Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Thursday, March 24, 2011

4 thói quen để trở thành triệu phú

Các triệu phú cũng chỉ có 24 tiếng/ngày như chúng ta, cũng sống dưới một bầu trời và hít chung một bầu không khí, vậy tại sao họ giàu còn chúng ta thì không?

Các triệu phú lạc quan về nền kinh tế thế nhưng không giống như phần đông chúng ta, họ không tiêu sạch tiền vào thứ vô bổ như trò chơi điện tử hay đồ ăn thức uống vặt vãnh.

Thay vào đó, họ quan tâm đến việc giữ tiền và kiếm thêm tiền.

Một khảo sát được thực hiện với triệu phú Mỹ gần đây cho người ta thấy triệu phú làm gì với tiền của họ trong năm nay.

Ưu tiên quan trọng nhất là họ sẽ trả bớt nợ và tiết kiệm tiền. Một triệu phú trong năm qua trung bình tiết kiệm được 39 nghìn USD và họ có kế hoạch sẽ tiết kiệm nhiều hơn trong năm nay.

Tuy nhiên họ cũng vẫn muốn đặt cược vào đà phục hồi kinh tế. Khoảng 45% cho biết họ sẽ đầu tư vào thị trường chứng khoán. 58% quan tâm đến lĩnh vực công nghệ; 48% quan tâm đến dược và 47% muốn đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Sự quan tâm đối với vàng chưa chấm dứt: 41% muốn đầu tư vào vàng và 24% xem xét cơ hội đầu tư vào các kim loại quý khác.

Tuy nhiên các triệu phú chưa hết bi quan; 81% cho rằng họ không tin suy thoái kinh tế đã qua đi và chỉ duy nhất 2% tự coi mình trong nhóm nhà đầu tư táo bạo.

Quy tắc này không chỉ áp dụng với việc chi tiền mà còn trong cuộc sống và cách điều hành công việc kinh doanh.

Quản lý thời gian hiệu quả

Triệu phú cũng chỉ có 24 tiếng/ngày giống chúng ta thế nhưng việc họ sống và điều hành công việc kinh doanh thế nào cũng đáng quan tâm. Họ quản lý thời gian tốt hơn chúng ta. Trong khi phần lớn chúng ta về nhà và ngồi lì trước tivi, người giàu có đọc sách và làm những việc đóng góp cho thành công của họ trong tương lai.

Từ khi còn là một học sinh cấp 2 ở Seattle, Bill Gates thường rời nhà vào buổi đêm và cuối tuần để đến phòng máy tính. Ông làm lập trình từ khi học lớp 8. Ông không dành suốt khoảng thời gian rỗi rãi thời niên thiếu để xem tivi và mơ học môn khoa học máy tính tại trường đại học. Ông dành thời gian làm việc thực tế trên máy tính.

Cũng chẳng có gì ngạc nhiên khi sau này ông bỏ ngang đại học Harvard để khởi nghiệp với Microsoft, ông đơn giản chỉ luôn đi trước mọi người.

Steve Jobs, sáng lập viên của Apple trong bài phát biểu tại đại học Stanford vào năm 2005, đã cho mọi người biết về lịch hoạt động của ông và khẳng định ông luôn biết làm tất cả những gì cần thiết.

Jobs nói: “Khi tôi 17 tuổi, tôi biết đến câu nói nếu mỗi ngày bạn sống như thể đó là ngày cuối cùng trong cuộc đời, bạn sẽ thành công. Câu nói đó gây ấn tượng mạnh mẽ dến tôi và trong suốt 33 năm qua, tôi luôn nhìn vào gương và tự hỏi: có phải ngày cuối cùng của mình đã đến và mình sẽ làm gì hôm nay? Khi tôi đưa ra quá nhiều câu trả lời không, tôi hiểu tôi cần phải thay đổi điều gì đó.”

“Đừng bao giờ mút ngón tay”

Người giàu cũng hết sức quyết đoán.

Tỷ phú Warren Buffett đã từng khẳng định: “Đừng bao giờ mút ngón tay. Ở thời điểm nào đó, bạn cần phải dừng suy nghĩ tính toán lại và bắt đầu hành động.”

Hãy biết thu thập thông tin cần thiết trước người khác để đưa ra quyết định và nhờ mọi người theo dõi, nhắc nhở việc tuân thủ lịch trình để đảm bảo nó không đi chệch hướng.

Ông luôn đưa ra quyết định nhanh và trung thành với nó.

Theo ông, hành động chờ thời cơ và suy nghĩ linh tinh là “mút ngón tay”. Bất cứ khi nào được mời hợp tác làm ăn, ông đều trả lời: “Tôi không phản đối nếu bạn đưa ra biểu giá cụ thể.”

Hạn chế vay mượn

Người sống bằng tiền vay mượn và thẻ tín dụng sẽ không thể giàu được. Vì vậy, Warren Buffett không bao giờ vay khoản tiền lớn để tiêu dùng hay đầu tư.

Ông rất ghét thế chấp. Ông cho biết đã nhận được không ít lá thư từ nhóm người tưởng họ quản lý được nợ nần nhưng sau đó lại khốn khổ vì nó. Buffett khuyên chỉ nên mượn số tiền mà bạn có thể trả và đầu tư bằng tiền tiết kiệm của chính mình.

Luôn kiên trì

Với sự nhẫn nại và khéo léo, bạn sẽ có thể chiến thắng mọi đối thủ. Warren Buffett mua siêu thị đồ nội thất Nebraska Furniture Mart vào năm 1983 bởi thích phong cách kinh doanh của người chủ Rose Blumkin.

Là một người Mỹ gốc Nga, bà đã biến một cửa hiệu cầm đồ nhỏ thành cửa hàng trang trí đồ nội thất lớn nhất Bắc Mỹ.

Bà luôn bán hàng thấp hơn giá của các cửa hàng khác và mặc cả đến cùng giá mua vào.

Bà được coi như hiện thân của lòng can đảm và cố gắng đến cùng để chiến thắng trong cuộc chiến khốc liệt.

Chiến lược công ty trong thời kỳ lạm phát

Với khả năng lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới, ngay từ bây giờ các công ty cần có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó hiệu quả.

LTS: BCG Perspective là một tạp chí về chiến lược kinh doanh thuộc BCG, một trong ba công ty tư vấn quản trị hàng đầu thế giới (cùng với McKinsey và Bain & Company). Ngay từ những ngày đầu thành lập vào năm 1963, BCG Perspective đã liên tục đưa ra những báo cáo, nghiên cứu về chiến lược kinh doanh phù hợp với những biến động thị trường. Diễn đàn kinh tế Việt Nam xin trân trọng giới thiệu một trong những báo cáo gần đây về chiến lược doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát.

Khái quát

Lạm phát đối với các hoạt động kinh doanh có ảnh hưởng nhiều khi khó nhận thấy nhưng vô cùng nguy hiểm. Lạm phát giảm lợi nhuân thu được trên thực tế trong khi các nhà quản lý cứ ngỡ rằng công ty mình đang phát triển. Lạm phát cũng khiến mức đầu tư giảm và ảnh hưởng đến phân bổ tài nguyên. Giá trị thị trường suy giảm, cổ phần hầu như không sinh lãi trong thời kì lạm phát.

Đồng thời, cũng giống như bất kì mối đe dọa kinh tế nào khác, lạm phát chính là "lửa thử vàng" dành cho các doanh nghiệp. Những công ty muốn vượt qua các ảnh hưởng tiêu cực của lạm pháp có thể lợi dụng giai đoạn này để đánh bại các đối thủ yếu hơn và nâng lợi thế cạnh tranh của mình.

Bài viết này mô tả quá trình chuẩn bị gồm 2 bước. Bước thứ nhất là xác định, đánh giá các tác động của lạm phát đối với lợi nhuận và vốn đầu tư của công ty, cũng như xem xét khả năng ứng phó hiệu quả đối với các tác động đó. Bước đầu tiên này chính là việc dự đoán ảnh hưởng của lạm phát. Bước thứ 2 là sử dụng kết quả phân tích tác động trên để xây dựng một kế hoạch tổng thể tập trung vào khả năng tác động của lạm phát, và có thể giúp công ty tránh các hậu quả tiêu cực.

Quá trình chuẩn bị hoàn thành càng sớm thì công ty càng có khả năng hạn chế ảnh hưởng của lạm phát đến các hoạt động kinh doanh của mình. Và càng đợi lâu thì việc đối phó hiệu quả với lạm phát càng khó khăn hơn.

Xác định ảnh hưởng lạm phát đến lợi nhuận

Mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến lợi nhuận của công ty lớn hay nhỏ phụ thuộc vào hai yếu tố. Một là khả năng hạn chế sự tăng giá từ phía nhà cung cấp. Hai là khả năng định giá sản phẩm cao hơn mà khách hàng vẫn chấp nhận. Nên nhớ rằng mục tiêu ở đây không phải là bảo vệ công hoàn toàn với lạm phát, và điều này rõ ràng là không thể thực hiện được. Thay vào đó, công ty cần chắc chắn rằng chi phí đầu vào tăng chậm hơn mức tăng của giá bán ra.

Xác định ảnh hưởng của lạm phát liên quan đến việc đánh giá tác động có thể có của lạm phát đối với lãi/lỗ của công ty. Lạm phát tác động đến các loại chi phí khác nhau của công ty ở mức độ nào? Và công ty có thể tăng giá sản phẩm lên bao nhiêu trong thời kì lạm phát? Để trả lời những câu hỏi trên, có 4 yếu tố cần phải xem xét. Đó là: các điều khoản trong hợp đồng của công ty, mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng, mức độ ảnh hưởng của lạm phát đối với nhà cung cấp và khách hàng, và cuối cùng là mức độ cạnh tranh.

Với khả năng lạm phát sẽ tăng trong thời gian tới, ngay từ bây giờ các công ty cần có sự chuẩn bị cần thiết để ứng phó hiệu quả.

Điều khoản hợp đồng

Hầu hết các hoạt động trao đổi kinh tế thường được thực hiện, quản lý thông qua một số dạng hợp đồng (rõ ràng hoặc ngầm hiểu). Chi phí đầu vào thường được quản lý bởi các thỏa thuận ngầm trong bán lẻ, các hợp đồng được chuẩn hóa trên thị trường chứng khoán hay các hợp đồng theo yêu cầu của nhà cung cấp. Giá bán ra thì do các định ước với khách hàng quyết định. Một số hợp đồng có thể không chính thức nhưng vẫn có một số quy định như giấy bảo hành, hay các giao kèo dịch vụ. Để đánh giá tác động có thể có của lạm phát đối với chi phí, giá cả, hay chính là lợi nhuận của công ty, các điều khoản trong hợp đồng cần phải minh bạch, rõ ràng.

Thời hạn hợp đồng là một yếu tố quan trọng, cần xem xét kĩ lưỡng. Ví dụ, về phía người cung cấp, hợp đồng dài hạn chính là một biện pháp bảo vệ trong khi quá nhiều hợp đồng ngắn hạn ở các thị trường giao ngay (trực tiếp) lại làm tăng rủi ro lạm phát. Tương tự, các hợp đồng với giá cố định sẽ giúp tránh các tác động tiêu cực của lạm phát tốt hơn so với hợp đồng với giá có thể điều chỉnh.

Các công ty cũng nên chú ý đến ảnh hưởng tiềm ẩn của các điều khoản có thể thương lượng lại trong hợp đồng. Nhiều hợp đồng dài hạn giá cố định có một số điều khoản quy định mức giá có thể thay đổi khi mức lạm phát vượt quá tỷ lệ nào đó. Ngoài các điều khoản hợp đồng chính thức, các nghiệp vụ bảo hiểm tài chính cũng cần được quan tâm, đánh giá tác động, đặc biệt đối với nguyên liệu thô hầu như được mua bán trên các thị trường dễ biến động. Nghiệp vụ bảo hiểm tài chính có thể giảm hoặc tăng mức độ ảnh hưởng của lạm phát chi phí.

Khi xem xét hợp đồng liên quan đến chi phí đầu vào, các công ty không nên giới hạn phân tích ở chi phí nguyên liệu. Nhiều loại chi phí khác như chi phí nhân công, cũng đóng vai trò quan trọng. Cần phải hiểu rằng tỷ lệ chi phí nhân công tùy thuộc vào các hợp đồng đàm phán tập thể, thời hạn các giao kèo này và mức lương tăng được quy định cụ thể. Đối với các hợp đồng không kết hợp, thời gian trung bình của hợp đồng và mức giá tăng trong thị trường lao động có thể ước tính được.

Dạng hợp đồng cũng có ảnh hưởng lớn đến khả năng của công ty trong việc chuyển phần tăng trong chi phí đầu sang phía khách hàng bằng cách tăng giá sản phẩm, dịch vụ. Hay nói đơn giản, đối với các công ty, các điều khoản hợp đồng càng tạo lợi thế về phía người cung cấp thì càng bất lợi về phía khách hàng. Ví dụ, các giao kèo ngắn hạn với khách hàng thì sẽ giúp ích nhiều cho công ty hơn là các hợp đồng dài hạn, bởi giá cả có thể tăng giảm linh hoạt hơn. Tương tự, các hợp đồng cho phép điều chỉnh giá theo giá cả nguyên liệu thô cũng sẽ giúp hạn chế các tác động tiêu cực của lạm phát.

Mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng

Đương nhiên việc nhận định các điểm yếu trong các hợp đồng hiện có là rất cần thiết, tuy nhiên thay đổi chúng lại là một việc hoàn toàn khác. Việc một công ty có thể áp đặt các điều khoản có lợi mà cả nhà cung cấp và khách hàng chấp nhận hay không phụ thuộc vào sự cân bằng quyền lực trong ngành đó.

Tần số điều chỉnh giá của các nhà cung cấp sẽ khác nhau đối với các ngành kinh doanh khác nhau. Ví dụ, người bán sỉ thực phẩm điều chỉnh giá thường xuyên hơn so với những người cung cấp trong các lĩnh vực khác. Do vậy khách hàng mua thực phẩm thường dễ bị ảnh hưởng bởi lạm phát.

Công ty có tránh được sự tăng giá từ phía nhà cung cấp hay không phụ thuộc vào việc công ty có được vị thế thuận lợi hay bất lợi khi thương lượng. Điều này lại được quyết định bởi tầm quan trọng của công ty đối với nhà cung cấp cũng như năng lực thuyết phục của công ty. Rõ ràng nếu công ty là khách hàng duy nhất của nhà cung cấp hoặc công ty có trong tay nhiều nhà cung cấp tiềm năng khác thì công ty sẽ dễ dàng hạn chế hoặc trì hoãn việc nhà cung cấp tăng giá trong giai đoạn lạm phát.

Vị thế thương lượng của công ty với khách hàng quyết định khả năng áp giá của công ty lên sản phẩm, hay nói cách khác, khả năng chuyển chi phí do lạm phát gây ra sang phía khách hàng và điều này thì phụ thuộc phần lớn vào độ co giãn của cầu theo giá.

Một công ty có thể xác định độ co giãn của cầu theo giá theo 2 cách: ước lượng hoặc phân tích số liệu. Trong một số trường hợp, cần phải phân tích độ co giãn trung bình của giá sản phẩm hoặc giá thị trường theo các đặc điểm cụ thể của khách hàng như độ tuổi, địa vị xã hội, mức độ tham gia của khách hàng trong các chương trình thể hiện lòng trung thành đối với sản phẩm của công ty. Những yếu tố này có thể có ảnh hưởng nhiều đến quyết định của khách hàng khi giá cả biến động.

Ảnh hưởng của lạm phát đến khách hàng và nhà cung cấp

Ngoài việc xem xét những tác động tiềm ẩn của lạm phát đến chi phí đầu vào và giá cả sản phẩm, công ty cũng cần phải nắm rõ những ảnh hưởng của lạm phát đến nhà cung cấp và khách hàng. Công ty càng biết nhiều về cơ cấu chi phí của nhà cung cấp và lạm phát ảnh hưởng tới những cơ cấu này như thế nào thì công ty càng có khả năng dự đoán cách thức mà các nhà cung cấp đối phó với lạm phát để có thể sẵn sàng ứng phó lại.

Tương tự đối với khách hàng, những hiểu biết của công ty về chính khách hàng của mình sẽ quyết định khả năng thành công của kế hoạch tăng giá sản phẩm trong thời kì lạm phát. Rõ ràng, công ty sẽ dễ dàng thương lượng tăng giá với những khách hàng theo đuổi chất lượng, đánh giá cao sự đổi mới và độ tin cậy của sản phẩm hơn đối tượng chú trọng đến giá cả.

Mức độ cạnh tranh

Hầu hết các công ty đều phải cạnh tranh trong những phân khúc thị trường và sản phẩm đa dạng, mà mỗi phân khúc có những tính chất, mức độ cạnh tranh riêng biệt. Mức độ cạnh tranh có ảnh hưởng lớn đến các tác động do quyết định liên quan đến giá cả sản phẩm của công ty gây ra, cho nên mức độ cạnh tranh cũng là một yếu tố cần phải đánh giá. Ví dụ khi thị trường có khá nhiều nhà cung cấp phục vụ cho một số lượng nhỏ khách hàng thì công ty sẽ rất khó tăng giá. Ngược lại, khi thị trường có rất ít nhà cung cấp nhưng lại phục vụ số lượng khách hàng lớn thì công ty có thể điều chỉnh giá dễ dàng hơn. Đương nhiên trong trường hợp này các đối thủ cạnh tranh cũng tăng giá và không có cuộc chiến giá cả nào xảy ra.

Chi phí "bôi trơn" là vấn đề nghiêm trọng

Tại hội thảo công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) và Dự án Sáng kiến năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) tổ chức vào sáng 16/3 tại Hà Nội, các đại biểu tham dự đều có chung một nhận định là hiện nay, khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) đều phải tốn những khoản chi phí không chính thức (còn gọi là chi phí “bôi trơn”) nếu muốn các thủ tục được giải quyết nhanh gọn, hay muốn trúng các gói thầu do cơ quan nhà nước mời thầu.

Việt Nam cần phải giữ gìn hình ảnh để thu hút FDI
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Môi trường kinh doanh của VCCI: “Có 21% DN trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh và 40% trả hoa hồng khi muốn có được hợp đồng từ các cơ quan nhà nước. Về phần các DN FDI, có 18% thừa nhận có chi khoản phí “bôi trơn” để xúc tiến các thủ tục”.

Tương tự, TS. Edmund Malesky, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI, đại diện USAID, cũng đưa ra những con số đáng kinh ngạc: 20% DN FDI đã phải trả khoản phí này khi đăng ký kinh doanh, 40% DN phải chi hoa hồng khi đấu thầu, mua sắm công, 70% DN FDI phải tốn kém cho khoản bôi trơn để thông quan hàng hóa nhanh hơn. Và ông nhận xét: “Chi phí không chính thức là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam”.

Thực tế cho thấy, số DN chấp nhận “bôi trơn” đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Thực ra, chuyện này không còn xa lạ với nhiều người, nhưng điều đáng nói là có không ít DN xem đây là sự hiển nhiên.

Chi phí “bôi trơn” chủ yếu xoay quanh những mối “quan hệ” đôi bên cùng có lợi, và bản chất của mối quan hệ này được luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, chỉ rõ là “một dạng tham nhũng giữa một bên là DN có nhu cầu xin xỏ và đưa lợi ích, còn bên kia là cán bộ, công chức có quyền giải quyết và nhận lợi ích”.

Đây quả là vấn đề không đơn giản, nếu không giải quyết rốt ráo sẽ dẫn đến những hệ lụy cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong khi chúng ta đang muốn thu hút vốn đầu tư từ các DN nước ngoài.

Trước đây, các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chủ yếu dựa trên giá nhân công rẻ và các ưu đãi về thuế, đất đai. Đồng thời, đa phần các DN này đầu tư vào các lĩnh vực gia công, lắp ráp có hàm lượng công nghệ thấp, cần ít hoặc không cần lao động có tay nghề cao.

Tuy nhiên, xu hướng này cần được thay đổi. Điều này có nghĩa là trong tương lai, các lợi thế về nhân công giá rẻ hay các ưu đãi khác sẽ không còn sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà cái chính là sự minh bạch trong chính sách, lao động có tay nghề cao và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi.

Điều này đã được bà Virginia Foote, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (Amcham), xác nhận: “Nhiều DN Mỹ muốn vào Việt Nam, vì danh tiếng của Việt Nam đã được củng cố khi trở thành thành viên của WTO. Nhưng sau lần đầu tiên đến Việt Nam, khi quay trở lại lần thứ hai, thứ ba, họ lại quyết định không đầu tư vào Việt Nam nữa”.

Giải thích điều này, bà Virginia Foote cho rằng, các DN làm ăn thành công tại Việt Nam đa phần có quan hệ quen biết với những người có vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước. Các nhà đầu tư Mỹ không thể hiểu được sự rối rắm của mối quan hệ kinh doanh như thế.

Nhận xét của bà Virginia Foote rất có thể cũng là suy nghĩ chung của các nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc việc đầu tư tại Việt Nam. Điều này không những đã gây rất nhiều trở ngại cho công tác đầu tư, kinh doanh của các DN, mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng và làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư vào Việt Nam.

Theo DNSG