Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Tuesday, October 2, 2012

8 cách “đánh bại” áp lực công việc


Áp lực công việc luôn khiến cho nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng, đôi khi bế tắc và thậm chí nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này không quá khó như nhiều người vẫn tưởng.

Tránh xa các mạng xã hội. Có người từng gọi Facebook là một “cái bể sâu chứa đựng những tiêu cực và căng thẳng”. Có thể bạn vẫn muốn chia sẻ một số điều gì đó trên mạng xã hội, nhưng có rất nhiều cách khác để “xả” sự bức bối mà bạn đang chịu đựng, mà không cần đăng nhập vào Facebook. Vì có thể những gì bạn “tâm sự” trên Facebook có thể khiến bạn rơi vào những trạng thái căng thẳng tiếp theo.

Hướng tới những người tràn đầy năng lượng sống. Một số người có “biệt tài” dập tắt mọi lạc quan, năng lượng sống của bạn dù không hề chủ ý. Nhưng cũng lại có những người luôn tạo cho bạn cảm giác tràn đầy sức sống và niềm tin khi ở bên họ. Hãy cố gắng tìm ra những người đem lại cho bạn năng lượng để tiếp tục vươn lên. Nếu không thể gặp gỡ trực tiếp, bạn có thể tìm kiếm những người bạn vui vẻ trên mạng.

Tắt vô tuyến. Nếu bạn có thói quen làm việc trong môi trường ồn ã, hãy dùng âm nhạc hoặc những cuốn sách thay vì vừa làm việc vừa mở tivi.

Chăm sóc bản thân. Hãy giúp cơ thể chống lại stress bằng cách chăm sóc nó cẩn thận. Uống đủ nước, giảm bớt cà phê, chế độ ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ và tập thể dục.

Nghỉ ốm một ngày. Hãy sử dụng ngày này để nghỉ ngơi và “sạc” lại năng lượng cho cơ thể. Xem một bộ phim hay hoặc một chương trình truyền hình yêu thích cũng rất cần thiết để tái tạo lại sức lao động cho bạn.

Thiết lập các giới hạn. Nếu bạn cảm thấy mình đã quá căng thẳng rồi, hãy giảm bớt tiến độ thực hiện các dự án mới và thiết lập khung thời gian rộng rãi hơn để bạn có thể hoàn thành kịp.

Tiết chế những than vãn của bè bạn. Có những người thường duy trì thói quen xả ra những căng thẳng với bạn bè. Điều này, dĩ nhiên, lại gây thêm mệt mỏi với bạn. Bạn có thể nói với họ rằng bạn rất tôn trọng nhu cầu chia sẻ của họ, nhưng bạn cũng không phải “cái ổ cứng” để “tương thích” với tất cả những thông tin đó.

Chủ động lựa chọn sự tích cực. Thái độ tiếp cận này sẽ giúp bạn tạo cho người khác những ích lợi và cũng có thể giúp bạn chống lại sự căng thẳng do công việc quá tải.

7 phẩm chất của một nhà lãnh đạo có uy


Dưới đây là bảy bí quyết giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo có được sự tôn trọng một cách tự nhiên chứ không phải do thỉnh cầu.

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao một số người được mọi người tôn trọng, trong khi những người khác phải ra lệnh hay tệ hơn là thỉnh cầu mới có được sự tôn trọng đó?

Giành được sự tôn trọng có mối tương liên trực tiếp với việc đối xử với những người khác một cách công bằng. Bày tỏ sự tôn trọng nghe giống như một kỹ năng cơ bản, và không khó để nghe thấy những lời phàn nàn về việc không được tôn trọng trong các phòng trà và khu vệ sinh tại các công ty.

Liệu các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo có đang lẩn tránh trách nhiệm biến mọi trẻ em thành những công dân nhỏ tuổi tốt có thể chơi tốt với các bạn khác? Có lẽ, các chuẩn mực văn hóa đã thay đổi. Các gia đình có sự đối xử bình đẳng hơn, cá trường học chú trọng hơn điểm số các bài kiểm tra và qui mô lớp học hơn là dạy các học trò nhỏ cách trở nên nổi bật trong vai trò lãnh đạo.

Nhưng dù bạn là giám đốc hay chỉ là một nhân viên bình thường, khả năng giành được sự tôn trọng sẽ tác động đến hạnh phúc về mặt cảm xúc và quỹ đạo nghề nghiệp sau này. Một số người có quyền hành tin rằng họ có quyền được tôn trọng do vị trí hoặc kinh nghiệm của họ, nhưng kiểu tôn trọng này sẽ giảm theo thời gian và có thể làm tổn hại tới văn hóa công ty.

Dưới đây là bảy bí quyết giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo có được sự tôn trọng một cách tự nhiên chứ không phải do thỉnh cầu.

1. Hãy kiên định.

Nếu bạn thấy mình không được mọi người tín nhiệm, thì có lẽ là vì bạn đang nói một đằng làm một nẻo. Người ta chú ý tới những gì bạn nói cho tới khi bạn đưa ra lý do không làm được bằng cách làm điều ngược lại. Bạn không phải phỏng đoán, hãy đừng trở thành một kẻ đạo đức giả.

2. Hãy đúng giờ.

Không gì lấy đi sự tôn trọng của người khác đối với bạn nhanh hơn là sự chậm trễ, sai giờ. Thời gian là thứ hàng hóa giá trị nhất đối với những người thành công. Lỡ hẹn hoặc đến muộn chứng tỏ sự coi thường cuộc sống và nhu cầu của những người khác. Hãy làm chủ lịch hẹn của mình.

3. Hãy sẵn sàng phản hồi.

Thách thức với việc quản lý việc liên lạc hiện nay chính là có quá nhiều cách để liên lạc. Người ta đang lúng túng không biết nên sử dụng phương tiện nào để tiếp cận với bạn giữa một rừng phương tiện như Twitter, Facebook, Messenger, văn bản, điện thoại, Skype, và Facetime. Và ngay cả khi có kết nối thông qua tất cả các kênh trên nhưng một số người vẫn không phản hồi kịp thời, khiến các đồng nghiệp phải chờ đợi và chạy theo họ. Hãy giới hạn các kênh thông tin của bạn lại và phản hồi trong vòng 24h nếu bạn muốn trở thành một người đáng tin cậy trong mắt mọi người.

4. Hãy luôn đúng trong đa số mọi việc nhưng hãy tỏ ra thoải mái nếu có lúc sai.

Cách đơn giản để luôn đúng là làm việc chăm chỉ và phát ngôn những điều đã được suy nghĩ thấu đáo. Tuy nhiên, có thể bạn phải suy đoán ngay cả khi thông tin quá hiếm đến nỗi không thể biết chắc chắn được. Hãy coi đó là rủi ro lớn, kiềm chế bớt kỳ vọng và nếu bạn sai, hãy mỉm cười và vui rằng mình đã học được điều gì đó.

5. Hãy tha thứ cho sai lầm của mình và người khác.

Nếu bạn không ca thán, có nghĩa là bạn đang không cố gắng. Các nhà lãnh đạo giỏi sẽ khuyến khích việc thử nghiệm và tạo ra môi trường cho những thất bại an toàn. Khuyến khích mọi người chấp nhận những rủi ro giảm nhẹ và hãy làm gương cho việc làm thế nào để đón nhận thất bại và phục hồi trở lại.

6. Thể hiện sự tôn trọng đối với người khác khi họ sai và đúng.

Miệt thị những người mắc lỗi sẽ phản ánh sự tồi tệ của bản thân bạn chứ không phải là người mắc lỗi. Ngược lại, bất kỳ biểu hiện ghen tị đối với thành công của những người khác chắc chắn sẽ bị những người xung quanh để ý. Hãy sống như thể mình có một cơ thể trong suốt như kính và giả định như tất cả mọi người đều có thể đọc thấu tâm can bạn.

7. Hãy giúp đỡ (không quá mức) những người đang khiến bạn chậm lại.

Những lãnh đạo tốt sẽ giúp những người xung quanh họ thành công bằng việc vượt qua những điểm yếu. Nhưng sếp cũng rất nhanh chóng bị mất đi sự tôn trọng nếu cứ che đỡ những người luôn mắc lỗi vì thành công của nhóm. Biết khi nào nên hỗ trợ những người yếu kém và loại bỏ họ nếu họ cản trở một cách rõ ràng kết quả của cả nhóm.

Có quá nhiều người ngày nay nắm giữ các vị trí lãnh đạo mà không cân nhắc những ảnh hưởng của chính họ lên những người khác. Môi trường lãnh đạo chân không trong kinh doanh hiện nay cho phép họ tại vị chừng nào họ vẫn tạo ra được những kết quả chấp nhận được. Sau cùng, di sản lãnh đạo cá nhân của bạn sẽ không được nhớ đến vì cái bằng MBA của bạn, các số liệu bán hàng hay những thứ bạn thu được mà sẽ là những ảnh hưởng tích cực của cá nhân bạn đối với những người thuộc cấp tại thời điểm đó.

Nhà vô địch và chiến lược "100% và phục hồi"


DanO’Brien là nhà vô địch Thế vận hội 1996. Dù cho lĩnh vực hoạt động của anh là thể thao, không phải công việc kinh doanh, nhưng các nhà điều hành doanh nghiệp có thể tìm thấy sự tương đồng giữa hai lĩnh vực này qua những chiến lược cạnh tranh của DanO’Brien.
DanO’Brien - Nhà vô địch Thế vận hội 1996
Dan O’brien là một trong những vận động viên điền kinh thành công nhất thế giới. Vào năm 1996, anh giành huy chương vàng cho nước Mỹ trong nội dung điền kinh 10 môn tại Thế vận hội mùa Hè ở Atlanta, Georgia.
Trong cuộc phỏng vấn với Allen Webb của McKinsey, O’Brien mô tả cách thức tập luyện cần thiết để xây dựng các kỹ năng trong 10 nội dung khác nhau cũng như các chiến lược thi đấu đã đưa anh đến thành công.

*  Anh đã làm gì để trở thành một vận động viên đa kỹ năng? Điều đó thay đổi phương thức tập luyện và suy nghĩ của anh như thế nào?

- Điền kinh 10 môn phối hợp luôn luôn đáng sợ, khối lượng các bài tập mà bạn phải thực hiện và sau đó là những cuộc đấu căng thẳng. Điều đó làm nhiều người sợ hãi.
Nó sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian, sự lặp lại, và các bài tập kỹ năng. Tôi phải luôn đẩy bản thân đến các giới hạn mà bản thân chưa từng chạm đến trước đây.
Bạn chỉ thực sự hòa nhập vào bộ môn này khi bạn hoàn toàn làm quen với ý nghĩ rằng bạn sẵn sàng đến một nơi nào đó mà rất nhiều người không sẵn sàng đến.
Sự mài dũa phía sau hậu trường, ngày qua ngày, cho những tưởng thưởng nhỏ nhoi hay không gì cả, hay chỉ là một cảm giác chiến thắng thực sự. Bạn đang thực hiện nó vì chính mình, hơn là cho bất cứ người nào khác hay vì sự tưởng thưởng, tiền bạc.
* Anh có thể mô tả kỹ hơn quá trình trở thành một vận động viên điền kinh 10 môn chuyên nghiệp của mình không?
- Tôi đã yêu thích các cuộc thi đấu tại thế vận hội từ khi còn trẻ. Năm 1980, khi đội tuyển hockey của Mỹ giành được tấm huy chương vàng, tôi nhảy tưng tưng trên chiếc trường kỷ và nói “Tôi sẽ trở thành một vận động viên Olympic”. Và đó chính là lúc mà giấc mơ của tôi được sinh ra.
Sau đó, khi tôi đang ở trường trung học, tôi đã là một vận động viên điền kinh. Một huấn luyên viên tên Larry Hunt từ phía nam Oregon, nơi tôi lớn lên, đề nghị tôi thử sức với điền kinh 10 môn. Ông ấy rất có kinh nghiệm trong việc phát hiện Bruce Jenner và các vận động viên điền kinh 10 môn khác.
Tôi đã không thực sự hào hứng lắm với điền kinh 10 môn. Đó là 2 ngày dài đằng đẵng. Có rất nhiều thử thách khó khăn, nhưng tôi đã hoàn thành tốt.

Khi tôi vào trường đại học, huấn luyên viên đại học cho rằng tôi có thể là một nhà điền kinh 10 môn vĩ đại. Nhưng tôi vẫn không muốn đi theo con đường này, vì những khó khăn của nó.
Tôi đã muốn chạy vượt rào và nhảy xa và chỉ tham gia nội dung đơn. Cho đến khi gặp Jackie Joyner-Kersee tôi mới nhận ra rằng chỉ một người đặc biệt mới có thể làm được điều này. Tôi tự nghĩ, “Tôi biết, tôi muốn trở thành người như thế. Tôi muốn trở thành Bruce Jenner tiếp theo”.

Vào thời khắc đó, khi tôi quyết định, tôi chỉ mới 22 tuổi. Và tôi nhận ra rằng nếu như tôi tham gia điền kinh 10 môn, tôi không thể có tư tưởng “Ta sẽ thử nó”, mà tôi phải nhảy vào cuộc với toàn bộ sức lực và khả năng của mình.

* Anh đã đầu tư thời gian vào những lĩnh vực mà anh thực sự giỏi để làm nổi bật sự khác biệt của mình, hay tập luyện chăm chỉ hơn trong những lĩnh vực mà anh gặp khó khăn?
- Bạn thường dành phần lớn thời gian của bạn để cải thiện những điểm yếu của bản thân. Khi tôi bắt đầu, có rất nhiều thứ phải học.
Tôi không có một nền tảng tuyệt vời trong các nội dung quăng, ném. Với những sự chỉ dẫn hợp lý, tôi đã có thể thấm nhuần những gì được học và kết hợp với những gì mà huấn luyện viên chỉ dạy tôi.
Điền kinh 10 môn là một loài quái thú to lớn. Và thực tế là bạn phải luôn luôn sẵn sàng trong điều kiện tốt nhất. Bạn tập luyện cho nội dung khó nhất, mà theo tôi đó là 400 mét.
Tôi trở thành một chuyên gia chạy 400 mét. Tôi đã chạy trong nhiều cuộc chạy tiếp sức. Tôi cũng tham gia những sự kiện chạy mở khi tôi có thể.

Điều thú vị về các mùa giải điền kinh là bạn tập luyện cả tuần, và sau đó bạn thi đấu vào cuối tuần. Vì thế bạn tập luyện cả năm dài cho những sự kiện lớn - giải vô địch NCAA, Giải vô địch Mỹ, những giải tiền Olympics....
Tập luyện, kiểm tra, tập luyện, kiểm tra, tập luyện, kiểm tra, tập luyện, kiểm tra. Đó là quá trình tiếp diễn liên tục.

Việc luyện tập không bao giờ làm bạn xuống phong độ. Đôi khi việc tập luyện kéo dài, nhưng bạn biết bạn có một bài kiểm tra sắp tới đây thôi. Tôi nghĩ rằng đó là điều đã luôn làm cho tôi hào hứng.

* Anh nói rằng phải có một tâm thế chấp nhận đâm đầu vào để làm điều này. Liệu cũng có một bài tập đặc biệt dành cho tâm trí?


- Chắc chắn rồi. Thời gian gần như trôi tuột đi đối với một vận động viên điền kinh 10 môn. Bản phải tập luyện vào giữa trưa, chỉ về nhà khi đã hoàn thành bài tập, là người đầu tiên bắt đầu và cũng là người cuối cùng rời đi...
Khi tôi đạt mức luyện tập cao nhất, tôi thậm chí còn không biết liệu tôi có thể nói hôm nay là thứ mấy. Tất cả những gì tôi biết là tôi sẽ tập trong 3 ngày liền và hôm sau được nghỉ 1 ngày.
Và thế là nó hình thành một vòng tròn: 2 ngày làm việc và 1 ngày nghỉ, 4 ngày làm việc và 1 ngày nghỉ, 3 ngày làm việc và 1 ngày nghỉ. Đó là cách tôi sống cuộc sống của mình.

Tôi buộc phải yêu quy trình đó. Bạn buộc phải yêu “công việc” của bạn. Vì bạn càng muốn giành tấm huy chương vàng bao nhiêu thì bạn càng giành nhiều thời gian tập luyện bấy nhiêu. Và tốt hơn là bạn nên thích nó.
Bí quyết đối với tôi, là chấp nhận rằng thời gian không tồn tại. Bạn đang làm việc với một mục đích để đạt được sự thi đấu hoàn hảo - chứ không phải là vì một kết quả hay thành quả.

* Anh có luôn luôn thực hiện cả 10 nội dung trong một vòng quy trình tập luyện?


- Cách mà chúng tôi nhìn nhận về điền kinh 10 môn là bạn là một người tung hứng.
Khi mới bắt đầu, bạn có thể tung hứng 3 quả banh. Mỗi trái đại diện cho một nội dung. Sau một thời gian, bạn học các tung hứng 3 quả banh rất chắc chắn.
Vấn đề đặt ra là làm cách nào có thể tung hứng cả 10 quả banh cùng lúc? Phần lớn, bạn có thể tung hứng 6, 7, 8 nội dung. Nhưng để đạt được 9 hay 10 nội dung dung là rất khó khăn.
Một khi có thể thực hiện được điều đó bạn đã trở thành một nhà tung hứng bậc thầy - một bậc thầy về điền kinh 10 môn. Và vì thế chúng tôi tập luyện cho điền kinh 10 môn một cách tổng thể. Tôi thực hiện tất cả 10 nội dung trong một giai đoạn tập luyện.

* Anh có nhớ những khoảnh khắc khi mà anh phát hiện một thứ gì đó mới mẻ? Khoảnh khắc khi anh cảm thấy nó bắt đầu vào guồng?
- Ví dụ như ném lao. Cho đến cuối những năm tuổi 20 tôi mới nhận ra cách ném lao đúng. Và một khi tôi đã nhận ra điều đó, tôi ném lao rất, rất tốt.
Tôi nhớ lại giai đoạn mà tôi chỉ xem các vận động viên thi đấu một nội dung – những nhà ném lao – ném và ném và ném và ném. Tôi có thể bắt chước phong cách và kỹ thuật của nhiều người. Tôi bắt chước họ theo mọi cách: tư thế cơ thể và vị trí, cả những tiếng la lớn và những điều tương tự.
Tôi nhớ khi tôi 27 tuổi, tôi có một kỳ nghỉ cuối tuần với 2 ngày nghỉ, và tôi chỉ nghĩ về ném lao. Và trong lần tập luyện sau tôi bắt đầu ném tốt hơn.
Huấn luyện viên Sloan, Rick Sloan tại trường Đại học bang Washington đã rất ngạc nhiên: “Chúa ơi, chuyện gì đã xảy ra vậy?”. Tôi trả lời rằng “Tôi không biết. Chỉ là tôi đã nghĩ rất nhiều về nó”.
Và khi tôi nói “nghĩ về nó”, có nghĩa là ngay cả khi tôi đang đi dạo quanh thị trấn, làm việc lặt vặt, đi mua sắm hay nấu ăn. Tôi đã hoàn thiện rất nhiều trong suy nghĩ của mình trước khi tôi tiếp tục lần tiếp theo, và tôi đã có thể thực hiện nó.

* Anh có chiến lược thi đấu nào không? Dốc toàn lực vào mọi thứ hay làm theo nhịp độ và cố gắng để tiết kiệm sức ở một vài thứ để dồn toàn lực vào những thứ khác?
- Tập luyện điền kinh 10 môn tự thân nó đã là một cuộc đấu về triết lý tập luyện. Kết quả cho ra là một vận động viên vĩ đại.

Chiến lược của tôi luôn luôn là 100%. Chúng tôi luyện tập để làm việc và phục hồi, làm việc và phục hồi. Không có lý do nào để không đưa 100% sức lực vào điền kinh 10 môn.
Đứng dậy, nhảy thật cao. Thư giãn. Đứng dậy, ném một trái tạ. Thư giãn... Chiến lược của tôi là "nỗ lực 100% và phục hồi".
Tôi nghĩ bài học tuyệt vời nhất mà tôi học được là cách thử thách bản thân mỗi ngày. Bạn phải luôn luôn thử thách giới hạn. Bài tập ngày hôm nay sẽ nặng hơn bài tập của hôm qua. Bài tập ngày mai nặng hơn bài tập ngày hôm nay. Luôn luôn là như vậy.
Và tôi nghĩ đó là bài học tuyệt vời nhất mà tôi đã học được từ trước đến giờ: thử thách bản thân mỗi ngày.