tàu nhiều năm qua đã tụt hạng và (2) một bức tranh màu xám của nền kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh ở các địa phương nói riêng.
Đồng bằng sông Cửu Long “vùng lên”


Sa Đéc – Đồng Tháp trở thành tỉnh dẫn đầu xếp hạng PCI 2012
Lần đầu tiên, Đồng Tháp trở thành tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI, vị trí thứ hai cũng thuộc về một nhân tố mới là An Giang, trong khi Lào Cai – tỉnh dẫn đầu năm 2011 – về thứ ba.
Điều đáng nói là những gương mặt sáng giá trước đây như Đà Nẵng và Bình Dương lại tụt hạng đáng kể. Đà Nẵng, từng là số 1 trong ba năm 2008-2010, năm 2012 tụt xuống vị trí thứ 12, còn Bình Dương, cũng từng đứng đầu vào năm 2007, giờ đây đã tụt xuống thứ 19.

Năng lực cạnh tranh của các thành phố Hải Phòng và Hà Nội cũng rất đáng chú ý vì hai địa phương này cùng tụt hạng. Hà Nội tụt xuống thứ 51 so với thứ 36 đạt được trong năm 2011, trong khi Hải Phòng từ 45 xuống 50.
Điểm sáng đáng kể của nhóm đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh khi tăng được bảy bậc, từ 20 lên 13 trong bảng xếp hạng PCI 2012.
Nhìn tổng thể, bảng điểm của các tỉnh đều giảm, trung bình chỉ còn 56,2 điểm so với 59,1 điểm trong năm 2011. Đặc biệt, không có tỉnh nào vượt ngưỡng điểm rất tốt với 65 điểm, mức điểm mà một số tỉnh đã đạt được trong các năm trước.
Cùng với sự vượt trội của Đồng Tháp là sự “vùng lên” của Đồng bằng sông Cửu Long khi có đến năm tỉnh nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu là An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Ngoài ra, còn phải kể đến tỉnh Hậu Giang hạng 11, Cần Thơ hạng 14 và Long An ở vị trí 16.
Những bứt phá tại các tỉnh này là rất đáng kể nếu so với năm 2011. Chẳng hạn, Vĩnh Long đã từ thứ hạng 54 nhảy lên vị trí thứ 5, trong khi Trà Vinh từ 42 lên 8, An Giang từ 19 lên 2, Bạc Liêu 39 lên 7, Hậu Giang 43 lên 11 và Kiên Giang 28 lên 6.
Những bước nhảy vọt này đã phản ánh một thực tế là các tỉnh thành này đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua.
Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, để có được vị trí số 1, Đồng Tháp đã quan tâm nhiều hơn tới công tác cải cách thủ tục hành chính, tìm kiếm nguồn lực bên trong và bên ngoài tạo ra nhiều yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tỉnh phát triển.
Và ngay cả khi đã là số 1, tỉnh này vẫn “cam kết sẽ có những điều chỉnh tốt hơn nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tại địa phương”.
Vẫn theo lời ông Lê Minh Hoan: “Chúng tôi làm đúng quy định của pháp luật, cũng vẫn là “một cửa”, cố gắng giải quyết hồ sơ nhanh nhất. Trong quá trình tiếp xúc với doanh nghiệp thì phải tận tình chỉ dẫn, giúp đỡ họ hoàn tất thủ tục một cách nhanh nhất. Cái gì mà sở ngành có thể làm giúp doanh nghiệp thì phải làm chứ không bắt đi tới đi lui tìm kiếm, xin xỏ mất thời gian”.
Phát biểu của Phó chủ tịch tỉnh Long An, ông Phạm Văn Rạnh, cho thấy điều này:
“Thời gian tới, chúng tôi quyết tâm thực hiện cơ chế một cửa, theo đó đối với đầu tư vào khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua ban quản lý các khu công nghiệp, đầu tư ngoài khu công nghiệp sẽ chỉ phải qua Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Chúng tôi cũng sắp công bố quy hoạch chung của tỉnh để làm cơ sở thu hút đầu tư và hy vọng đây sẽ là điểm nhấn quan trọng để thu hút các nhà đầu tư mới”.
Đây là “cái mới” của một số tỉnh ĐBSCL nhưng là chuyện cũ của các tỉnh thành từng chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh nhiều năm.
Hay như Ninh Thuận, địa phương nhảy từ hạng 46 lên 18 là kết quả của nhiều nỗ lực, trong đó có việc thành lập và vận hành văn phòng phát triển kinh tế (EDO) là đầu mối duy nhất của tỉnh trong vận động thu hút đầu tư.
Các nhà đầu tư khi đến với Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai và các thủ tục liên quan khác để có thể triển khai dự án theo quy trình “một cửa liên thông”.
Thật ra, Bình Dương, Đà Nẵng, và ngay cả địa phương chưa bao giờ dẫn đầu PCI là TP. Hồ Chí Minh, từ lâu đã làm như vậy. Phải chăng nay hiệu ứng đã không còn nên mất ưu thế cạnh tranh.
Lo ngại những rủi ro

Đà Nẵng bị tụt xuống hạng 12
Qua phân tích và lý giải trong báo cáo PCI 2012 vừa được công bố, khoảng cách giữa các tỉnh nhóm trên với các tỉnh nhóm dưới đang thu hẹp dần vì nhóm dưới của năm trước đang nỗ lực giản lược thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư
Trong khi đó nhóm trên sau những năm liên tục thành công nay lại vất vả trong cuộc chạy đua do những cải cách thành công về năng suất lao động, thủ tục hành chính… nay các yếu tố đó đang mất dần khả năng thu hút các nhà đầu tư.
Có tới 41% doanh nghiệp (so với 23% năm 2011) thừa nhận họ đã phải trả hoa hồng cho cơ quan nhà nước để giành được hợp đồng.
Theo Trưởng nhóm nghiên cứu PCI – tiến sĩ Edmund Malesky, Đại học Duke, Mỹ – hiện tượng này là dấu hiệu “tham nhũng nhỏ giảm nhưng tham nhũng lớn tăng”.
Với phương pháp thống kê mới, nhóm nghiên cứu PCI đã tính toán được ngành xây dựng cơ bản có tỷ lệ doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng cao nhất, tới 42,5%, tăng khoảng 12% so với năm 2011.
Ngành dịch vụ/thương mại có tới 35,4% doanh nghiệp phải trả hoa hồng để có hợp đồng năm 2012 – tăng gần gấp đôi so với năm 2011. Thấp nhất là ngành sản xuất, vẫn có 34% doanh nghiệp phải trả hoa hồng, cũng tăng gần 4% so với năm 2011.
Báo cáo PCI khẳng định các doanh nghiệp có liên quan đến các cơ quan chính phủ lại thường có hành vi chi trả hoa hồng cao hơn.
Báo cáo PCI cũng cho biết có 55% doanh nghiệp FDI tham gia các hoạt động trả “chi phí không chính thức”. Ông Edmund Malesky nêu “quy luật”: doanh nghiệp trong nước hoạt động càng về sau càng bớt phải lót tay nhưng với doanh nghiệp FDI, càng hoạt động lâu càng tăng hối lộ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI hay phải hối lộ nhất các đối tượng hoạt động trong các dự án nhóm A, trong nhóm hạn chế đầu tư, hay đầu tư có điều kiện, đòi hỏi phải cấp phép đặc biệt.
Có thể nói kết quả điều tra doanh nghiệp FDI phát đi một thông điệp đáng báo động là niềm tin của doanh nghiệp FDI đang thấp nhất kể từ năm 2009 khi bắt đầu thực hiện điều tra PCI.
Đáng lưu ý, báo cáo PCI 2012 cho thấy tâm lý bi quan của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tăng vì chỉ còn 33% doanh nghiệp được điều tra cho biết có lạc quan về môi trường đầu tư. Đây là mức thấp kỷ lục từ trước đến nay vì trước khi ViệtNamgia nhập WTO, tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về môi trường đầu tư chiếm đến 76%.
Đối với hơn 1.500 doanh nghiệp FDI, có tới 36% khẳng định bất ổn vĩ mô là rủi ro lớn nhất họ gặp ở Việt Nam, tiếp theo là rủi ro hợp đồng, rủi ro chính sách và rủi ro lao động…
Tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền địa phương là các lĩnh vực có sụt giảm điểm số lớn so với năm trước. Chỉ có 36% doanh nghiệp tin tưởng được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất (giảm 5% so với năm 2007), 23,7% tin tưởng có thể khiếu nại lên cấp trên nếu cán bộ làm sai quy định Luật Đất đai.
Đáng lưu ý, niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm mạnh sau vụ bắt giữ một số lãnh đạo ngành ngân hàng vào ngày 20-8-2012. Chúng ta dễ nhận ra điều này qua nhận định của báo cáo PCI 2012: “Trong vòng 20 ngày sau sự kiện đó, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã giảm một nửa”.
Nguyên nhân của sự suy giảm này, theo báo cáo, do “doanh nghiệp đánh giá cuộc khủng hoảng này là ở tầm vĩ mô”. Trong đó, bị tác động mạnh nhất là nhóm doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn, và chủ yếu là lĩnh vực sản xuất. Sau sự kiện đó, số doanh nghiệp cảm nhận về rủi ro kinh tế vĩ mô tăng 20%.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm chưa từng thấy trong năm 2012 đã có tác động lớn đến niềm tin của họ về triển vọng kinh doanh, cũng như cảm nhận của họ về chất lượng điều hành của các địa phương.
Sự suy giảm niềm tin thể hiện rõ nhất qua kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của họ mà báo cáo PCI 2012 ghi nhận là chỉ có 32,7% doanh nghiệp dân doanh và 33% doanh nghiệp FDI nói có kế hoạch mở rộng kinh doanh, trong khi tỷ lệ này của năm 2011 lần lượt là 45,5% và 47%.
Nhìn chung thông điệp mà PCI 2012 gửi đến các nhà đầu tư phản ánh đúng thực chất tình hình kinh doanh hiện nay.

DNSGCT

Wednesday, March 20, 2013

Không sếp, công ty vẫn kiếm tỷ đô!


Có những doanh nghiệp không cần người quản lý vẫn hoạt động tốt. Bạn có tin không?


Một công ty không có sếp trưởng, sếp phó, không có phòng nhân sự, mọi quyết định đều do nhân viên tự thống nhất với nhau, từ tuyển dụng, sa thải, cho đến khen thưởng… Ấy thế mà công ty ấy lại cực kỳ thành công. Nghe như đùa phải không? Nhưng đây là chuyện có thật 100%. Valve Corporation, một công ty xây dựng và phát hành game video, là một công ty như thế.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo giới hồi cuối tháng trước, cựu kinh tế gia của Valve, ông Yanis Varoufakis đã miêu tả về mô hình “quản trị phẳng” tại công ty có trụ sở tại Seattle, Mỹ với trị giá gần 4 tỷ USD này.

“Khía cạnh thú vị nhất của Valve là hoàn toàn không có ai là sếp” - Varoufakis, một nhà kinh tế học nổi tiếng với các tác phẩm về khủng hoảng tại châu Âu cho biết. “Công ty không hề có một hệ thống cấp bậc rõ ràng nào. Nó vận hành dựa trên thứ mà nhiều thành viên công ty miêu tả cho tôi là những nguyên tắc của một chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ. Chính xác nó là sự liên kết tự nhiên giữa những người làm việc với nhau”.

Chủ nghĩa công đoàn vô chính phủ (anarcho-syndicalism) là một lý thuyết kinh tế học bắt nguồn từ đầu thế kỷ 19 bao gồm một dạng chính quyền trong đó những nhóm lao động tự tổ chức làm việc cùng nhau để trực tiếp đạt được các mục tiêu.

Tại Valve, điều này được thể hiện ở chỗ, sau khi được tuyển dụng bởi một ủy ban do các thành viên công ty tự hình thành, nhân viên mới có thể tự do gia nhập và tự do luân chuyển tới bất kỳ bộ phận nào trong số vô vàn dự án của công ty. Trong khi tại Google, nhân viên của “gã khổng lồ” tìm kiếm này có 20% thời gian tự do thì ở Valve, tỷ lệ này là 100%.

Điên rồ hay sáng tạo? 


“Sự luân chuyển bên trong doanh nghiệp là một tài sản lớn và mọi người đều công nhận điều đó”, Varoufakis khẳng định. “Bàn làm việc của mọi người đều có bánh xe và họ chỉ cần rút một hoặc hai phích cắm là có thể chuyển từ nhóm này sang làm cho nhóm khác”.

Nhà kinh tế học này cũng cho biết việc tuyển dụng hay sa thải có thể bắt nguồn từ những thứ đơn giản nhất như một cuộc trò chuyện giữa hai nhân viên trong hội trường. Còn chuyện tiền thưởng, dù có lên tới 10 lần lương cơ bản của mỗi người, đều tùy thuộc vào sự xem xét của chính những người cùng địa vị.

Ai đó có thể cho rằng mô hình tổ chức này có thể dẫn tới những sự lạm dụng, nhưng với Varoufakis, ông chưa từng thấy có vấn đề gì thực sự lớn với công ty này. “Điều quan trọng mọi người cần phải hiểu đó là những doanh nghiệp tự sinh như vậy phụ thuộc lớn vào các cá nhân, những người thực sự tin vào các chuẩn mực xã hội điều chỉnh sự tồn tại của họ” - ông Varoufakis nói tiếp.

“Xét về bản chất, tại đó không có những người cố tạo ra một màn khói mờ ảo, che đậy sự thật rằng họ không thực sự giỏi công việc họ làm. Tất cả những người tại đó đều được tuyển lựa kỹ lưỡng để thực sự là người xuất sắc trong lĩnh vực của họ”.

Valve được thành lập năm 1996 bởi các cựu nhân viên phát triển phần mềm của Microsoft là Gabe Newell và Mike Harrington. Và kể từ đó đến nay nhân viên công ty chưa một ngày có “sếp”. Hiện doanh thu lớn nhất của Valve đến từ nền tảng Steam, một dịch vụ trực tuyến tương tự như iTunes toàn cầu dành cho các trò chơi điện tử.

Theo Varoufakis, 70% các trò chơi điện tử trên thế giới được bán qua Steam với khoảng 55 triệu người dùng. Doanh thu mỗi năm của dịch vụ này vào khoảng 1 tỷ USD.
(Dịch từ Inc)

Thật thà là cha quỷ quái


Các quảng cáo chưa bao giờ được coi là thật 100% nhưng sự thật trong quảng cáo cũng chưa bao giờ bị coi nhẹ.


Bài học kinh điển là nếu sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn không đáp ứng được những mong đợi mà quảng cáo đã tạo ra trong đầu khách hàng thì sớm muộn sản phẩm đó sẽ thất bại vì đối thủ cạnh tranh luôn biết phải làm gì với sai lầm của bạn.
Còn đứng về phía các nhà quản lý, cách đây không lâu, một quảng cáo về loại mỹ phẩm chống lão hóa của công ty LOreal đã từng bị cấm ở Anh, vì cho rằng hình ảnh của diễn viên, người mẫu Rachel Weisz dùng trong quảng cáo đã được chỉnh sửa quá mức, có thể khiến người dùng bị hiểu lầm.
Mặc dù vậy, quảng cáo sai sự thật quá mức cho phép và gây hại hoặc làm phiền người tiêu dùng xuất hiện ngày càng nhiều. Tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn khi người tiêu dùng trên thế giới bị chìm ngập trong sự bùng nổ của quảng cáo di động và mạng xã hội.
Đến mức Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) vừa phải ban hành quy định mới dành cho các quảng cáo trên di động và trực tuyến nhằm bảo vệ người dùng trước những quảng cáo mập mờ hoặc không trung thực. Theo đó, FTC yêu cầu các quảng cáo trên di động và trực tuyến phải "rõ ràng và trung thực".
FTC cũng kêu gọi các nhà quảng cáo cần tránh đưa ra những đường liên kết liên quan đến giá thành sản phẩm, sức khỏe, hay các vấn đề an toàn thực phẩm khác... dễ khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.
FTC nhấn mạnh các quy tắc mới này không chỉ áp dụng cho quảng cáo trên điện thoại di động mà còn là quy định chung cho cả quảng cáo trên báo in, đài phát thanh hay trên truyền hình. FTC khẳng định: "Các nhà quảng cáo cần có trách nhiệm đảm bảo rằng những thông điệp mà họ đưa ra là đúng sự thật và không lừa đảo người tiêu dùng".
Quy định này của FTC được đưa ra trong bối cảnh lượng người sử dụng các kết nối internet trên điện thoại di động ngày càng tăng cùng với đó là sự nở rộ của các hình thức quảng cáo trên phương tiện truyền thông xã hội. Facebook đã cải thiện Timeline và dịch vụ News Feed trở nên trực quan và thân thiện với các thương hiệu.
Twitter cũng như Pinterest cũng đi theo hướng thân thiện hơn với quảng cáo. Theo Công ty Nghiên cứu eMarketer, thị trường quảng cáo trên điện thoại di động toàn cầu dự đoán sẽ đạt 11,4 tỷ USD trong năm nay và 24,6 tỷ USD vào năm 2016. Tiếp thị và các nền tảng truyền thông xã hội đang tích cực cải tiến và thử nghiệm quảng cáo để tăng lợi nhuận.
Khi các nhà mạng xã hội đưa yếu tố kinh doanh lên hàng đầu cũng có nghĩa là các biện pháp kiểm soát nội dung trở nên lỏng lẻo. Chính vì thế mà FTC phải ra tay sớm để bảo vệ người tiêu dùng.

Theo Brandchannel, Adweek

Hàng nghìn tỷ đồng trôi dạt xứ người


Theo Cục Hàng hải, tính đến cuối tháng 1/2013, đội tàu của Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) có 7 chiếc nằm trong danh sách neo đậu dài ngày ở nước ngoài (chiếc lâu nhất từ năm 2007). Tổng trọng tải của những con tàu này lên tới hơn 210.000 tấn, chiếm 3% tổng năng lực đội tàu quốc gia.
Mặc kẹt cùng 7 con tàu là khoảng 100 thủy thủ, đang phải tồn tại trong cảnh thiếu nhiều điều kiện sinh hoạt tối thiểu tại nước ngoài, bị nợ lương nhiều tháng (có người lên tới 18 tháng). Phía doanh nghiệp cho biết sinh hoạt phí của các thuyền viên hiện đã được đảm bảo nhưng chuyện nợ lương chỉ có thể được giải quyết sau khi những khối tài sản nghìn tỷ dưới đây được giải quyết.
1. Tàu Hoa Sen

Tàu Hoa Sen neo tại vịnh Cam Ranh trước thời điểm khởi hành sang Trung Quốc. Ảnh: Mỹ Giang
- Vị trí neo: Nhà máy Zhoushan, Chiết Giang, Trung Quốc
- Thời gian neo: 24/1/2011
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 9
Con tàu "tai tiếng" được Vinashin mua năm 2007 với giá 60 triệu euro (tương đương gần 1.300 tỷ đồng theo tỷ giá lúc bấy giờ), với mục tiêu ban đầu là khai thác tuyến vận tải - du lịch đường biển Bắc Nam. Tuy nhiên, sau khoảng 40 chuyến hải hành "toàn lỗ", Vinashin đã cho dừng khai thác con tàu này.
Được biên chế trong đội tàu của Vinashinlines, khi công ty này được chuyển giao cho Vinalines, tàu Hoa Sen cũng được bàn giao theo. Tuy nhiên, việc đổi chủ không giúp con tàu này "đổi vận". Cho đối tác ngoại thuê định hạn tàu với mức phí 16.500 USD một ngày, nhưng sau nhiều rắc rối, đối tác này đã "bỏ của chạy lấy người", khiến con tàu đóng năm 2001 một lần nữa phải nằm trôi nổi tại Trung Quốc.
Theo thủy thủ đoàn, trên tàu hiện còn 9 thuyền viên, đang sinh hoạt trong cảnh thiếu thốn, bị chậm sinh hoạt phí và nợ lương nhiều tháng. Phía doanh nghiệp cho biết chuyện chậm tiền ăn, tiền nước, tiền dầu của thuyền viên hiện đã được giải quyết (do có nguồn hỗ trợ), nhưng tiền nợ lương chỉ có thể giải quyết khi còn tàu được phá dỡ hoặc bán cho chủ mới.
2. Tàu Sea Eagle

Tàu Sea Eagle đang nằm bất động tại Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Thuyền viên cung cấp
- Vị trí neo: Chiết Giang, Trung Quốc
- Thời gian neo: 28/2/2008
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 9
Đóng năm 1981 tại Nhật, Sea Eagle là con tàu nằm "liệt" lâu nhất tại nước ngoài của Vinashinlines hiện nay. Hiện con tàu có trọng tải hơn 65.000 tấn này đang được trông giữ bởi 9 thủy thủ trong điều kiện thiếu nhiên liệu, lương thực "Có lúc, các thủy thủ phải bơi vào bờ lấy rau dại trước sự ngạc nhiên và thương hại của người dân địa phương", một thuyền viên chia sẻ. Anh này cũng cho biết khoản nợ chi phí bảo trì sửa chữa hiện đã vượt qua giá trị của tàu.
3. Tàu Diamond Way

Tàu Diamond Way đang nằm bất động tại UAE Ảnh: Marinetraffic
- Vị trí neo: Cảng Jabel Ali, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
- Thời gian neo: 30/10/2012
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 19
Treo cờ Panama, con tàu của Vinashinlines được đóng năm 1988 tại Nhật với trọng tải 13.266 tấn. Diamond Way đã neo tại cảng Jabel Ali thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) từ tháng 10/2012. Trước đó, tàu bị một nhà cung cấp bắt giữ tại cảng Ấn Độ do nợ tiền dầu.
Hiện trên tàu còn 19 thủy thủ với điều kiện sinh hoạt tương đối khá hơn các đồng nghiệp sau khi được cơ quan ngoại giao Việt Nam can thiệp, giúp đỡ. Trước đó, các thủy thủ trên tàu Diamond Way được coi là người khởi động cho làn sóng "kêu cứu" của thủy thủ Vinashinlines, sau khi cho rằng mình bị bỏ rơi trong điều kiện thiếu thốn ở nước ngoài.
4. Tàu New Horizon 

Còn 20 thuyền viên đang bị mắc kẹt cùng con tàu New Horizon tại Pakistan. Ảnh: Thủy thủ đoàn cung cấp
- Vị trí neo: Karachi, Pakistan
- Thời gian neo: 25/8/2012
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 20
New Horizon cũng có quốc tịch Panama được đóng tại Nhật Bản từ năm 1986. Đây là loại tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải 9.606 DWT. Tháng 7/2012, tàu New Horizon xuất phát từ Quảng Ninh đi Donghae (Hàn Quốc) - Vladivostock (Nga) - Akita (Nhật Bản) - Manila (Philippines) và khi đến Karachi (Pakistan) hồi tháng 11/2012 thì bị bắt giữ. Nguyên nhân là Vinashinlines chưa trả nợ được cho các đối tác cũng như tranh chấp liên quan đến hàng hóa. Hiện còn 20 thuyền viên đang bị mắc kẹt tại đây.
5. Tàu New Phoenix

Tàu New Phoenix. Ảnh: Marinetraffic
- Vị trí neo: Đại Liên, Trung Quốc
- Thời gian neo: 9/2012
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 15
New Phonenix có trọng tải 9.606 DWT mang quốc tịch Panama. Con tàu đang nằm bất động tại Đại Liên, Trung Quốc từ tháng 9/2012. 15 thuyền viên của tàu New Phoenix cho biết đang phải vật lộn trong tình trạng thiếu thốn mọi thứ, không nổ được máy do thiếu nhiên liệu. "Có lúc các thủy thủ phải lặn xuống biển cạy những con hàu bám vào tàu để nấu cháo duy trì sự sống", thuyền viên cho biết.
Tuy vậy, theo thông tin từ phía Vinashinlines, đây là con tàu đang có nhiều hy vọng được giải quyết nhất, do doanh nghiệp đã tìm được đối tác và tiến hành thủ tục bán trong vài ngày tới.
6. Tàu Cái Lân 4

Tàu Cái Lân đang bị mắc kẹt tại Ấn Độ. Ảnh: Thủy thủ đoàn cung cấp
- Vị trí neo: Ấn Độ
- Thời gian neo: 1/2012
- Số thủy thủ còn lại trên tàu: 22
Tàu bị bắt giữ tại cảng Kolkata, Ấn Độ từ tháng 1/2012 và 22 thuyền viên đang mắc kẹt tại đây. Tòa án Ấn Độ bắt giữ tàu Cái Lân 4 với lý do Vinashinlines nợ tiền một nhà cung cấp dầu tại Singapore. Thủy thủ đoàn cho biết đã nhiều lần liên lạc về Việt Nam, yêu cầu Vinashinlines giải quyết nhưng chưa nhận được hỗ trợ. Cái Lân 4 có trọng tải 8.732 DWT là con tàu duy nhất trong số 7 tàu được đóng tại Việt Nam năm 2006.
7. Tàu Hoàng Sơn 28
- Vị trí neo: Ấn Độ
Hoàng Sơn 28 là tàu chở hàng tổng hợp, được đóng năm 1980 tại Nhật Bản. Tàu có trọng tài 31.503 DWT. Đây cũng là con tàu ít thông tin nhất trong số 7 tàu mắc kẹt của Vinashinlines. Tuy vậy, trao đổi với PV, một lãnh đạo của Vinalines cho biết con tàu này hiện vẫn có thế "nhúc nhắc hoạt động" tại Ấn Độ chứ không phải "nằm im" như 6 tàu còn lại.

Theo đề án tái cơ cấu Vinalines vừa được Thủ tướng chấp thuận, Vinashinlines sẽ được cho phá sản trong năm 2013. Để thực hiện quá trình này, doanh nghiệp cũng đã có nhiều văn bản đề xuất hướng xử lý tài sản, trong đó có các con tàu neo đậu lâu ngày tại nước ngoài, theo hướng bán hoặc phá dỡ. Trong khi đó, theo nguồn tin từ Bộ Giao thông Vận tải, việc bán tàu sẽ phải hoàn thành trước tháng 6 năm nay, theo chỉ đạo của Chính phủ. Phía Vinalines cũng cho biết quá trình tìm kiếm đối tác đang được xúc tiến và có nhiều hy vọng.

Nguồn: VNEXPRESS

Monday, March 18, 2013

CMO Council Worldwide tại Việt Nam và Global Elite Consulting Corporation đồng hành cùng CMO World Conference 25-26/ 4/ 2013


CMO Council Worldwide tại Việt Nam và Global Elite Consulting Corporation đồng hành cùng CMO World Conference 25-26/ 4/ 2013

cmo world forum 1
cmo conference forum 2

Tiền thưởng không phải là động lực chính


Là nhà quản trị doanh nghiệp, bạn thường dùng cách nào để giúp nhân viên luôn cảm thấy phấn chấn trong công việc? Bạn sẽ làm gì để chỉ cho họ thấy công việc của họ rất đáng được trân trọng?



Khá nhiều chủ doanh nghiệp thường sử dụng biện pháp trao tiền thưởng hay tăng lương vì nghĩ rằng mọi người đều có cảm giác khi nhận được một khoản tiền nhỉnh hơn so với những tính toán của chính họ.
Tiếc rằng cách động viên nhân viên bằng tiền không thật sự đem lại hiệu quả như nhiều người thường nghĩ. Nếu áp dụng không đúng, việc trao tiền thưởng còn có thể trở thành một hành động mang tính chất thúc bách, khiên cưỡng và các nhân viên trước sau cũng hiểu ra ý đồ của cấp trên. Nói cách khác, nếu không cẩn thận trong cách khuyến khích nhân viên bằng tiền thưởng, bạn sẽ mắc một sai lầm khó sửa là đốc thúc cấp dưới làm việc chỉ vì đồng tiền.

Cho dù tiền lương, tiền thưởng nằm trong tập hợp những yếu tố kích thích người ta nỗ lực lao động, nhưng nếu bạn chỉ muốn sử dụng nó là thứ công cụ duy nhất để nâng cao năng suất lao động của đội ngũ nhân viên thì chính suy nghĩ ấy có thể gây nhiều tác hại lâu dài cho doanh nghiệp của bạn. Do đó, hãy nghĩ đến những phương pháp sau để tìm ra cách tưởng thưởng xứng đáng cho nhân viên.
Mang đến cho nhân viên cảm giác được làm chủ. Nói chung, khi có quyền tự chủ và được đồng nghiệp lẫn cấp trên tôn trọng thì các nhân viên làm việc hăng say hơn. Khi đồng tiền được sử dụng như một chiếc bẫy giăng ra, nó có thể phá hủy cảm giác nắm giữ quyền tự chủ của các nhân viên vì họ thấy dường như đang bị ép buộc, bị kiểm soát và dần mất đi sự hưng phấn làm việc.

Nếu công ty đòi hỏi người nhân viên phải làm việc mệt nhoài để đổi lấy khoản tiền phụ trội thì sớm hay muộn, các nhà quản trị cũng phát hiện ra rằng chất lượng công việc chỉ nằm ở mức trung bình. Cách giải quyết tốt hơn là cho nhân viên của bạn một số quyền tự quyết, lắng nghe họ, giúp họ theo đuổi các mục tiêu thăng tiến lâu dài mà chính bạn đã giúp họ định hình được trong sự nghiệp.
Sử dụng nhiều hình thức tưởng thưởng khác nhau theo đúng tâm lý của nhân viên. Tương tự như lúc bạn cần phải điều chỉnh phong cách quản trị của mình, cách khen thưởng của bạn cũng cần được biến đổi theo từng hoàn cảnh cụ thể. Hãy quan tâm đến giá trị của công việc và mục đích của nhân viên trước khi quyết định về tiền thưởng.

Nên nhớ rằng cách thức quản lý của bạn còn quan trọng hơn nhiều so với việc tính toán một kế hoạch tưởng thưởng cho các nhân viên bằng tiền hay vật chất. Tỏ ra quan tâm chuyện trò với mọi người, hiểu rõ nhu cầu của họ và tạo cho họ những cơ hội thăng tiến sẽ có giá trị hơn nhiều so với việc tuyên bố sẽ trao thưởng cho những cá nhân tích cực.
Tập trung vào những mục đích to lớn của doanh nghiệp. Nếu mục đích của các nhân viên là cố gắng để đạt được khoản tiền thưởng nào đó, hẳn nhiều người sẽ động não để tìm ra… những ngõ tắt! Mà nếu ai cũng nhăm nhe đi tìm ngõ tắt thì kết quả cuối cùng thế nào bạn cũng tiên đoán được. Một ví dụ điển hình là các nhân viên của Tập đoàn Enron (Mỹ) đã từng thổi phồng giá trái phiếu, tạo nên cơn sốt ảo để rồi cả ban lãnh đạo doanh nghiệp khổng lồ ấy phải lãnh đủ.
Tóm lại, là nhà quản trị doanh nghiệp, bạn nên tập trung vào những mục tiêu to lớn, chẳng hạn sứ mệnh của công ty, khả năng cạnh tranh trên thị trường, uy tín của doanh nghiệp… nhằm định hướng cho đội ngũ nhân viên vươn đến cái đích chung, trong đó sẽ có những thành công và sự thăng tiến của từng người. Tất nhiên, việc khen thưởng cho các cá nhân cũng thể hiện sự quan tâm đến mức thu nhập của họ, nhưng nếu coi đó là “chiếc đòn bẩy” có công lực nhất thì đó chính là sai lầm nghiêm trọng của nhà quản trị doanh nghiệp.
 

Theo Entrepreneur

Bill Gates sắp soán ngôi giàu nhất của Carlos Slim


Người giàu nhất thế giới Carlos Slim đã chứng kiến giá trị tài sản ròng sụt 5 tỷ USD trong tuần này.
Tỷ phú Carlos Slim và tỷ phú Bill Gates.
Tổng giá trị tài sản ròng của 100 người giàu nhất hành tinh giảm 17,9 tỷ USD trong tuần này cho dù chỉ số Standard & Poor’s 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall thiếu chút nữa thì tái lập mức đóng cửa kỷ lục mọi thời đại. Đáng chú ý, giá trị tài sản của người giàu thứ nhì thế giới là Bill Gates chỉ còn kém tỷ phú số 1 Carlos Slim chưa đầy 200 triệu USD.
Theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index của hãng tin tài chính Bloomberg, người giàu nhất thế giới Carlos Slim đã chứng kiến giá trị tài sản ròng sụt 5 tỷ USD trong tuần. Hôm đầu tuần, các nhà làm luật Mexico đã công bố một đạo luật mới đe dọa kiểm soát tình trạng độc quyền trong ngành viễn thông của nước này, lĩnh vực đang gần như nằm dưới sự thống trị của tỷ phú Carlos Slim. Khả năng tập đoàn America Movil SAB của ông Slim bị chia tách vì thế gia tăng mạnh.
Diễn biến này đẩy giá cổ phiếu của America Movil xuống mức thấp nhất trong khoảng 4 năm. Giá trị tài sản ròng của Slim, vị tỷ phú 73 tuổi, giảm còn 67,8 tỷ USD, chỉ còn cao hơn mức tài sản của người đứng thứ hai trong xếp hạng tỷ phú thế giới là Bill Gates có 184 triệu USD.
Đây là khoảng cách ngắn nhất giữa giá trị tài sản của hai tỷ phú này kể từ khi xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố vào tháng 3/2012. Tuần trước, Carlos Slim còn “giàu” hơn tỷ phú Bill Gates 5,7 tỷ USD.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số S&P 500 chỉ còn thiếu 2 điểm là đạt mức đóng cửa kỷ lục 1.565,15 điểm thiết lập vào tháng 10/2007. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số này chốt ở mức 1.560,7 điểm, tăng 0,6% trong tuần.
Kể từ mức đáy xác lập vào năm 2009 đến nay, S&P 500 đã tăng hơn gấp đôi. Cơ sở cho sự tăng điểm này là lợi nhuận vượt dự kiến của các doanh nghiệp và chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Tính đến phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên lập kỷ lục thứ 8 liên tiếp.
Ở vị trí giàu thứ nhì thế giới, nhà đồng sáng lập 57 tuổi của tập đoàn phần mềm Microsoft, Bill Gates, hiện có 67,6 tỷ USD, tăng 400 triệu USD so với cuối tuần trước.
Tài sản của tỷ phú giàu nhất châu Âu Amancio Ortega, 76 tuổi, nhà sáng lập hãng bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới Inditex, đồng thời là người sở hữu thương hiệu Zara, hiện ở mức 55,7 tỷ USD. Trong tuần này, tài sản của ông Ortega giảm 2,6 tỷ USD do cổ phiếu Inditex đi xuống.
So với người giàu thứ tư thế giới là nhà đầu tư huyền thoại 83 tuổi người Mỹ Warren Buffett, tài sản của tỷ phú Ortega chỉ còn lớn hơn 900 triệu USD. Tỷ phú Buffett hiện có 54,8 tỷ USD, tăng 400 triệu USD trong tuần.
Tuần này, giới truyền thông Mỹ rộ tin nhà đầu cơ tỷ phú John Paulson đang tính nhập quốc tịch Puerto Rico và chuyển tới sống ở quốc gia này nhằm tránh mức thuế cao ở Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó, ông Paulson đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Hiện giá trị tài sản của tỷ phú Paulson đang ở mức 11,2 tỷ USD.
Xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index tính toán giá trị tài sản của những người giàu nhất thế giới dựa trên những biến động về kinh tế và thị trường cũng như các bản tin của Bloomberg News. Giá trị tài sản ròng của mỗi tỷ phú có trong xếp hạng được cập nhật trong mỗi ngày làm việc vào lúc 5h30 chiều theo giờ New York và được tính bằng USD.
 

Nguồn: VNECONOMY

DN lo ngại rào cản phi thuế quan


Trong vòng một tháng tới sẽ diễn ra phiên đàm phán thứ ba về hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), một hiệp định quan trọng đối với doanh nghiệp vì liên minh châu Âu (EU) đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. 
May mặc là một trong năm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang EU
Nhằm nắm bắt những mong đợi cũng như quan ngại của doanh nghiệp về các cam kết có thể có trong hiệp định này, làm cơ sở cho việc đàm phán, ngày 15/3/2013, tại TP.HCM, dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) phối hợp với phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU: những nội dung doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý” để lấy ý kiến doanh nghiệp.
Theo Tổng cục thống kê, năm 2012 EU đã vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,3 tỷ USD, tăng 22,5% so với năm 2011 và chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Năm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang EU là giày, may mặc, cà phê, thủy hải sản, đồ gỗ, tuy nhiên mức thuế vẫn cao: may mặc 11,7%, thủy hải sản 10,8%, giày 12,4%.
Việc ký kết hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam như miễn thuế ít nhất 90% số dòng thuế hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào EU; nguồn vốn từ EU vào Việt Nam cũng được thu hút nhiều hơn…
Bên cạnh những lợi ích, Việt Nam cũng có thể gặp một số khó khăn và thách thức như cam kết đưa thuế nhập khẩu về 0% với hầu hết các dòng thuế, mở cửa thêm thị trường dịch vụ và minh bạch hóa các quy định về quản lý kinh doanh và đầu tư…
Ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam phân tích thặng dư của Việt Nam với EU (11,5 tỷ USD) và với Hoa Kỳ (14,9 tỷ USD) đã giúp bù lại tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc, Hàn Quốc và Asean (nhất là với Trung Quốc: mức thâm hụt là 16,7 tỷ USD trong năm 2012).
Xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU chủ yếu là các ngành hàng sử dụng nhiều lao động. EU xuất khẩu sang Việt Nam là cơ khí, máy móc thiết bị lò hơi, máy bay, dược phẩm, máy móc thiết bị điện và các lại phương tiện đi lại,.
Vì vậy, thương mại Việt Nam và EU bổ trợ chứ không cạnh tranh nhau. Điều này có nghĩa là một FTA song phương trong tương lai sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.
Ông Claudio Dordi, trưởng nhóm tư vấn dự án EU-Mutrap đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nên đưa ra ý kiến xem Việt Nam sẽ đưa ra những nhượng bộ nào để đổi lấy mức thuế giảm cho một số “ngành trọng điểm”.
Ông Claudio Dordi cho biết EU sẽ quan tâm đến một số ngành chính là ôtô, điện tử và công nghệ cao, máy móc, rượu vang và rượu mạnh, thực phẩm chế biến, dược phẩm, dịch vụ tài chính, viễn thông, hàng hải, y tế, giáo dục, phân phối.
Nội dung FTA sẽ có các điều khoản vượt quá phạm vi của các nguyên tắc WTO về cạnh tranh, mua sắm chính phủ, quyền sở hữu trí tuệ và thuận lợi hóa thương mại; ngoài ra, còn có các điều khoản về tiêu chuẩn lao động và môi trường.
Các doanh nghiệp nhìn nhận những lợi ích mà FTA giữa Việt Nam và EU mang lại, nhưng có nhiều lo lắng về những rào cản kỹ thuật (biện pháp phi thuế quan) mà EU có thể đưa ra như tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn sức khỏe, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống bán phá giá.
EU có thể sửa đổi các quy định đối với nguyên liệu thô, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc các biện pháp hạn chế xuất khẩu, quy định đối với đầu vào công nghệ sản xuất.
Theo doanh nghiệp, hiệp định FTA thường sẽ có hiệu lực vô thời hạn nên việc xác định lộ trình cụ thể và khả năng cập nhật, điều chỉnh FTA Việt Nam – EU trong tương lai là cần thiết. Chính phủ Việt Nam cần chú ý những điều khoản cam kết về quy tắc xuất xứ (như tỷ lệ nội địa, hàm lượng giá trị khu vực, tiêu chí chuyển đổi nhóm…), thời hạn thực hiện cắt giảm thuế quan (hai chiều) trong việc đàm phán.
Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp đóng góp cho việc đàm phán FTA Việt Nam – EU.

Nguồn: SGTT

Wednesday, March 13, 2013

Rủi ro, cơ hội đan xen


Với lạm phát kỳ vọng 6 - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định, các chuyên gia đánh giá doanh nghiệp (DN) sẽ có điều kiện quan trọng xây dựng các kế hoạch, hoàn thành mục tiêu trung và dài hạn. Như vậy, thị trường 2013 tuy sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu nghiệt ngã nhưng lại tạo cơ hội cho nhà đầu tư (NĐT).

Theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, tình hình kinh tế năm 2013 khá giống với năm 2012. Tuy nhiên trong năm 2013, các khó khăn như sức mua giảm, hàng tồn kho, nợ xấu tăng, lãi suất cao, DN thiếu vốn... sẽ được cải thiện so với năm 2012.
Đây cũng sẽ là năm thị trường trở nên lành mạnh hơn, mở ra cơ hội cho các DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững. Cũng từ lúc này, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh và phân chia lại thị phần, tạo cơ hội tăng đầu tư với chi phí rẻ cho các DN, NĐT.
Đứng ở góc độ chuyên gia, rõ ràng nhận định của TS. Trần Du Lịch đã được đồng tình của rất nhiều người. Bởi trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang trong quá trình tự điều chỉnh và thị phần sẽ được phân chia lại, cũng là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng không có nhiều động lực tăng trưởng mới hoặc những điểm tích cực mới. Trong đó, những lĩnh vực đầu tư ít hiệu quả, ít điểm sáng hơn vẫn là chứng khoán và bất động sản (BĐS).
Nhìn lại mức tăng trưởng 5,03% của năm 2012, mức thấp nhất trong vòng hơn một thập niên qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn ngày một hiện hữu: tăng trưởng suy giảm có tác động làm gia tăng nợ xấu và đến lượt mình, nợ xấu gia tăng sẽ làm tắc nghẽn dòng tín dụng nuôi dưỡng nền kinh tế thực, và qua đó sẽ có tác động làm tăng trưởng tiếp tục suy giảm.
Trên thực tế, BĐS ở những nước châu Á có thể có sự tăng giá, do dòng vốn của khu vực châu Âu, châu Mỹ dự kiến tràn vào với giá rẻ. Tuy nhiên, năm 2013, kênh đầu tư chứng khoán BĐS đối với NĐT tại Việt Nam vẫn chưa thể phục hồi.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, thị trường BĐS sẽ có thể tăng thanh khoản bắt đầu từ quý III và có thể có dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn vào quý IV/2013.
Tuy nhiên, những khoản nợ lớn về BĐS vẫn chưa xử lý được do thị trường nợ kém phát triển, vì vậy thị trường này có thể chỉ phục hồi vững chắc vào năm 2014, hoặc có thể chậm hơn, đặc biệt là với phân khúc thị trường cao cấp.
Trước câu hỏi "giá BĐS năm 2013 liệu có xuống tiếp không", ông Nghĩa thẳng thắn khuyến nghị NĐT có nhu cầu về BĐS không nên chạy theo những lên xuống thất thường của thị trường, rất khó đoán định.
Bởi theo ông Nghĩa, để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, Chính phủ cần tăng cường các biện pháp cụ thể như: tài trợ mua nhà với kỳ hạn dài và lãi suất thấp; giữ nguyên nguyên tắc thị trường với những thuế suất thấp; cải thiện thủ tục hành chính có liên quan đến đất đai, sổ đỏ, thanh lý tài sản; cho phép Việt kiều và người nước ngoài được mua nhà và tài sản nợ và được sở hữu tài sản lớn.
Tương tự, đối với thị trường chứng khoán, ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán FLCS dự đoán 2013 sẽ là năm của những "con sóng lớn".
Theo ông Thắng, về cơ bản, thị trường chứng khoán năm 2012 đã chạm đáy, nên trong dài hạn, xu hướng chung của chứng khoán sẽ là đi lên, cho dù sự đi lên ấy mạnh hay yếu phụ thuộc vào những biến động của kinh tế vĩ mô. Cụ thể ở đây là hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) và ý chí của các cơ quan chức năng.
Rõ ràng chúng ta sẽ phải đón chờ xem cách thức VAMC xử lý đối với nợ xấu như thế nào, hiệu quả hay không hiệu quả, luồng tiền có đi được đến đích cần đến hay không, việc triển khai các hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế quyết liệt đến đâu, để đưa ra những nhận định cụ thể hơn. Và để thiết lập một mặt bằng giá hợp lý, về trung hạn, thời gian tới, giá cổ phiếu vẫn giảm, tạo nên quá trình tái tích lũy.
Trước diễn biến đó, nhiều NĐT băn khoăn về cơ hội đầu tư trong tương lai. Với các chuyên gia, sẽ khó để phân định chắc chắn nhưng vẫn cho rằng cơ hội không thiếu đối với những ngành nghề có triển vọng. Chẳng hạn có thể kể đến như hàng lương thực xuất khẩu, nhất là gạo, gắn liền với thị trường gạo trên thế giới, đồng thời có những thách thức liên quan tới hàng loạt kỹ thuật về xuất khẩu mặt hàng này.
Thêm vào đó, mặt hàng tiêu dùng có chất lượng cao vẫn có triển vọng, ngược lại, những mặt hàng tiêu dùng thấp, phi lương thực ít triển vọng hơn. Theo ông Andrew, Giám đốc Khối Dịch vụ Tài chính DN nông nghiệp Ngân hàng ANZ, hiện Úc có nhu cầu rất lớn về máy tính và thiết bị thông tin liên lạc, nên đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập thị trường.
Ví dụ này đưa ra cho thấy NĐT hay DN đều có cơ hội ở rất nhiều kênh bán hàng. Đó là chưa kể năm 2013, xăng dầu sẽ lên giá nên sẽ tạo ra triển vọng về đầu tư xăng dầu nhưng cũng gây bất lợi cho các ngành sử dụng nhiều xăng dầu. Còn thị trường may mặc tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh của mỗi nước, về cơ bản, lĩnh vực này sẽ tăng hơn năm 2012.

Siêu xe đạp Lamborghini đắt ngang ôtô


Hãng chế tạo siêu xe Lamborghini vừa trình làng mẫu xe đạp đắt ngang ôtô, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập hãng.

Cùng thời điểm tung ra thị trường siêu xe mạnh nhất Veneno, mà Lamborghini còn giới thiệu với công chúng mẫu xe đạp BMC Lamborghini 50th Anniversary Edition Impec, cực đắt - Ảnh: Autoevolution.

Lần thứ hai kết hợp với hãng chế tạo xe đạp BMC (Thụy Sỹ), Lamborghini cho ra đời dòng xe Impec với số lượng đúng 50 chiếc, cùng mức giá 32.000 USD mỗi chiếc (khoảng 650 triệu đồng) - Ảnh: Autoevolution.

BMC Lamborghini 50th Anniversary Edition Impec thuộc dòng xe đạp địa hình thể thao MTB, được thiết kế với hai tông màu vàng, đen - Ảnh: Autoevolution

Xe có phần khung và bánh xe được chế tạo hoàn toàn bằng sợi carbon. Trên thân xe được đính biểu tượng (logo) của Lamborghini - Ảnh: Autoevolution

Điểm nhấn của mẫu xe đạp cao cấp này là phần tay lái và yên xe bọc da lộn, dùng cho ghế của siêu xe Lamborghini Aventador LP-700 - Ảnh: Autoevolution.

BMC Lamborghini 50th Anniversary Edition Impec được trang bị bộ thắng Campagnolo Super Record Skeleton và cặp vành Continental Competition đường kính 22 inch - Ảnh: Autoevolution.

Nguồn: VNECOMONY

Tuesday, March 12, 2013

Tái cơ cấu DNNN - “Tái mà chưa chín”


Chiếm 79% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% nguồn vốn ODA, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 37,38% GDP. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là tập đoàn kinh tế và các tổng công ty là việc cấp bách hơn bao giờ hết.

Cổ phần hóa các công ty, tập đoàn nhà nước trong đó có Tập đoàn Điện lực là yêu cầu của quá trình tái cấu trúc.
Ưu ái nhưng hiệu quả đầu tư thấp
Vì sao được ưu ái của nguồn vốn đầu tư xã hội nhưng đóng góp của khu vực kinh tế này lại chưa tương xứng với tiềm lực? Nguyên nhân có phần là do cơ chế quản lý còn nhiều bất cập, nhưng nguyên nhân căn bản nằm trong cơ chế ưu ái phân bố nguồn lực quốc gia bao gồm nguồn nhân lực, công nghệ, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên.
Các doanh nghiệp nhà nước được trao quá nhiều đặc quyền trong đó có cả quyền… độc quyền trong sản xuất và thị trường tiêu thụ. Việc quản lý giám sát nguồn vốn nhà nước, quản lý hoạt động quản trị doanh nghiệp bị buông lỏng quá mức.
Các doanh nghiệp nhà nước, xuất phát từ đặc thù của mình, không phải chạy theo sức ép lợi nhuận như doanh nghiệp các khu vực khác, nghĩa là chưa thực sự hoạt động theo cơ chế thị trường. Lợi thế chính sách và sự hỗ trợ của chủ sở hữu nhà nước đã triệt tiêu động lực nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cơ chế đánh giá doanh nghiệp nhà nước thiếu hẳn những động thái cảnh báo để ngăn ngừa việc sử dụng kém hiệu quả, nguy cơ thất thoát đồng vốn của nhà nước. Cơ chế quản lý trên đã trao cho doanh nghiệp nhà nước nhiều đặc quyền: không sợ phá sản vì được bảo hộ. Làm ăn thua lỗ sẽ được nhà nước cứu.
Không sợ cạnh tranh vì được độc quyền. Không sợ thiếu vốn vì kinh doanh dựa vào nguồn đầu tư công, luôn được ưu ái tiếp cận vốn vay từ nhiều nguồn. Đó là những bất hợp lý cần phải được tháo gỡ khi tái cơ cấu nền kinh tế.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, các chuyên gia kinh tế còn nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác: hệ số ICOR, chỉ số đo lường số đơn vị vốn cần tăng thêm để tạo ra một một đơn vị sản lượng. Theo báo cáo cạnh tranh của Viện Cạnh tranh châu Á: chỉ số ICOR của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2008 là 5,3.
Đây là con số cao hơn hẳn so với các nước và khu vực nền công nghiệp mới trong đầu thời kỳ tăng trưởng kinh tế 1961 - 1980. Theo đó hệ số ICOR của Hàn Quốc là 3, Đài Loan là 2,7. Thái Lan giai đoạn 1981 - 1995 là 4,1.
Đáng quan tâm và lo lắng hơn, hệ số ICOR của các doanh nghiệp khu vực nhà nước ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011 - 2012 đã lên đến 7,5.
Sự kém hiệu quả này, cùng với sự nóng vội, duy ý chí mở quá nhanh quy mô hoạt động, đầu tư tràn lan ra ngoài lĩnh vực hoạt động chính nhất là lĩnh vực bất động sản và ngân hàng, khiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, trong đó có các tập đoàn kinh doanh lỗ lã, làm lãng phí lớn tài sản công và là kẽ hở cho nạn tham nhũng đục khoét vô tội vạ tiền của nhân dân và tài nguyên của đất nước.
Tái cơ cấu - nhiệm vụ cấp bách
Ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013 - 2020. Trong đề án này, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước có vị trí rất quan trọng.
Mục tiêu của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các dịch vụ sản phẩm công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với hoạt động công ích.
Trong đó, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là quan trọng nhất và phải được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển đầu tư đến thị trường và sản phẩm. Tổ chức lại một số tập đoàn và tổng công ty cho phù hợp với tình hình và yêu cầu nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Đơn giản là vì đến nay, số vốn mà tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản vẫn còn rất lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư kém hiệu quả, gây lãng phí, thậm chí lỗ vốn ghê gớm.
Đề án quyết nghị các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải thoái vốn ra khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành vào cuối 2015.
Tuy nhiên đây là một nhiệm vụ có vẻ không dễ thực hiện. Bên cạnh sự chần chờ, trì hoãn từ phía các doanh nghiệp, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo toàn ở mức cao nhất phần vốn của nhà nước là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Nó đòi hỏi một lộ trình thích hợp, sự quyết tâm của các bộ ngành và đặc biệt là của Chính phủ. Đáng tiếc hiện nay chúng ta vẫn đang loay hoay với đề án này. Nhiều chuyên gia nói “tái mà chưa chín” là vì thế. Thời gian không chờ đợi ai. Đây là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu mà doanh nghiệp phải kiên quyết thực hiện.
Hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn gắn chặt với mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp. Đây là chủ trương lớn nhưng đến nay cổ phần hóa diễn ra với tốc độ hết sức chậm chạp.
Khởi động từ năm 1992, đẩy mạnh vào năm 2001, nhưng theo con số thống kê, đến hết năm 2011 trên địa bàn cả nước mới cổ phần hóa được 4.000 doanh nghiệp, góp phần cơ bản vào việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước từ chỗ 12.000 doanh nghiệp nay chỉ còn 6.000 doanh nghiệp.
Đặc biệt từ năm 2011 đến nay, tình hình cổ phần hóa chậm hẳn lại. Trong năm 2011 cả nước chỉ cổ phần hóa được 60 doanh nghiệp. Kế hoạch 2012 cổ phần hóa 93 doanh nghiệp đã không hoàn thành.
Sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong các năm 2013 - 2015. Nhưng để hoàn thành nhiệm vụ này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, đặc biệt là việc xác định quyền sử dụng đất và giá trị thương hiệu. Sử dụng các biện pháp thị trường để xử lý tài chính với doanh nghiệp cổ phần hóa để cơ cấu lại, mua lại nợ.
Thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thị trường chứng khoán ấm trở lại để tạo điều kiện về thị trường cho cổ phần hóa tăng tốc.
Một số chuyên gia khác lưu ý, nên chăng, bắt đầu cổ phần hóa ngay các siêu doanh nghiệp đang nắm những nguồn lực lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản; Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông; Tập đoàn Dầu khí…
Và, quan trọng là xác định rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước là công cụ ổn định vĩ mô hay định hướng lợi nhuận để đẩy mạnh cổ phần hóa và phân bổ nguồn lực.

SGGP