Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Friday, August 31, 2012

Bí quyết giữ "tướng" giỏi của các công ty lớn


Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, việc doanh nghiệp thuê CEO ngoại hay Việt Nam không quan trọng bằng việc sẽ trao quyền cho họ đến đâu.
Dùng người giỏi, cách nào?
Xu hướng thuê CEO người Việt có kinh nghiệm quản lý đã và đang được nhiều công ty Việt Nam học tập. Tập đoàn Vingroup là một trường hợp.
Ngày 14/6/2012, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup ra quyết định bổ nhiệm bà Lê Thị Thu Thủy làm Tổng giám đốc thay cho Tổng giám đốc cũ - bà Mai Hương Nội.
Quyết định này được HĐQT Vingroup giải thích trong thông cáo báo chí gửi cho báo giới là "nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là chuẩn bị cho việc Vingroup sẽ IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) và niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Singapore trong thời gian tới".
Theo thông tin từ tập đoàn này, bà Lê Thị Thu Thủy là một chuyên gia tài chính có uy tín quốc tế. Trước khi gia nhập Vingroup năm 2008, bà là Phó Chủ tịch của Lehman Brothers tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
Vị trí đầu tiên của bà tại Vingroup là Trưởng ban Đầu tư, sau đó là Phó Chủ tịch phụ trách đầu tư. Ở các vị trí này, bà Thủy đã trực tiếp thực hiện thành công nhiều thương vụ quan trọng với đối tác nước ngoài cho công ty, như phát hành 100 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vincom năm 2009 và 185 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế của Vingroup trong năm nay.
Nhưng chỉ thời gian mới có thể trả lời chính xác rằng, bà Lê Thị Thu Thủy - người từng nhiều năm "hít thở" trong bầu không khí quản trị hiện đại của một công ty đa quốc gia (Lehman Brothers) - sẽ "dễ thở" hay "khó thở" tại một tập đoàn tư nhân Việt Nam, nơi vai trò của Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng là rất lớn.
Trong khi đó, nhiều người giỏi của Việt Nam lại có xu hướng đầu quân cho công ty ngoại, đa quốc gia.
Tập đoàn Royal Dutch Shell (Hà Lan) ngay từ khi trở lại thị trường Việt Nam năm 1988, sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, đã đi theo hướng sử dụng nhân sự địa phương (localization) triệt để.
Người Việt Nam có cơ hội nắm giữ chức chủ tịch, vị trí cao nhất của công ty tại Việt Nam, ví dụ như ông Nguyễn Huy Tám. Trong ban lãnh đạo công ty, người Việt chiếm tới 90%. Các vị trí quan trọng như: giám đốc kinh doanh ngành hàng, giám đốc nhà máy, giám đốc tài chính… đều do người Việt Nam đảm nhiệm. Hiện tại, 99% nhân viên làm việc tại Shell là người bản địa.
Theo quan điểm của Shell, tỷ lệ người địa phương trong công ty này không nhất thiết phải là 100%, bởi việc có người nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng là cơ hội cho người bản địa được học hỏi và phát triển, giống như người Việt làm trong môi trường quốc tế. Tương tự là Công ty GE Việt Nam, với 100% các vị trí quản lý trung, cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM có quốc tịch Việt Nam.
Chiến lược giữ chân nhân tài?
Ông Thanh Lê, Chủ tịch Công ty Shell Việt Nam chia sẻ, Shell cũng giống như các công ty đa quốc gia khác đều có chính sách về lương thưởng cạnh tranh, công việc, đào tạo nhân viên, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp và làm việc ở nước ngoài…
Nhưng bên cạnh đó, Shell đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn cho nhân viên thông qua các chương trình nâng cao nhận thức về an toàn lao động, bảo vệ nhân viên tránh khỏi những rủi ro pháp lý có thể xảy ra thông qua những nguyên tắc kinh doanh: yêu cầu nhân viên tuân thủ luật pháp và nghiêm cấm nhân viên có hành vi hối lộ hoặc tham nhũng.
Môi trường làm việc cho phép mọi nhân viên được tự do bày tỏ quan điểm, mọi ý kiến đều được tôn trọng, lắng nghe và sự tham gia của nhân viên với công ty được đề cao.
Một nghiên cứu tại châu Âu cho thấy, những nhân viên có mức độ tham gia cao và làm việc tốt ít rời bỏ công ty so với các nhân viên bình thường khác và có khả năng ở lại làm việc trong công ty cao hơn 9 lần so với các nhân viên có mức độ tham gia thấp.
Trên đây chỉ là một vài trong số rất nhiều trường hợp dẫn chứng cho luận điểm: Chất xám Việt Nam đang "chảy" trong "bộ não" của các công ty toàn cầu.
Trở lại chuyện dùng người của Shell, câu hỏi là yếu tố nào thuyết phục tập đoàn hóa dầu và năng lượng có 90.000 nhân viên tại hơn 80 nước và vùng lãnh thổ này đặt niềm tin vào dàn quản lý người Việt? Câu trả lời có lẽ chính là khả năng và các kết quả kinh doanh mà đội ngũ quản lý bản địa đóng góp, cộng với chính sách "localization" của Shell.
Còn theo bà Nguyễn Thị Vân Anh - Navigos Search - khi nói chuyện với khách hàng của mình, câu hỏi đầu tiên của bà luôn là: "Vì sao anh/chị muốn tuyển vị trí này? Mục đích là gì?". Câu trả lời chính xác của người chủ doanh nghiệp sẽ là chiếc chìa để mở ổ khóa "dùng người".
Theo kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự cấp cao của bà, trước khi muốn tuyển CEO, các chủ doanh nghiệp cần biết mình muốn gì và muốn đưa doanh nghiệp đi đến đâu? Bước tiếp theo là ai sẽ giúp họ đạt được mong muốn đó?
Để giữ chân CEO, nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề tiền bạc, vật chất. Nhưng bà Vân Anh lại cho rằng, đó không phải là yếu tố quan trọng nhất. "Nếu ứng viên CEO nào đặt vấn đề đó là quan trọng nhất thì có lẽ người đó chưa "đủ tầm".
Các công ty nước ngoài thường sử dụng chiến thuật "trao quyền", dành đất "dụng võ" để giúp CEO phát huy hết năng lực, tạo giá trị cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, người lãnh đạo giỏi là người luôn muốn tạo ra giá trị, để lại dấu ấn cho doanh nghiệp và cho xã hội. Và người nào chứng tỏ được tầm của họ, người đó sẽ được tưởng thưởng xứng đáng, khi đó các yếu tố khác như lương, thưởng cũng tự tìm đến".
Đây có lẽ là điều khác biệt đối với không ít doanh nghiệp trong nước, khi nhiều chủ doanh nghiệp vẫn tin rằng đồng tiền có thể "trói chân" CEO làm thuê. Điều gì sẽ xảy ra đối với một nhà quản lý chuyên nghiệp được thuê về điều hành một công ty mà người chủ công ty không tin và trao quyền cho họ, thường xuyên can thiệp sâu vào điều hành với lý lẽ đã trả lương cao là đủ giữ người?
Trong khi đó, cả bà Vân Anh - Navigos Search và bà My Lan - Tổng Giám đốc GE tại Việt Nam, đều đồng tình rằng: "Thương hiệu cá nhân" của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự cam kết lâu dài của đội ngũ nhân viên với doanh nghiệp đó (tiếng Anh có ngạn ngữ People follow people - người giỏi theo chân người giỏi).
Còn phương châm của bà My Lan là "không có ai hoàn hảo, nhưng sẽ có một đội ngũ hoàn hảo". Vì vậy, theo bà, nguyên tắc "People follow people" sẽ phát huy rất tích cực, nếu người lãnh đạo có thể hướng đội ngũ nhân viên của mình đi theo một mục tiêu chung và không lệch ra khỏi văn hóa công ty.
Bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
Một bài học lớn từ chính sách quản trị nguồn nhân lực của các công ty đa quốc gia là họ đều xây dựng chiến lược nhân sự kế nhiệm một cách dài hạn, bài bản. Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam.
Bà My Lan cho biết, công ty bà có chiến lược và hệ thống tuyển dụng, bồi dưỡng, phát triển nhân lực cũng như đội ngũ lãnh đạo kế cận bài bản và rõ ràng. Chiến lược tuyển dụng của GE trước hết dựa trên chiến lược kinh doanh (ngắn hạn) và phát triển (dài hạn) của tập đoàn tại Việt Nam. Từ đó, công ty đưa ra những nhiệm vụ/trách nhiệm cũng như yêu cầu cụ thể cho từng vị trí trước khi tiến hành tuyển dụng.
GE đào tạo và phát triển năng lực của nhân viên ngay từ khi họ chưa có kinh nghiệm, nhằm chuẩn bị cho các kế hoạch phát triển tại thị trường Việt Nam. Công ty có các chương trình đào tạo quản lý như: Commercial Leadership Program (Đào tạo Quản lý Kinh doanh), Financial Management Program (Chương trình Quản lý Tài chính)…
Mỗi chương trình kéo dài trong 2 năm, luân chuyển 6 tháng/lần qua các bộ phận tại các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Mục đích của cách làm này là giúp nhân viên trẻ có môi trường "vừa học vừa làm" và phát triển cùng với công ty, từ đó gắn bó hơn với công ty.
Tập đoàn Royal Dutch Shell (công ty mẹ của Shell Việt Nam) cũng có chính sách nhân sự bao gồm 3 điểm cơ bản: Tôn trọng con người, bình đẳng; Đa dạng và Hòa nhập; Luân chuyển nhân viên (khuyến khích nhân viên thay đổi công việc trong nội bộ sau 3 - 4 năm nhằm phát triển các kỹ năng khác nhau, tạo môi trường/thử thách mới cho nhân viên để họ có thể ở lại lâu dài với công ty).
Sau sự kiện bổ nhiệm CEO mới, bà Lê Thị Thu Thủy, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nói về việc: "Sáp nhập Công ty Vinpearl vào Công ty Vincom và chính thức áp dụng mô hình tập đoàn, có thể nói Vingroup đã bước sang một giai đoạn phát triển mới. Việc có một tổng giám đốc có kinh nghiệm và uy tín trên thị trường quốc tế là rất cần thiết". 

Vì sao Ngân hàng vẫn "tệ quá" cứ lách luật xé rào lãi suất ?


Hiện tại, một số ngân hàng đã tìm cách “lách” quy định của NHNN về lãi suất áp dụng đối với rút tiết kiệm trước kỳ hạn nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được hưởng mức lãi suất tốt nhất. Thậm chí chấp nhận trả lãi suất đôla Mỹ (USD) gấp đôi quy định để có được nguồn ngoại tệ này.
Hiện nay, với khoản tiết kiệm 1 tỷ đồng kỳ hạn trên 12 tháng, được ấn định lãi suất là 10,5%/năm, nếu khách hàng rút ra sau 3 tháng, ngân hàng vẫn thanh toán với lãi suất 10,5%/năm, đúng như cam kết ban đầu, thay vì áp dụng lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn theo quy định.

Tuy nhiên, để đối phó với các quy định của NHNN về trần lãi suất cũng như lãi suất áp dụng với việc rút tiền trước kỳ hạn, Ngân hàng sẽ giữ lại sổ tiết kiệm của khách hàng, đồng thời, làm một sổ vay cho khách hàng cũng có giá trị 1 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm. Điều này có nghĩa, các tháng tiếp theo đó, khoản lãi vay của khách hàng sẽ triệt tiêu phần lãi vay của sổ tiết kiệm, cân đối các tài khoản của ngân hàng.

Hay tại một NHTM khác, lãi suất huy động dài hạn (trên 12 tháng) được tính bằng trần lãi suất 9%/năm theo quy định của NHNN cộng thêm 3%/năm. Nếu khách hàng rút tiền trước hạn (ít nhất sau 1 tháng) vẫn được hưởng lãi suất 12%/năm. Đó là chưa kể, Ngân hàng ưu tiên cho những khoản huy động có kỳ hạn từ 3 - 6 tháng là bởi khoản gửi tiết kiệm này sẽ trượt qua những tháng cuối năm, thời điểm mà các ngân hàng rất quan ngại về vấn đề căng thẳng thanh khoản. Theo đó, lãi suất các khoản huy động trong kỳ hạn này đối với món tiền trị giá 1 tỷ đồng trở lên được Ngân hàng cộng thêm 2%/năm bên cạnh trần lãi suất của NHNN quy định và khoản này được chi ngoài sổ sách; còn những món trị giá 2 tỷ đồng trở lên gửi với kỳ hạn 1 tháng sẽ được cộng thêm 1%/năm.

Thừa nhận cách thức áp dụng lãi suất cho khoản tiết kiệm rút tiền trước hạn trên là “lách” quy định của NHNN, nhưng một cán bộ tín dụng của một trong hai NHTM trên cho biết, họ dù không muốn vi phạm quy định nhưng vẫn phải làm để giữ chân khách hàng. Điều này cho thấy sức khỏe của những ngân hàng này có vấn đề hoặc cố tình làm vậy để duy trì mức lãi cho vay dài hạn cao những khoản vay cho vay cũ và mới dài hạn Vì vậy những vấn đề này cần được"xử lý" ngay bằng không những ngân hàng yếu kém hay tìm cách tự tái cấu trúc mình đi đừng làm ảnh hưởng đến cả hệ thống chính sách tài chính quốc gia. Và làm bất ổn quá lớn đến nền kinh tế gây bao khó khăn cho doanh nghiệp.

Xé rào cả lãi suất huy động USD

Hiện nay một số chi nhánh ngân hàng đang mời chào khách hàng gửi tiết kiệm USD với lãi suất 4%/năm. Lãi suất 2% sẽ được thể hiện trong sổ tiết kiệm, phần còn lại sẽ được trả ngay bằng tiền mặt. Nếu gửi từ 100.000 USD trở lên, lãi suất sẽ là 4,5%/năm. Theo tìm hiểu, tình trạng này đã có khoảng hai tuần nay.

Theo quy định, trần lãi suất huy động USD giới hạn ở 2%/năm. Theo giám đốc phụ trách tiền tệ và thị trường vốn của một ngân hàng nước ngoài, thanh khoản không phải là lý do khiến các ngân hàng này sẵn sàng trả lãi cao hơn so với quy định. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào được thêm 1 tỉ USD dự trữ ngoại hối, cho thấy ngân hàng thương mại không thiếu đôla Mỹ, mà bởi họ đang thu hút tiền gửi để đẩy tín dụng lên.

Trong toàn hệ thống ngân hàng, sáu tháng đầu năm tín dụng chỉ tăng 0,76%. Theo thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt 8 – 10%. Vì vậy, dù đánh giá của ngân hàng Nhà nước là thanh khoản ngân hàng đã ổn định, các ngân hàng vẫn cần tiền gửi dân cư ổn định để sẵn sàng cho việc tăng tín dụng sắp tới.

Các ngân hàng đã chọn phần gửi tiền bằng đôla Mỹ như một nguồn đảm bảo thanh khoản cho họ. Về nguyên tắc, ngoài tiền đồng, khi ngân hàng cần thêm đảm bảo thanh khoản trong lúc nguồn vốn từ vàng đã bị cấm huy động, họ đã tăng huy động USD với chi phí thấp hơn tiền đồng mà tính thanh khoản vẫn đảm bảo.

Do tính thanh khoản không bền vững

Các chuyên gia cho rằng, việc niêm yết công khai các mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi rút trước hạn, các mức phí phạt (nếu có) đối với tiền gửi rút trước hạn không thể hạn chế được tình trạng lách luật.Mà cần có ngay chính sách trần lãi suất huy động là 9% năm ngán hạn còn dài hạn là 11% năm tương tự cho vay không quá 12% năm ngắn hạn và dai hạn không quá 14% năm đối với các cấp độ đối tượng vay cao nhất không thể quá 14% năm kể cả nợ vay cũ cũng phải đưa về theo quyết định từ 15/7 này của NHNN.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, tại thời điểm này, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam được xem là ổn định, một phần vì NHNN điều chỉnh linh hoạt lượng tiền ra/vào lưu thông qua thị trường mở, một phần vì các ngân hàng có nhiều vốn huy động đang trong tình trạng “ứ vốn” do khả năng hấp thụ vốn thấp của nhiều DN. 

Tuy nhiên, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung không bền vững, trong khi vốn huy động chủ yếu ngắn hạn, các ngân hàng cho vay trung và dài hạn vượt xa mức 30% (trên tổng số nguồn vốn ngắn hạn) theo quy định của NHNN. Tình trạng “lấy ngắn nuôi dài” đã đẩy nhiều ngân hàng vào tình thế mất cân bằng về thanh khoản và buộc các ngân hàng này huy động lãi suất rất cao, ngay cả phải vượt trần lãi suất quy định của NHNN. 

Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi đã được NHNN điều chỉnh liên tục trong những tháng đầu năm 2012 xuống 9%/năm cho những kỳ hạn duới 12 tháng như hiện nay. Điều này giúp các ngân hàng kéo lãi suất cho vay xuống một mức thấp hơn để hỗ trợ các DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. 
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất trần cho tiền gửi đã làm tăng sự khó khăn cho các ngân hàng nhỏ và yếu thanh khoản dẫn đến tình trạng nhiều ngân hàng phải sử dụng những chương trình khuyến mại đặc biệt để thu hút tiền gửi từ dân chúng và làm tăng chi phí huy động vốn.
Nhưng tại sao các ngân hàng vẫn không thừa nhận tăng trưởng tín dụng những tháng qua là âm vì nguyên nhân lãi suất quá cao ? Có thể cho rằng một số nguyên nhân khác nhưng nguyên nhân chủ yếu và cốt lõi vẫn là từ lãi vay quá cao khi doanh nghiệp vay không có khả năng chi trả lãi mất dần vào vốn và dẫn đến "nợ xấu" Mạt khác các doanh nghiệp có thể vay thêm để ổn định sản xuất cũng không vay hoặc không vay được với lãi suất thấp vì có duy trì sản xuất kinh doanh mà vay với lãi cao thì lại lỗ hàng hóa giá thành cao không bán được dẫn đến tồn kho và ứ đọng thêm vốn lại chịu lãi mẹ lãi con rồi lại phá sản do vậy không vay để làm gì.

Như thế nguyên nhân 10/10 là do lãi vay quá cao dẫn đến "ế" hoặc tăng trưởng tín dụng âm là quá rõ ràng vậy mà các ngân hàng vẫn cho là không phải. Đừng vì một chút kiếm lời trước mặt mà tìm các thử tục "lách luật vượt rào " để duy trì lãi suất cao làm suy giảm sức sống và hoạt động của các DN sản xuất kinh doanh khác từ đó suy giảm toàn nền kinh tế. Hãy mau chóng kéo lãi suất về theo quy định của luật kinh doanh quốc tế chỉ cho phép dưới 10% năm. Lúc đó các DN dễ thở dần và kinh tế mới có thể phục hồi ổn định và phát triển . 

Phương Mai TH 

Thursday, August 30, 2012

Marketing - cuộc đọ sức về nhận thức của khách hàng


Nhiều người quan niệm rằng marketing là cuộc đọ sức giữa các sản phẩm, và theo thời gian, sản phẩm thắng thế là sản phẩm tốt nhất. Với suy nghĩ này, những người làm marketing thường chỉ nghĩ đến việc "nghiên cứu" và "thu thập dữ liệu thực tế".
Họ phân tích tình hình để tin chắc rằng mình nhận định đúng. Sau đó, họ tự tin giương cờ tiến vào chiến trường marketing, với niềm tin rằng mình cung cấp sản phẩm tốt nhất, và sản phẩm tốt nhất này sẽ giành chiến thắng.
Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Không có yếu tố khách quan nào ở đây cả. Không có dữ liệu thực tế nào cả. Cũng không có sản phẩm nào là sản phẩm tốt nhất cả!

Tất cả những gì tồn tại trong thế giới marketing chỉ là nhận thức - cái tồn tại trong ý thức khách hàng tiềm năng. Nhận thức của khách hàng mới chính là thực tế và quan trọng nhất. Tất cả những cái khác đều là ảo tưởng.
Mọi chân lý đều mang tính tương đối, tùy thuộc vào nhận thức của từng cá nhân. Khi bạn nói: "Tôi đúng, người kia sai" thực ra là bạn đang khẳng định nhận thức của bạn. Trong thực tế, có nhiều người luôn tự cho rằng họ có nhận thức đúng đắn hơn những người khác. Họ có cảm giác rằng mình không thể sai.
Nhận thức của họ chính xác hơn của người đồng nghiệp, của hàng xóm hay của bạn bè người thân. Họ lầm lẫn giữa chân lý và nhận thức cá nhân. Với họ, hai khái niệm này dường như không có sự khác biệt nào.
Nhưng việc phân biệt hai khái niệm thật ra cũng không phải dễ dàng. Và để đương đầu với thực tế đáng sợ là mình trở thành một cá thể cô đơn trong vũ trụ, con người bắt đầu phản chiếu cái tôi cá nhân của mình ra thế giới bên ngoài. Họ "sống" trong thế giới sách, phim ảnh, truyền hình, báo chí. Họ "thuộc về" những câu lạc bộ, tổ chức, đoàn thể, thể chế.
Cái thế giới bên ngoài này dường như lại thật hơn chính cái thế giới tồn tại thật sự trong nhận thức của họ. Thế nhưng thực tế duy nhất mà bạn có thể tin tưởng một cách chắc chắn lại chính là nhận thức, là quan niệm riêng của bạn. Nếu vũ trụ tồn tại, nó tồn tại trong nhận thức của bạn. Đó là một thực tế mà các chương trình marketing phải đối diện. Marketing chính là nghệ thuật xử lý những quan niệm, những nhận thức đó.
Nhiều sai lầm trong marketing xuất phát từ ảo tưởng rằng chúng ta đang đua tranh về chất lượng sản phẩm và cuộc đua đó gắn chặt với thực tế. Tất cả những nguyên tắc marketing mà cuốn "22 quy luật bất biến trong marketing" nêu ra lại xuất phát từ quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Điều mà một số người làm marketing xem là "quy luật tự nhiên" của marketing thì lại dựa trên giả thuyết không hoàn toàn đúng rằng chất lượng sản phẩm là mấu chốt của chiến lược marketing, và rằng việc bạn thắng hoặc thua hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Đó chính là lý do tại sao những hoạt động marketing sản phẩm, được triển khai một cách tự nhiên và hợp lô-gíc, nhưng lại không đạt hiệu quả như mong đợi.
Chỉ có thông qua việc nghiên cứu cơ chế hình thành nhận thức khách hàng và tập trung tất cả các chương trình marketing vào những nhận thức ấy, thì bạn mới có thể chiến thắng được những hình thức marketing theo lối mòn trước đây.
Người làm marketing chú ý nhiều đến dữ liệu thực tế bởi họ tin vào thực tế khách quan. Hơn nữa, người làm marketing thường luôn cho rằng mình đúng. Nếu đã nghĩ "phải có sản phẩm tốt nhất thì mới chiến thắng trong cuộc chiến marketing", thì bạn cũng rất dễ dàng tin rằng mình đã có trong tay sản phẩm tốt nhất. Ở đây, điều cần làm là hãy thay đổi quan điểm của bạn.
Việc thay đổi nhận thức của khách hàng lại là một vấn đề khác. Sau khi có chút ít kinh nghiệm sử dụng một sản phẩm nhất định, khách hàng khẳng định ngay rằng họ luôn đúng. Nhận thức tồn tại trong tâm trí họ thường được diễn giải như chân lý phổ quát.
Bạn hãy xem xét tình huống sau để nhận thấy sức mạnh của nhận thức mà khách hàng áp đặt cho cùng một chủng loại sản phẩm.
Ở thị trường Mỹ, ba thương hiệu xe hơi Nhật Bản bán chạy nhất là Honda, Toyota và Nissan. Nhiều người làm marketing cho rằng cuộc cạnh tranh giữa ba thương hiệu này dựa trên các tiêu chí chất lượng, kiểu dáng, công suất và giá cả. Nhưng thực tế không như vậy.
Tiêu chí quyết định thương hiệu nào sẽ thắng thế phụ thuộc vào việc mọi người nghĩ như thế nào về Honda, Toyota và Nissan. Rõ ràng, marketing là cuộc chiến về nhận thức.

Các nhà sản xuất xe hơi Nhật bán ra thị trường Mỹ cùng loại xe mà họ bán ở Nhật. Nếu marketing quả thật là cuộc chiến về sản phẩm, bạn ắt phải nghĩ rằng ở cả hai thị trường thứ tự về doanh thu của các hãng sẽ như nhau.
Cùng chất lượng, cùng kiểu dáng, cùng công suất, và giá cả tương đương sẽ cho doanh thu tương đương nhau - ở Nhật cũng như ở Mỹ. Nhưng ở Nhật, Honda không phải là công ty hàng đầu về xe hơi. Tại đây, Honda chỉ giữ vị trí thứ ba, sau Toyota và Nissan. Doanh số của Honda chỉ bằng 1/4 doanh số của Toyota.
Như vậy, có điều gì khác biệt giữa Honda ở Nhật và Honda ở Mỹ? Đó chính là: sản phẩm giống nhau, nhưng nhận thức của khách hàng trên hai thị trường này lại khác nhau.
Nếu bạn khoe với bạn bè mình ở New York rằng bạn vừa mua một chiếc Honda, họ sẽ hỏi bạn: "Cậu mua xe hơi gì? Civic? Accord? Prelude?". Còn nếu bạn kể với bạn bè mình ở Tokyo rằng bạn đã mua một chiếc Honda, họ sẽ hỏi bạn: "Cậu mua xe máy gì?" Ở Nhật, Honda được khách hàng biết đến như một nhà sản xuất xe máy, và có vẻ như không ai muốn mua xe hơi do một hãng chuyên về xe máy sản xuất.
Tiếp theo, bạn hãy xem xét tình huống ngược lại: Theo bạn, liệu Harley-Davidson có thành công không nếu họ sản xuất xe hơi hiệu Harley-Davidson? Có thể bạn sẽ cho rằng điều đó tùy thuộc vào sản phẩm mà họ cung cấp - vào chất lượng, kiểu dáng, công suất, giá cả.
Thậm chí có khi bạn còn tin rằng uy tín của Harley-Davidson sẽ là một thứ giá trị gia tăng. Nhưng chúng tôi không nghĩ vậy. Nhận thức của khách hàng về Harley-Davidson - "đây là một công ty chuyên sản xuất mô tô" - sẽ dìm chết chiếc xe hơi hiệu Harley-Davidson, bất kể chiếc xe hơi đó tốt đến mức nào.
Tại sao xà phòng của Campbell là sản phẩm hàng đầu ở thị trường Mỹ mà chẳng được chú ý ở Anh? Tại sao xúp Heinz thành công ở Anh nhưng lại thất bại thảm hại ở Mỹ? Vì marketing chính là nghệ thuật xử lý nhận thức của khách hàng.
Trong lĩnh vực giải khát, nhiều người cho rằng marketing là cuộc chiến về hương vị. Vậy thì, New Coke có vị ngon nhất (hãng Coca-Cola đã tiến hành 200.000 cuộc thử nghiệm và chứng minh được rằng New Coke uống ngon hơn Pepsi-Cola, và Pepsi ngon hơn Coca-Cola Classic - công thức đầu tiên của Coca-Cola, ngày nay được gọi là Coca-Cola cổ điển).

Nhưng ai đã chiến thắng trong cuộc chiến marketing này? Thức uống mà các kết quả nghiên cứu đã chứng minh là ngon nhất - New Coke - chỉ đứng ở vị trí thứ ba. Trong khi đó, thức uống có hương vị kém nhất - tức Coca-Cola Classic - lại dẫn đầu.
Bạn sẽ tin điều gì bạn muốn tin. Bạn sẽ uống thứ gì bạn muốn uống. Marketing sản phẩm thức uống cũng là cuộc chiến về quan niệm chứ không phải cuộc đọ sức về hương vị, chất lượng. Điều khiến cho cuộc chiến trở nên gian nan là khách hàng lại thường đưa ra các quyết định mua hàng dựa theo nhận thức của người khác về thực tế. Đây gọi là nguyên tắc "tất cả mọi người đều bảo như thế".
Ai cũng bảo rằng xe hơi Nhật tốt hơn xe hơi Mỹ. Thế là người ta quyết định mua dựa trên "thực tế" là ai cũng biết rằng Nhật Bản sản xuất xe hơi chất lượng tốt hơn. Hầu hết khách hàng không có kinh nghiệm nhiều về sản phẩm, thậm chí kinh nghiệm của họ thường xuyên bị thay đổi cho phù hợp với nhận thức của họ.
Nếu bạn mua phải một chiếc xe hơi Nhật kém chất lượng thì đấy là vì bạn kém may mắn, bởi vì ai cũng bảo là xe Nhật tốt. Ngược lại, nếu bạn mua một chiếc xe hơi tốt của Mỹ thì: "Bạn may mắn đấy!", vì ai cũng bảo là xe Mỹ chất lượng không bằng.
Mọi người đều đã biết câu chuyện xảy ra với xe hơi Audi. Ngày 23 tháng 11 năm 1986, kênh truyền hình CBS phát một chương trình dài 60 phút mang tên "Ngoài tầm kiểm soát".
Chương trình này khuyến cáo mọi người lưu ý một loạt khiếu nại về chuyện Audi "tăng tốc ngoài ý muốn". Ngay sau đó, lượng xe Audi tiêu thụ ở Mỹ sụt giảm theo đà rơi tự do - từ 60.000 chiếc năm 1986 xuống còn 12.000 chiếc năm 1991.

Nhưng thật ra cá nhân bạn đã bao giờ gặp trục trặc "tăng tốc ngoài ý muốn" khi đi xe Audi chưa? Chưa chắc! Và tất cả các chuyên gia thử xe này đều đã không tán đồng với khiếu nại đó. Thế nhưng cái quan niệm kia thì vẫn tồn tại dai dẳng như một lời thách thức khó chịu cho các nhà lãnh đạo của hãng Audi.

Sau đó, Audi đã chạy quảng cáo so sánh sản phẩm xe hơi của họ với các dòng xe tương tự của Mercedes-Benz và BMW. Và theo mẫu quảng cáo này, các chuyên gia xe hơi của Đức xếp Audi trên cả Mercedes và BMW.

Bạn có tin điều này không? Có lẽ là không.
Liệu họ nói có đúng chăng? Nhưng nếu đúng thì cũng không có vấn đề gì xảy ra. Một lần nữa câu chuyện này lại minh chứng cho quy luật Nhận thức: marketing không phải là cuộc chiến cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, mà là cuộc đọ sức về nhận thức của khách hàng.

Nguồn: nhuongquyenvietnam.vn

Rao bán doanh nghiệp: Tỷ đô có dễ?


Tiếp sau các thương vụ đình đám như Phở 24, Highlands Coffee bán cho Jollibee hơn 20 triệu USD, Masan huy động cả tỷ USD từ nhiều công ty tài chính nước ngoài là các “tin đồn” liên quan đến các vụ mua bán của những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Vinamit, Trung Nguyên hay Kinh Đô.


Đồ họa: Tiến Đạt
“Giậu đổ bìm leo” - những tin đồn vừa cho thấy sự quan tâm của dư luận về số phận của các thương hiệu Việt, vừa cho thấy sức nóng của thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) trong thời điểm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam trước nguy cơ thâu tóm từ các đối thủ lớn nước ngoài.
Tân Hiệp Phát: Tin đồn tỷ đô
Trong hơn 4 năm qua, Tân Hiệp Phát luôn là cái tên được “săn mua” nhiều nhất. Dĩ nhiên, trong làn sóng M&A cao trào hiện nay, cái tên này lại được đưa ra để “định giá”.
“Mọi hoạt động của Tân Hiệp Phát vẫn bình thường, chỉ có điều, có nhiều đối tác đến khiến chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra! Nhưng như vậy chúng tôi cũng thấy đường hướng của mình là đúng”, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, đã trả lời như vậy khi được hỏi về tin đồn: “Tân Hiệp Phát đang rao bán với giá 1 tỷ USD, có đối tác trả một nửa giá này rồi nhưng đã bị từ chối”.

Tuy nhiên, bà Phương không phủ nhận việc Tân Hiệp Phát lâu nay vẫn là đối tượng “tìm mua” của “hầu hết các thương hiệu nước giải khát hàng đầu thế giới”. “Thời điểm năm 2008 khi làn sóng M&A đang phát triển cũng như việc các công ty đua nhau lên sàn, nhiều nhà sản xuất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh đã tiếp cận lãnh đạo Tân Hiệp Phát và đặt vấn đề mua thương hiệu này”, bà Phương cho biết.
Hiện Tân Hiệp Phát có tới 10.000 nhân viên, là thương hiệu hàng đầu ngành hàng nước giải khát, hệ thống phân phối phủ rộng khắp cả nước cùng 40 mặt hàng với sản phẩm chủ lực là trà và nước tăng lực. Vậy nếu bán, Tân Hiệp Phát sẽ được định giá là bao nhiêu, con số 1 tỷ USD liệu là cao hay thấp? Tân Hiệp Phát sẽ chọn phương án “bán” nào, bán trọn hay chỉ gọi thêm vốn?

Công ty Nghiên cứu thị trường ACNielsen đánh giá Tân Hiệp Phát là công ty lớn nhất thị trường với các sản phẩm trà đóng chai, nước tăng lực và bia. Công ty này thường không công bố doanh số nhưng nếu dự tính của Nielsen về thị phần 24% của toàn bộ thị trường đồ uống nhẹ trị giá 2,2 tỷ USD là đúng, thì doanh số của Tân Hiệp Phát vào khoảng 500 triệu USD. Con số này chưa bao gồm bia và sản xuất chai nhựa PET bán cho các công ty khác, vốn chiếm 10% tổng doanh số của Tân Hiệp Phát.

“Việc Tân Hiệp Phát có bán với giá 1 tỷ USD hay không sẽ tùy thuộc vào sự gặp nhau giữa bên bán và bên mua. Tiếp cận theo phương pháp thị trường, nếu giá 1 tỷ USD đủ để làm bên bán thỏa mãn và hài lòng bên mua thì không đắt; nếu không ai mua với giá này thì sẽ đắt và ngược lại nhiều người muốn mua thì sẽ rẻ.

Hiện tại, Tân Hiệp Phát đang đẩy mạnh đầu tư để củng cố vững chắc hơn nữa vị trí dẫn đầu ngành hàng nước giải khát. Dù công suất nhà máy hiện tại ở Bình Dương đã đạt 1 tỷ lít/năm nhưng Tân Hiệp Phát vẫn mở thêm hai nhà máy mới ở miền Trung và miền Bắc với vốn đầu tư 200 triệu USD. Tháng 5 vừa qua, nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai đã khởi công xây dựng, có diện tích 23ha với công suất thiết kế 600 triệu lít/năm, đầu tư mới 100% toàn bộ các dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại nhất từ châu Âu. Dự kiến, vào tháng 12/2013, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động sơ bộ 3 dây chuyền sản xuất. Nhà máy thứ hai đặt ở Hà Nam, có diện tích 15ha, dự kiến khởi công vào tháng 10 năm nay.
Xét về giá trị nội tại thì cần phải ước tính dòng tiền tương lai, và điều này tùy thuộc rất nhiều vào dự báo viễn cảnh tương lai của Tân Hiệp Phát về lợi thế cạnh tranh, viễn cảnh thị trường và các yếu tố liên quan”, ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Masso Consulting, phân tích về khả năng định giá mua Tân Hiệp Phát.

Phân tích trường hợp của Tân Hiệp Phát có thể nhìn nhận lại thương vụ bán Phở 24. Giới kinh doanh gần như chỉ biết đến giao dịch M&A giữa Highlands Coffee và Phở 24 khi nó kết thúc với việc 100% vốn cổ phần Phở 24 thuộc về Highlands Coffee. Giả định giá giao dịch đúng là hơn 20 triệu USD như lời đồn đại trong giới đầu tư tài chính thì cũng khó đánh giá mức này là cao hay thấp.
Tùy vào động cơ và chiến lược của bên mua mà giá trị tích hợp lớn hay nhỏ. Nếu chủ sở hữu mới khai thác thương hiệu Phở 24 cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của họ ở Philippines và dùng nó khai thác thị trường thế giới, khi đó dòng tiền tương lai sẽ rất lớn và con số 20 triệu USD có thể được coi là không hề đắt.

Mặc dù vậy, bà Phương đã phủ nhận việc rao bán Tân Hiệp Phát. “Mục đích của chúng tôi không phải là để thoái vốn. Hoài bão của chúng tôi là xây dựng thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi sẵn sàng mời đối tác nào nếu họ có thể đóng góp trong việc phát triển, tạo thêm cho sự phát triển bền vững của tổ chức”, bà Uyên Phương khẳng định. Cùng với việc đầu tư mở rộng sản xuất, Tân Hiệp Phát cũng đã có kế hoạch niêm yết nhưng thời điểm nào thì chưa thể tiết lộ.
Thủ thuật rao bán
Như một thủ thuật bán hàng, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam dù hoạt động tốt nhưng vẫn rao bán hoặc tìm kiếm đối tác sang nhượng cổ phần vì cho rằng đây là thời điểm các nhà đầu tư “có tâm lý sẽ mua được giá hời”.
Cách đây vài năm, các thương vụ mua bán thương hiệu của Việt Nam đã diễn ra. Tiêu biểu có thương vụ Unilever mua lại thương hiệu kem đánh răng P/S với giá 5 triệu USD; Colgate mua lại thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan với giá 3 triệu USD...
Từ đó đến nay, mỗi năm có tới hàng ngàn DN cổ phần hóa hoặc có nhu cầu thay đổi về quyền sở hữu, cơ cấu lại vốn, đã kéo theo nhu cầu về định giá thương hiệu. Các “tin đồn” liên quan đến việc mua bán các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Tân Hiệp Phát, Masan, Vinamilk... vì thế đang bùng phát kèm theo hàng loạt vụ mua bán có thực như Phở 24, Highlands Coffee, Tribeco hay Diana...

Trong vòng 3 năm trở lại đây, Masan Group (MSN ) đã huy động được hơn 1 tỷ USD vốn (cả vốn vay và vốn cổ phần), chủ yếu từ các định chế tài chính - một kỷ lục đối với các DN tư nhân trong nước.
Danh sách các đối tác của Masan có: BankInvest, Quỹ Vietnam Azalea Fund thuộc Mekong Capital rót thêm 9 triệu USD vào Masan Food, TPG (Texas Pacific Group), House Foods, Mount Kellet và Richard Chandler Corporation, thậm chí có các khoản vay từ IFC và Goldman Sachs. Sự kiện của Masan cho thấy khả năng “rao bán” thương hiệu Việt với giá tỷ USD là hoàn toàn có thể.
Thực tế, nhu cầu về mua bán, nhượng quyền thương hiệu trong kinh doanh đang ngày càng gia tăng. Theo ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch HĐQT Masso Consulting, có rất nhiều động cơ để người chủ muốn bán DN 100%.
Có thể quy mô DN đã quá lớn, vượt quá tầm kiểm soát và quản trị của gia đình, nên bán trước khi xảy ra khủng hoảng; cũng có thể chủ DN đã mệt mỏi vì lý do sức khỏe, hoặc không có người kế thừa, hoặc không còn cảm hứng điều hành, hoặc sức ép tài chính, hoặc cần một số tiền lớn để nghỉ hưu hoặc kinh doanh lĩnh vực khác...
Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là các vụ mua bán nở rộ trong thời điểm hiện nay cho thấy, hoặc các DN Việt Nam đã đuối sức trong khó khăn, hoặc các nhà đầu tư quốc tế cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để mua rẻ hoặc thâu tóm các thương hiệu tốt của Việt Nam.

Chẳng hạn, năm 2011, Viễn Thông A bán 30% cổ phần cho DTMobile, một thương hiệu lớn trong ngành bán lẻ thiết bị viễn thông Nhật Bản. Việc mua bán này giúp cho Viễn Thông A có được một lực đẩy lớn để phát triển.
Tuy nhiên, dường như các cuộc mua bán vẫn không dừng lại. Thời gian gần đây, Viễn Thông A liên tục gặp gỡ các đối tác khác và trở thành thương hiệu được “săn mua” nhiều trong lĩnh vực bán lẻ công nghệ. Theo bà Hoàng Ngọc Vy, Tổng giám đốc Viễn Thông A, với mạng lưới hơn 70 siêu thị và trung tâm bảo hành trên toàn quốc, Viễn Thông A không phát triển đa ngành hay đầu tư dàn trải nên nhu cầu tài chính của Viễn Thông A không bức bách.
Bà cho biết, Viễn Thông A đang chào đón các đối tác thấy được tiềm năng của Viễn Thông A và sẵn sàng nhượng lại cổ phần để có thể mở rộng DN này. “Tuy nhiên, cần lưu ý là chúng tôi mua bán chứ chắc chắn không sáp nhập”, bà Vy khẳng định.

Với trường hợp nhượng 30% cổ phần cho TDMobile trong năm 2011, TDMobile có tham gia vào HĐQT cũng như Ban giám đốc của Viễn Thông A. Thấy được tiềm năng từ Viễn Thông A, nhiều thông tin đưa ra cho thấy TDMobile đã có ý định mở rộng hợp tác, mua thêm cổ phần nhưng Viễn Thông A vẫn còn để ngỏ lời đề nghị này.
Bà Hoàng Ngọc Vy chia sẻ: “Mỗi cổ đông của Viễn Thông A có một giá trị khác nhau. Chúng tôi đang tìm kiếm và thương lượng để có cổ đông mới nếu xét thấy phù hợp với chiến lược phát triển của Viễn Thông A”.

Trong khi thị trường mua bán đang phát triển thì dịch vụ định giá thương hiệu ở Việt Nam còn hạn chế, phần lớn các DN có nhu cầu đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc định giá thương hiệu như thế nào cho hợp lý. Bởi vì có quá ít tổ chức làm dịch vụ thẩm định giá có đủ uy tín và năng lực thực hiện định giá thương hiệu, nhất là định giá các thương hiệu lớn, có uy tín trên thị trường.
Đặc biệt, hành lang pháp lý cho các DN định giá thương hiệu còn thiếu và chưa đầy đủ. Vì thế mới có chuyện cùng một Tân Hiệp Phát mà có tới hai giá “mua”, chênh nhau nửa tỷ USD! Trong khi đó, Tân Hiệp Phát có kế hoạch tài chính rất bài bản thông qua việc thuê các nhà quản lý nước ngoài như Giám đốc Thương mại William Doheny, cựu quản lý của Coca-Cola, và Giám đốc Tài chính Peter Davies từng làm việc cho Công ty Kiểm toán hàng đầu Deloitte.

Công ty Eden được thành lập vào năm 1989 và cổ phần năm 2005, trong đó có 20% vốn của Tổâng công ty Du lịch Sài Gòn. Eden hiện nay tập trung đầu tư nhiều cho các dự án bất động sản du lịch tại Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu và Bình Thuận; dự án nhà ở có Thảo Điền Villa, Bình Trưng Đông và Khu dân cư Bình Chánh 7,5ha.
Eden Group vừa nhận một “chào mua” từ một quỹ đầu tư của Hồng Kông nhưng theo bà Huỳnh Kim Đoan, Phó tổng giám đốc Eden Group, trước khi bán, Eden Group phải xúc tiến hàng loạt công tác chuẩn bị: pháp lý các dự án, kiểm toán theo chuẩn quốc tế, và tái cấu trúc nhân sự hệ thống nội bộ...
Theo luật sư Trương Nhật Quang, Văn phòng luật Công ty YKVN, thị trường M&A Việt Nam mới phát triển trong 4 năm qua, đi từ đầu tư của nước ngoài nên số lượng các công ty tư vấn kiểm toán hay bán chiến lược công ty cũng chưa nhiều. Chỉ có khoảng 4, 5 công ty có thể thực hiện những vụ M&A phức tạp trên thị trường.
Các giao dịch từ 50 triệu USD chắc chắn phải cần cái nhìn nghiêm túc của nhà tư vấn. Các đối tác tư vấn có uy tín thì ngay bản thân họ đã làm tăng giá trị DN.

“Xu hướng bán công ty, thương hiệu Việt cho nước ngoài trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay cũng là một cảnh báo tốt với giới doanh nhân Việt Nam. Họ cần phải tư duy lại về vai trò của mình với DN, cần xác định rõ động cơ kinh doanh kiếm tiền hay tự hào dân tộc, hay cả hai? Sáng lập, chủ sở hữu hay điều hành, hay kết hợp? Người Việt vốn thường xuất thân là kinh tế gia đình, nên việc định vị các yếu tố này thường không rõ ràng và vì thế thường có cảm giác đánh mất công ty khi bán DN. Đã đến lúc họ cần định vị lại vai trò của cá nhân đối với DN trong một nền kinh tế thị trường và tách biệt sở hữu điều hành là việc hết sức bình thường”, ông Thẳng đặt vấn đề.

NGA QUYÊN - Ý NHI

Wednesday, August 29, 2012

Đúng - sai bí quyết "ăn mặn sinh con trai"

“Ăn mặn đẻ con trai”, bí quyết này chẳng biết có từ khi nào, nó được truyền miệng cho nhau để thực hành. Nhưng ít ai biết rằng, ăn mặn không những không đẻ được con trai mà còn khiến bạn mắc nhiều thứ bệnh.

Ăn mặn để sinh con trai

Trường hợp của anh Nguyễn Văn T. (Cầu Giấy, Hà Nội) là điển hình cho việc ăn mặn để sinh con trai. Vợ anh vì muốn sinh con trai nên đã đặt ra chế độ ăn cho chồng theo từng bữa. Khổ nhất là hàng ngày, anh phải ăn những thức ăn rất mặn của vợ nấu. Cái gì cũng mặn, từ thịt, cá, đậu…

Anh T. nghĩ, chắc vợ nghe người ta mách bảo hay đọc ở đâu chuyện ăn mặn sẽ sinh con trai. Suốt thời gian dài phải ăn…“cơm mặn” nên anh thấy chán những bữa ăn gia đình. Thế nhưng, vì chiều vợ, anh cố nhắm mắt nhai rồi nuốt. Nghĩ rằng vợ chuẩn bị một bữa ăn vất vả nên anh không dám nói nhưng cũng chẳng ăn được nhiều. Sinh con trai đâu chưa thấy, anh chỉ thấy người gầy đi và hình như có biểu hiện của bệnh cao huyết áp…

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chế độ ăn là một trong những yếu tố nhằm nâng cao khả năng thụ thai. Tuy nhiên, chế độ ăn hoàn toàn không quyế tđịnh khả năng thụ thai hay sinh con trai, con gái.

Ảnh minh họa.

Sinh bệnh vì ăn mặn

Các nghiên cứu cho thấy, việc hấp thu quá nhiều sodium mỗi ngày khiến cơ thể bài tiết một lượng lớn canxi, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.

Ăn quá mặn cũng dẫn đến ung thư dạ dày, sỏi thận, thận hư nhiễm mỡ và nhất là việc tích trữ quá nhiều sodium sẽ gây ra tác động phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN, khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả…

Theo chuyên gia tư vấn sức khoẻ sinh sản, ngoài yếu tố tâm lý, chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống cũng luôn cần các cặp vợ chồng lưu ý. Chế độ ăn với các thực phẩm chứa kiềm sẽ có lợi hơn cho nam giới, giúp cho dễ dàng sinh con trai. Vì thế, các ông bố thường được tẩm bổ các món như hải sản, đặc biệt là sò huyết, các loại rau xanh, có nhiều chất diệp lục. Ngoài ra, họ được khuyến cáo tránh xa các chất hướng axit, chẳng hạn như bia, rượu, thậm chí có những lời khuyên ăn mặn thường xuyên để sinh con trai. Tuy nhiên, thực tế việc ăn mặn lợi chẳng thấy đâu mà gây nguy cơ gây cao huyết áp, giữ nước, gây cứng cơ... hoàn toàn bất lợi cho sức khoẻ.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ăn mặn là tác nhân gây ra 62% các ca tai biến mạch máu não và 49% các ca nhồi máu cơ tim. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến suy tim. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn nhiều muối hơn mức cho phép thì tỷ lệ mặc bệnh huyết áp càng cao. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng nguy cơ những cơn đau tim và đột quỵ.

TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khẳng định, chế độ ăn hoàn toàn không quyết định khả năng thụ thai hay sinh con trai, con gái mà đó chỉ là yếu tố hỗ trợ làm tăng khả năng có thể.

Việc áp dụng chế độ ăn có nhiều khó khăn, nhất là lựa chọn các món ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, khẩu vị từng người. Và chế độ ăn này phải đảm bảo từ 10 tuần trở lên. Ngoài ra, việc ăn quá mặn hoặc quá nhạt đều dễ gây rối loạn dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của hai vợ chồng, khiến trứng và tinh trùng kém chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến thai.

Theo chuyên gia dinh dưỡng, đối với một số người, để có khả năng thụ thai phải dùng đến các phương pháp hiện đại như định thời điểm giao hợp, thụ tinh trong ống nghiệm, kích thích trứng hay bơm tinh trùng... Tuy nhiên, bất kể cách làm nào cũng không có gì là tuyệt đối 100%, kể cả khi bạn kết hợp nhiều phương pháp. Việc duy nhất bạn có thể làm là nghỉ ngơi, sinh hoạt lành mạnh, thực hiện chế độ ăn uống tốt cho sức khoẻ.

Điều cần chú ý trong giai đoạn thụ thai đó là nên uống nhiều nước, ăn hoa quả, giúp cơ thể thải độc cũng là những việc nên làm. Tránh thức khuya, giờ giấc sinh hoạt không điều độ khiến cơ thể mệt mỏi sẽ sản sinh ra nhiều axit là môi trường không thuận lợi cho tinh trùng phát triển.

36 "luật" truyền thông xã hội


Truyền thông xã hội (social media) chứa đựng trong nó một số "luật" mà tự người tham gia phải ngầm hiểu. Bạn có thể sẽ phì cười với những quy luật dưới đây, nhưng hãy thấm thía nó:

1. Nếu tất cả những gì bạn làm là chăm chăm vào trả lời những phàn nàn của khách hàng, xin chúc mừng, bạn sẽ ngày càng nhận được nhiều phàn nàn hơn và chỉ có phàn nàn thôi.
2. Hãy luôn tự hỏi: Mình có thực sự đang là một cá nhân hoạt động trên mạng xã hội hay đơn giản là một cái máy thu phát nội dung?
3. Mọi khách hàng đều bảo rằng họ sợ bị nhận thông tin quảng cáo. Nhưng sự thật không phải đúng 100% như thế, khách hàng luôn cần thông tin, nếu bạn đưa đến họ thông tin thú vị, họ sẽ tiếp nhận.
4. Khách hàng hành động vì nhu cầu của họ, chứ không phải của bạn.
5. Nếu bạn hành động vì tiền càng nhiều, trải nghiệm của người dùng càng bị thu hẹp.
6. Đừng cố tỏ ra mình thông minh. Hãy khôn ngoan thực sự.
7. Giao tiếp 24/7, hãy nhớ giao tiếp trên mạng xã hội là công việc không mang tính thời điểm.
8. Luôn trả lời lại cho những comment / post của thành viên.
9. Luôn phải tính ROI (*ROI: Lãi trên đầu tư).
10. Khách hàng muốn nói chuyện với một cá nhân đại diện thương hiệu chứ không phải ngồi tán dóc với một cái thương hiệu biết nói.
11. Giải quyết vấn đề của khách hàng, kể cả khi họ chưa (kịp) yêu cầu bạn làm điều đó.
12. Không phải cái gì cũng hoạt động tốt đâu, bình thường thôi mà.
13. Siết lại những phản hồi tiêu cực về thương hiệu của bạn (đừng để nó có cơ hội phát tán rộng).
14. Bất kỳ ai cũng là một người có khả năng gây ảnh hưởng.
15. Nếu fan của bạn muốn đóng góp nội dung, hãy chủ động ngỏ lời giúp họ.
16. Vẫn tốt nếu bạn lái người dùng lên thẳng website của bạn, không nhất thiết là Facebook đâu.
17. Một là cập nhật trang mạng xã hội của bạn, không thì dẹp quách nó đi.
18. Đừng cố đưa người dùng đến X, rồi Y, rồi Z, hãy chỉ dừng lại gắn liền với X và chờ kết quả.
19. Ngày trước: Đưa ra nội dung. Hiện nay: Tối ưu hoá nội dung.
20. Hãy quen với việc phản hồi trên Facebook.
21. Truyền thông xã hội không hoạt động một mình độc lập. Hãy để phương thức truyền thông truyền thống và truyền thông xã hội bổ khuyết cho nhau và tối ưu hiệu quả làm việc.
22.  Máy tính được xem là một lãnh thổ đã bị chinh phục, nhưng điện thoại vẫn còn là một chiến trường dang dở.
23. Nếu anh không thấy được hiệu quả tài chính, anh đang lãng phí tiền bạc của mình.
24. Người ta sẵn sàng chiến đấu vì quyền riêng tư của mình.
25. Cách duy nhất để tăng quy mô của truyền thông miệng đó là mạnh tay chi tiền cho quảng cáo.
26. Hãy làm kế hoạch và dự trù sẵn rủi ro trong đó.
27. Làm ơn đừng dùng quảng cáo để giúp cho nội dung bạn bớt nhàm chán, hãy dùng quảng cáo để đẩy mạnh thêm những nội dung hấp dẫn.
28. Quên đi tính cá nhân, hãy tạo những nội dung thu hút được đám đông.
29. Người ta không thích mua sắm ở nơi mà họ chỉ đến với mục đích giao lưu trò chuyện.
30. Cuộc thi và rút thăm trúng thưởng cũng tốt thôi, nó cần thiết khi bạn muốn xây dựng một mối quan hệ trong ngắn hạn.
31. Người ta quan tâm đến thứ mà bạn ăn cho buổi sáng, chỉ khi nào bạn làm về một nhãn hiệu thức ăn.
32. Hãy tận dụng lợi thế từ Pinterest (mạng xã hội hình ảnh).
33. Fan chính là người sở hữu thương hiệu của bạn.
34. Bạn cảm thấy chán ngấy truyền thông xã hội đó là do bạn cố lấy quá nhiều thứ so với giá trị bạn tạo ra.
35. Hãy xem những thứ phù phiếm của quá khứ chỉ là những gì đã qua.
36. Truyền thông xã hội không đơn giản là một quá trình, nó thực sự là một tổ chức chặt chẽ.

Nguồn: Fast Company

Monday, August 27, 2012

Tiếp sinh lực cho hoạt động bán hàng

Trên thị trường đầy cạnh tranh hiện nay, tiến hành những đợt quảng bá tiếp thị theo cách mới lạ là rất cần thiết. Nếu gặp phải những khó khăn hay cần tái khởi động trong hoạt động bán hàng, bạn nên tham khảo những bước đi dưới đây để tiếp sinh lực cho công việc kinh doanh.


Tái thiết lập cơ chế lắng nghe khách hàng

Cách tiếp thị thông minh phụ thuộc rất nhiều vào việc lắng nghe khách hàng. Không chỉ cần nắm bắt họ là ai và những gì họ mua sắm, mà nên biết cả lý do họ mua hàng và đặc biệt là vì sao họ chọn lựa mua sắm sản phẩm của bạn.

Hãy gia tăng nỗ lực trong việc giao tiếp với khách hàng thông qua truyền thông xã hội, email và blog, đồng thời khuyến khích đội ngũ nhân viên bán hàng đón nhận phản hồi trực tiếp từ khách hàng. 

Thông báo những chương trình quảng bá đặc biệt

Nên vận dụng cách trao thưởng hay chương trình khuyến mãi nhỏ để thu hút khách hàng đến với các đợt tiếp thị ngắn hạn.

Những người tiêu dùng quan tâm đến giá cả luôn tìm đến những gói sản phẩm hoặc dịch vụ có giá tốt và vì thế, khuyến mãi sẽ tiếp tục là cách thuyết phục hầu hết các nhóm khách hàng khác nhau.

Coupon ngày càng có sức hút hơn và một hiện tượng bạn cần lưu ý là đang có sự gia tăng trong việc sử dụng coupon trực tuyến. 

Tân trang hệ thống quản lý khách hàng tiềm năng

Theo dõi khách hàng tiềm năng và lôi kéo họ hành động là điều không thể xem nhẹ trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay. Cần căn dặn các nhân viên khi nhận được cuộc gọi đến của khách phải hỏi khéo rằng họ đã biết đến doanh nghiệp của bạn bằng cách nào. Luôn dõi theo sát sao những người tìm đến doanh nghiệp thông qua các kênh quảng cáo trực tuyến, trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. 

Tập trung vào những ý tưởng mới lạ

Để tạo ra những ý tưởng mới hữu ích, hãy thôi thúc mọi người sáng tạo và cải tiến bằng cách thường xuyên tiến hành các cuộc thi đua động não tìm kiếm ý tưởng mới và khen thưởng thích đáng những cá nhân đưa ra được những ý tưởng xuất sắc. Tái thiết kế những chương trình giữ chân khách hàng. 

Nếu thường xuyên gửi email hoặc thực hiện quảng bá trực tiếp dành cho các khách hàng thì bạn nên dùng email để thông báo đến họ những gói sản phẩm hoặc dịch vụ đặc biệt với giá hữu nghị hằng tuần hoặc hai tuần một lần. 

Sẽ không quá lâu, bạn sẽ nhận thấy rằng đâu là những thông điệp và gói ưu đãi hiệu quả nhất để giữ chân khách hàng và bán được nhiều hàng hơn, đồng thời tìm kiếm thêm khách hàng mới. 

Làm tốt hơn trách nhiệm đối với cộng đồng

Khi mà trách nhiệm xã hội ngày càng được coi trọng, khách hàng luôn muốn doanh nghiệp là công dân tốt trong xã hội nên đây rõ ràng là quãng thời gian tốt nhất để bạn cam kết thực hiện những hoạt động phi lợi nhuận. Nếu có thể, nên tiến hành cung cấp những gói dịch vụ miễn phí hoặc thực hiện những chương trình khuyến mãi nhằm gây quỹ từ thiện. 

Đổi mới nội dung quảng bá

Website thường là nơi đầu tiên khách hàng tiềm năng tìm hiểu về doanh nghiệp và sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp, do đó cần đảm bảo hình ảnh và chủ đề website phải được cập nhật kịp thời. 

Hãy tưởng tượng một khách hàng đang dõi theo trình tự tham quan trên website của bạn thông qua các bước mua hàng được hướng dẫn cụ thể và làm sao để tất cả mọi dữ liệu và thông điệpmà họ tiếp xúc đều phải thật trôi chảy và dễ nhớ.

Với số lượng người mua hằng ngày một tăng trên thế giới trực tuyến, cải tiến website chính là bước đi tuyệt vời để cải thiện doanh số bán hàng.

5 kỹ năng tiếp thị có thể học ở Google

Google - “vua tiếp thị trực tuyến” đã và đang sử dụng nhiều phương thức tiếp thị lạ để tìm khách hàng mới. Theo Wendy Kenny, nhà sáng lập công ty chuyên về tiếp thị và quan hệ công chúng có tiếng tăm là 23 Kazoos ở Phoenix (bang Arizona, Mỹ), tác giả của cuốn sách thuộc hàng best-seller How to Build Buzz for Your Business (tạm dịch: Bí quyết tạo sự chú ý cho doanh nghiệp), các doanh nghiệp nhỏ có thể học được năm kỹ năng tiếp thị dưới đây được đúc kết từ hoạt động của Google.

1. Nhất nghệ tinh


Trước khi tung ra các chương trình định vị và bản đồ (Google Earth, Google Maps) hoặc phát triển hệ điều hành Android, Google đã hoạt động rất hiệu quả ở lĩnh vực tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.

Công nghệ tìm kiếm thông tin của Google đã rất tiên tiến ngay từ khi ra đời và nhờ liên tục cải tiến, đến nay Google vẫn luôn đi tiên phong trong lĩnh vực này. 

Bằng cách cam kết thực hiện phương châm “Nhất nghệ tinh” trong kinh doanh, Google đã xây dựng được uy tín trên thị trường, được đánh giá là trang web tìm kiếm thông tin nhanh, đầy đủ và đáng tin cậy hàng đầu thế giới.

2. Không ngủ quên trên chiến thắng

Mặc dù đã khẳng định được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực tìm kiếm thông tin, nhưng Google không ngừng thay đổi các thuật toán ứng dụng và các chức năng của trang web tìm kiếm thông tin để tạo ra trải nghiệm ngày càng tốt hơn cho khách hàng.

Google hiểu rằng các đối thủ cạnh tranh khác đang nỗ lực để đạt được thành công như mình nên luôn tìm cách đi trước một bước bằng cách không ngừng cải thiện sản phẩm chủ yếu và trình làng thêm những sản phẩm mới. Đây là điều mà các doanh nghiệp nhỏ dù muốn cũng khó làm được.

Sở hữu một sản phẩm tuyệt vời có thể giúp doanh nghiệp vươn lên hàng đầu, nhưng để duy trì vị trí tiên phong, doanh nghiệp phải liên tục đổi mới và mang lại cho khách hàng những điều thú vị mới.

3. Không bỏ nhiều trứng vào một giỏ

Dù đang thống lĩnh thị trường tiếp thị trên internet nhưng Google không bỏ qua việc nghiên cứu cách thức tiếp thị trực tuyến của các đối thủ cạnh tranh và vận dụng nhiều phương thức tiếp thị khác nhau (bằng thư điện tử, bằng thư gửi qua đường bưu điện, qua điện thoại) để tìm kiếm khách hàng mới.

Bằng cách vận dụng nhiều chiến lược tiếp thị khác nhau, Google có thể tiếp cận được tất cả các đối tượng khách hàng tiềm năng, chứ không chỉ riêng những khách hàng đã quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực tiếp thị trực tuyến.

4. Không ngừng sáng tạo

Nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng và đa dạng hóa dịch vụ nên Google luôn cam kết xây dựng một môi trường văn hóa đề cao tính sáng tạo. Chính thái độ cầu tiến này đã giúp Google tạo ra nhiều phần mềm hữu dụng cho khách hàng như Google Earth, hệ điều hành Android và Google Maps.

Mặc dù không phải sản phẩm mới nào của Google cũng thành công (ví dụ trường hợp Google Wave), nhưng nỗ lực sáng tạo ra những sản phẩm mới chính là nền tảng rất tốt để tập đoàn này tiếp tục phát triển thành công nhiều sản phẩm khác trong tương lai.

5. Chú trọng tính hài hước

Google luôn quan niệm rằng làm kinh doanh là đem đến niềm vui cho mọi người. Ít có công ty nào thường xuyên thay đổi logo nhưng không làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhãn hiệu của mình như Google.

Họ luôn tạo ra nhiều thiết kế logo vui nhộn cho Google Doodles nhân những sự kiện và dịp nghỉ lễ đặc biệt. Cách làm này không chỉ mang đến niềm vui cho người sử dụng và cho đội ngũ nhân viên của Google, mà còn tạo ra nhiều cơ hội để đẩy mạnh dịch vụ quảng cáo trực tuyến.

Một điều nữa mà Google đang làm để đem đến niềm vui cho mọi người là ẩn giấu những điều ngạc nhiên nho nhỏ hoặc những mẩu chuyện cười trong chức năng tìm kiếm thông tin. Những điều ngạc nhiên ấy được gọi là Easter Eggs (trứng để mọi người tặng nhau trong lễ Phục sinh), mà trên thực tế là những từ khóa tìm kiếm thông tin có thể cho ra những trang kết quả thú vị.

Chẳng hạn, nếu người sử dụng gõ cụm từ do a barrel roll (hãy xoay tròn) trong ô tìm kiếm thông tin của Google Search thì màn hình máy tính sẽ bắt đầu xoay tròn. Những trò vui như vậy của Google vừa gây sự chú ý cho khách hàng, vừa nâng cao sự gắn bó với khách hàng và giúp họ cảm thấy thỏa mãn hơn.

Nếu muốn chiến thắng, hãy làm điều đối thủ chưa từng nghĩ đến


Tại Trung Quốc, Fairmont đã chiến thắng nhờ nhìn xa hơn tất cả tập đoàn kinh doanh khách sạn tại địa phương và xây dựng hình ảnh đẹp, quan hệ tốt tại địa phương.

Khó khăn: Tập đoàn Fairmont quản lý một chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng trên khắp thế giới, trong đó bao gồm Savoy tại London và Plaza ở New York. Tập đoàn có 3 khách sạn tại Trung Quốc. Khách sạn Yangcheng Lake Hotel ở thành phố Côn Sơn, gần Thượng Hải, Trung Quốc cũng thuộc quản lý của tập đoàn. Khách sạn này hết sức nổi tiếng, đặc biệt với người Thượng Hải.

Thách thức: Fairmont ở thành phố Côn Sơn đối đầu với áp lực cạnh tranh khốc liệt không phải từ các tập đoàn khách sạn quốc tế mà là các tập đoàn nội địa. Ở khu vực Yangcheng Lake, Fairmont là tập đoàn khách sạn nước ngoài duy nhất, 19 khu nghỉ còn lại đều thuộc sở hữu của người Trung Quốc.

Giờ đây, người Trung Quốc không còn coi khách sạn của tập đoàn nước ngoài như biểu tượng của chất lượng vượt trội so với khách sạn tại địa phương. Khách sạn do người Trung Quốc xây dựng cũng đạt chuẩn tương đương quốc tế. Fairmont buộc phải tìm nhiều cách khác để làm cho thương hiệu của mình nổi bật.

Chiến lược: Fairmont hiểu họ cần phải cho người Trung Quốc thấy thương hiệu khách sạn của họ thực sự đáng tin cậy. Để làm được điều này, lãnh đạo tập đoàn quyết định tập trung vào chất lượng của thực phẩm, yếu tố cực kỳ quan trọng trong văn hóa Trung Quốc. Rau sạch, an toàn luôn có giá cao tại các chợ, cửa hàng và nhà hàng.

Gia nhập thị trường Trung Quốc ở thời điểm căng thẳng của công chúng xung quanh vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên rất cao. Nước ngầm bị ô nhiễm, chất hóa học bị sử dụng thái quá dẫn đến nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm. Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã rất cố gắng trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm và nhiễm độc thức ăn.

Triển khai: Sau khi làm việc với chính quyền thành phố Côn Sơn, Trung Quốc, tập đoàn Fairmont đã mở nông trại riêng đủ khả năng cung cấp khoảng 70% nhu cầu của khách sạn. Tập đoàn đặt mục tiêu đưa con số này lên mức 100% vào năm 2013.

Nông trại đã giúp nâng cao hình ảnh và thương hiệu của Fairmont theo nhiều cách. Thứ nhất, thực phẩm được đảm bảo sạch để dành cho khách hàng Thượng Hải giàu có và khó tính.

Thứ hai, khách hàng được khuyến khích đến thăm nông trại và xem trực tiếp hoạt động nuôi trồng. Họ không chỉ biết về công việc tại nông trại mà còn hiểu thêm về văn hóa của thành phố Côn Sơn.

Khách cũng có thể tự lựa chọn thực phẩm riêng cho bữa ăn. Khách sạn cung cấp một gói dịch vụ mà khách tự chọn rau, sau đó xem đầu bếp chế biến thành món ăn. Hơn thế nữa, khách còn được tặng thêm nông sản sạch để mang về nhà khi họ trả phòng khách sạn.

Fairmont đồng thời bán rau thương hiệu của khách sạn trong khu vực thành phố Côn Sơn và dự kiến sẽ bán tại Thượng Hải khi giải quyết được vấn đề phân phối. Nỗ lực của ban lãnh đạo khách sạn đã phát huy tác dụng, người Trung Quốc đánh giá cao thương hiệu khách sạn Fairmont tại nhiều thành phố của Trung Quốc, cả Côn Sơn và Thượng Hải.

Lãnh đạo khách sạn còn quyết định dọn sạch một số kênh đào ở thành phố Côn Sơn, khi đó đang bị ô nhiễm trầm trọng. Sau khi làm sạch, họ thả cá vào nuôi trong kênh đào. Khách sạn nhờ vậy có nguồn cá sạch tại địa phương. Chính quyền thành phố Côn Sơn đánh giá rất cao dự án của khách sạn bởi nó giúp làm sạch môi trường, mang đến việc làm cho người dân địa phương,

Người Trung Quốc đến ở tại khách sạn của Fairmont ngày một đông, họ cảm thấy lãnh đạo khách sạn cùng tôn trọng một chuẩn mực giá trị như họ. Doanh thu, lợi nhuận của Fairmont tăng vọt, công suất phòng luôn ở sát mức 100%.

Bài học: Nếu muốn cạnh tranh, cần phải làm được cái mà đối thủ chưa làm được. Fairmont đã thành công nhờ tạo ra nguồn thực phẩm sạch và mang đến hình ảnh đẹp tại địa phương.

Fairmont như vậy đã làm được điều mà nhiều tập đoàn khách sạn khác chưa bao giờ nghĩ đến. Người ta có thể đưa ra luận điểm rằng khách sạn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chứ không phải nông nghiệp. Thế nhưng Fairmont đã cho thấy việc đưa tầm nhìn ra ngoài lĩnh vực của mình sẽ giúp xây dựng được mối quan hệ bền vững và sâu sắc với khách hàng.

Làm việc tại nhà: Sao cho hiệu quả?


Hiện nay, làm việc tại nhà là sự lựa chọn lý tưởng của nhiều người vì những lợi ích như tiện chăm sóc con nhỏ, tiết kiệm thời gian đi lại, lịch làm việc linh động…

Tuy nhiên, để làm việc tại nhà hiệu quả, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định:

Lập thời gian biểu

Làm việc tại nhà có nghĩa là bạn có thức dậy vào bất cứ lúc nào mình muốn và làm việc bất cứ khi nào phù hợp. Sự linh hoạt là ưu điểm rất lớn khi bạn làm việc tại nhà. Tuy nhiên, bạn vần cần một lịch trình làm việc cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như phân định rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Cố gắng làm việc vào một khoảng thời gian cố định trong ngày.

Có góc làm việc riêng

Ranh giới là điều quan trọng khi làm việc tại nhà, nhằm giúp bạn vừa hoàn thành công việc vừa đảm bảo nó không ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của mình. Bạn nên có một góc làm việc riêng tại nhà thay vì làm việc tại nhà bếp hay phòng khách. Hãy đóng cửa phòng cho tới khi bạn kết thúc công việc trong ngày của mình.

Hạn chế sự xao nhãng

Làm việc ở nhà bạn có thể bị xao nhãng nhiều hơn là ở công sở: hàng xóm ghé qua chơi và “buôn chuyện”, con khóc, bị lôi cuốn bởi một chương trình truyền hình hấp dẫn… Điều này rõ ràng ảnh hưởng tới năng suất và hiệu quả công việc của bạn. Vì vậy, bạn cần hạn chế sự xao nhãng bằng mọi cách như hẹn gặp hàng xóm vào thời điểm thích hợp hơn, không làm việc riêng trong thời gian làm việc cố định… Hãy tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp dù là tại nhà.

Lập danh sách những việc cần làm

Danh sách việc cần làm rất hữu dụng dù bạn làm việc tại nhà hay ở công ty. Nhưng khi làm việc tại nhà, bạn có thể thường xuyên lẫn lộn giữa việc công và việc tư. Vì vậy, một danh sách việc cần lầm được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên sễ giúp bạn biết mình cần làm và nhiệm vụ đã hoàn thành. Chỉ 10 phút lập danh sách trước ngày làm việc, công việc của bạn sẽ được đơn giản và hiệu quả hơn nhiều.

Chuyên nghiệp

Nhiều khi làm việc tại nhà, bạn sẽ dễ dàng quên rằng mình đang làm việc, đặc biệt nếu bạn không thực sự thích công việc của mình. Nhưng hãy cố gắng tạo thói quen của một nhân viên chuyên nghiệp: bàn làm việc gọn gàng, ăn mặc không cần quá trang trọng nhưng cũng không quá cẩu thả, trả lời điện thoại lịch sự… Thói quen chuyên nghiệp không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả ở hiện tại mà còn có tác dụng khi sau này, bạn làm việc ở văn phòng công ty.

Xây dựng mạng lưới quan hệ

Làm việc tại nhà không có nghĩa là tách mình ra khỏi xã hội. Bạn vẫn có thể xây dựng và phát triển các mối quan hệ online, kết bạn, đăng tải trạng thái hiện tại trên mạng xã hội, liên lạc, trao đổi thông tin với đồng nghiệp, bạn bè và tất nhiên không thể thiếu các cuộc gặp mặt trực tiếp. Bạn sẽ không cảm thấy lẻ loi, đồng thời được cập nhật kiến thức về công việc, tiếp nhận những ý tưởng, lời khuyên hữu ích.

10 tuyệt chiêu "săn khách hàng" của SalesForce.com


SalesForce.com là một tập đoàn tiên phong trong công nghệ điện toán đám mây. Giờ đây họ đã trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực này trên toàn thế giới. Thành công trong việc bán dịch vụ vô hình này là một bí quyết quan trọng của tập đoàn này.

SalesForce đúc kết những nguyên tắc bán hàng thành cuốn cẩm nang cho toàn bộ đội ngũ bán hàng của tập đoàn. Một vài ý tưởng trong cuốn cẩm nang này có thể không đột phá nhưng rất có ảnh hưởng nếu ứng dụng vào thực tế.
Những nhân viên bán hàng cừ khôi nhất thường là những người có năng khiếu bẩm sinh, có đam mê và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc làm việc.

1. Hãy nghĩ lớn

Hãy nghĩ lớn khi bạn lên chiến lược với khách hàng và tập trung toàn bộ vào nhu cầu của họ, kể cả những nhu cầu có thể sẽ phát sinh, chứ không phải chỉ là nhu cầu ngay trước mắt.

Nghĩ lớn (đến lợi nhuận và mục đích) khi gửi đề xuất cho khách hàng của mình. Hãy làm cho họ cảm thấy phấn khích khi được kết nối với môt tầm nhìn vĩ mô. Hãy suy nghĩ rộng hơn so với những cơ hội đã có trong quá khứ.

Tương tự, hãy cư xử như thể công ty của bạn đã lớn mạnh, kể cả khi nó chưa như vậy. Khi Salesforce bắt đầu, khách hàng lớn nhất sử dụng 500 tài khoản, khách hàng trung bình chỉ có khoảng 20 tài khoản.

Chúng tôi nói với họ về thông tin ấy, nhưng chúng tôi tập trung vào vị trí mà công ty đang hướng tới, và làm thế nào để từ bây giờ - khi ngành công nghiệp này đang dần biến đổi và Salesforce là những người khởi xướng – khách hàng đã phải mua sản phẩm của họ.

2. Hợp đồng là nỗ lực của cả nhóm

Hợp đồng thành công là thành quả của rất nhiều người. Hãy tin vào những cộng sự của bạn và cùng chia sẻ, cùng thắng lợi. Hãy để những người trong nhóm của bạn cùng chi sẻ rủi ro và trong hầu hết các trường hợp, việc này sẽ giúp bạn bán được nhiều hàng hơn.

Nhóm kinh doanh chuyên nghiệp của Salesforce thường xuyên tổ chức các buổi “thay đổi thông tin tài khoản”, nơi những người quản lý tài khoản giới thiệu về các hợp đồng mà họ đang thực hiện và cùng suy nghĩ về những gì họ muốn xây dựng và những thách thức tiềm ẩn.

3. Kết nối 
Đừng bao giờ thực hiện một cuộc gọi chỉ vì mục tiêu lợi nhuận! Đừng bao giờ thực hiện một cuộc gọi ngẫu nhiên, không hẹn trước; hãy luôn thực hiện một cuộc gọi với một kế hoạch.

Hãy tìm hiểu về công ty đó và sử dụng các mối quan hệ của bạn để tìm ra đúng những người cần tiếp cận. Đội ngũ kinh doanh của Salesforce luôn sử dụng mạng lưới theo cách mà người ta vẫn sử dụng mạng lưới quan hệ kinh doanh trên Linkedln, đặc biệt là khi cần tiếp cận với lãnh đạo hoặc ban giám đốc.

Bằng việc kết nối trực tiếp với lãnh đạo, khách hàng và đối tác hầu như không có hợp đồng nào được ký kết mà không thông qua những người đóng vai trò liên kết như vậy.
Ví dụ, khi cố gắng thu phục CIT trở thành khách hàng của mình, Salesforce nhận ra là Gary Butler, CEO của ADP, một khách hàng của Salesforce, cũng thuộc hội đồng quản trị của CIT.

Vậy là Salesforce tiếp cận với Gary, và ông này đã giới thiệu chúng tôi với CIT. Cuộc gặp đầu tiên giữa Salesforce và CIT là cuộc gặp với giám đốc điều hành đồng thời là chủ tịch của họ, Jeffrey Peek.

Thông qua kết nối các mối quan hệ, Salesforce đã giành được những có hội tưởng như không thể để lên đến cấp độ “cao” trong lĩnh vực bán hàng qua điện thoại. Kết quả của thành công này là thương vụ hàng nghìn người sử dụng và quá trình bán hàng vô cùng ngắn.

4. Tập trung vào câu hỏi “Tại sao không?”

Mọi người thường nghĩ đến những lý do khiến một hợp đồng được ký kết, nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu tập trung vào các lý do khiến hợp đồng KHÔNG được ký kết.

Hãy nghĩ đến 5 hoặc 6 vấn đề có thể là trở ngại cho việc ký hợp đồng. Sau đó phác thảo cách bạn sẽ ứng phó trong những trường hợp ấy trước. Tập trung vào câu hỏi “Tại sao?” khiến bạn trở nên nổi trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng tập trung vào câu hỏi “Tại sao không?” giúp bạn tạo ra được những lợi thế đáng kể để đánh bại họ.

5. Kết thúc hợp đồng trên bàn làm việc

Nếu một hợp đồng đã sẵn sàng, hãy ký kết ngay. Điều này giúp loại bỏ nhiều nguy cơ. Gần đây, khi nhận thấy một hợp đồng trị giá nhiều triệu đô-la có nguy cơ bị hủy bỏ, Salesforce đã làm mọi cách để tạo ra một tình huống cấp bách khiến cho hợp đồng phải được ký kết ngay. Salesforce đã làm tốt: hai tuần sau, CIO, đồng thời là người quản lý dự án với Salesforce đã rời khỏi công ty, nhưng trước đó, hợp đồng đã được ký kết.

Lẽ ra Salesforce có thể tiếp tục đàm phán để có được hợp đồng lớn hơn, nhưng họ đã quyết định thà ký được hợp đồng nhỏ hơn còn hơn là không gì hết.

6. Có mặt kịp thời, đúng lúc

Bạn không thể biết mọi thứ về khách hàng của mình chỉ bằng các cuộc gọi điện. Hãy đến thăm nơi làm việc của khách hàng – thường xuyên. Điều đó thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và khách hàng, khiến họ tin tưởng bạn và tạo ra một sự tương tác.

Phải nắm được các khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn như thế nào. Phải biết bạn nên đến bộ phận nào, làm việc với ai và tại sao. Tập hợp những tin đồn giữa hai bên và sử dụng những thông tin ấy để xây dựng sự tin tưởng của khách hàng tiềm năng.

7. Chuẩn bị trước các giấy tờ

Đừng mải chạy theo với hợp đồng mà quên mất các giấy tờ, hồ sơ. Bạn sẽ phải trả giá vì điều đó.

8. Đàm phán công bằng

Người bán hàng tài ba là người có đủ tự tin để nói “không” trong đàm phán. Nên cân nhắc mọi thứ trước khi bạn quyết định nói đồng ý với bất cứ điều khoản nào.

Đề nghị khách hàng mở thêm tài khoản sử dụng, cụ thể là ngày ký kết hoặc một cuộc họp báo công bố về hợp đồng. Tiết lộ thông tin về những hợp đồng mới trên báo chí, ví dụ như hợp đồng với SunGard, giúp Salesforce có được vị thế và tiềm năng hợp tác với các công ty và tổ chức tài chính khác.

Hợp đồng với SunGard đã chứng thực dịch vụ của Salesforce là đáng tin cậy và an toàn, và giúp họ có được hợp đồng với công ty tiếp theo, công ty dịch vụ tuyển dụng lớn mạnh ADP. (Thông tin có thể tiết lộ về bản hợp đồng là lý giải tại sao công ty đó lại chọn dịch vụ của bạn và bạn đã đánh bại được những đối thủ nào. Tuy nhiên thông tin về giá trị hợp đồng thì không được tiết lộ.)

9. Chia sẻ giây phút chiến thắng

Ăn mừng chiến thắng – và hãy học hỏi từ những thành công ấy. Hãy gửi những bức thư điện tử chúc mừng và những báo cáo tuyệt vời đến mọi thành viên trong nhóm, để họ biết rằng họ đã làm được những gì và tiếp tục sử dụng cách thức đó trong những thương vụ tiếp theo.

10. Đi tiếp

Hãy nỗ lực giành được những hợp đồng mà có thể giúp công ty của bạn bước lên một cấp độ mới.
Các hợp đồng ấy chính là những cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp. Chúng chứng minh rằng công ty đã bán được những mô hình bán hàng và thách thức mọi người bước tiếp đến thứ bậc cao hơn như chinh phục những khách hàng lớn hơn.

Nguồn: nhuongquyenvietnam.com

Friday, August 24, 2012

Xôn xao thông tin dịch vụ của Baidu tại Việt Nam tự ý can thiệp vào máy tính của người dùng


Do chưa được cấp phép, phải sau 2 tuần nữa, người dùng Việt Nam mới có thể sử dụng những tính năng mới của mạng xã hội “Baidu Trà đá quán”. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều bạn đọc, sau khi truy cập vào một số website của “gã khổng lồ” Baidu đang hoạt động tại Việt Nam, máy tính của họ đã gặp phải những hiện tượng lạ.
- Nhiều người dùng đã phản ánh rằng máy tính của họ đã gặp phải nhiều hiện tượng lạ sau khi sử dụng sản phẩm của Baidu tại Việt Nam. 
-Có thể những website này tồn tại những mã độc hay phần mềm gián điệp (có xuất xứ từ Trung Quốc) sử dụng để do thám người dùng. 
-Lợi dụng nhiều kẽ hở trong pháp luật, Baidu đã không đăng kí giấy phép hoạt động tại Việt Nam, không thành lập công ty tại Việt Nam và đặt máy chủ tại Trung Quốc… nhằm được tự do hơn trong hoạt động cung cấp dịch vụ của mình.
Theo phản ánh của báo Người lao động, nhiều bạn đọc đã gửi thư đến báo cho biết máy tính của họ đã gặp phải nhiều hiện tượng lạ sau khi sử dụng sản phẩm của Baidu tại Việt Nam. Khi truy cập vào những website này, người dùng được yêu cầu cài đặt thêm một số ứng dụng vào máy tính (dạng như những plug-in) để có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ. Một số người dùng còn cho biết khi họ truy cập vào những trang này thì Windows hay trình duyệt đưa ra lời cảnh báo trang không an toàn; còn phần mềm diệt virus báo đã phát hiện có virus xuất hiện trong máy.
Baidu là gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và giải trí tại Trung Quốc. 
Còn ICTNews thì cho biết trong số những dự án Baidu đang âm thầm triển khai tại Việt Nam thì dự án phần mềm nghe nhạc TTPlayer (tại địa chỉ vn.qianqian.com) là một trong số những dự án đang nằm trong tầm nghi vấn của các chuyên gia bảo mật về việc tự ý can thiệp vào máy tính của người dùng. Qua kiểm tra của phóng viên, hầu hết những dự án này đều âm thầm can thiệp vào máy tính thông qua việc cài đặt phần mềm, thay đổi trang chủ trên trình duyệt Internet….mà không cần tới sự cho phép của họ. Đây là một hoạt động hết sức nguy hiểm và đầy rủi ro. Đáng chú ý hơn là trong phần “Thỏa thuận dịch vụ” với người dùng (bằng Tiếng Anh) của dự án vn.qianqian.com, Baidu có quy định “người dùng sẽ phải chịu rủi ro khi cài đặt phần mềm vào máy, những khiếm khuyết kĩ thuật, xuất hiện virus…”. Âm thầm cài đặt vào máy tính của người dùng các chương trình lạ rồi lại bắt họ phải đồng ý với thỏa thuận này, không biết mục đích của Baidu đằng sau quy định này là gì?
Theo ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena; có thể những website này tồn tại những mã độc hay phần mềm gián điệp (có xuất xứ từ Trung Quốc) được sử dụng để do thám người dùng. Khi họ truy cập vào những website này hay cài đặt ứng dụng, mã độc sẽ được phát tán, xâm nhập máy tính, thu thập, chiếm đoạt các thông tin trên máy tính như tài khoản, email, thông tin cá nhân…Ông Thắng cho biết thêm nếu người dùng gặp phải tình trạng này, họ nên gỡ bỏ ứng dụng đã cài, quét virus cho máy tính và tốt nhất là mang máy tới cho chuyên gia xử lí triệt để.
Làn sóng "tẩy chay" Baidu Trà đá quán của cư dân mạng đang dâng cao tại Việt Nam...
Xin được nói thêm rằng, đây là một hình thức phát tán mã độc không mới. Đầu tháng 6 năm nay, người dùng Facebook cũng từng gặp phải tình huống tương tự khi xem những video clip được chia sẻ trên mạng xã hội này. Một đề nghị tải về và cài đặt Plug-in Youtube được hiện ra; tuy nhiên nếu người dùng “vội vàng” tin theo, họ “vô tình” đã rước virus vào máy tính của mình; tạo điều kiện cho chúng kiểm soát và chiếm dụng thông tin trình duyệt web.
Bên cạnh đó, việc ra mắt “Baidu Trà đá quán” cũng đặt ra một mối lo ngại khác, đó là việc kiểm soát những nội dung được đăng tải lên trang mạng này. Lợi dụng những kẽ hở, thiếu sót trong Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet để tiến hành hoạt động tại Việt Nam; Baidu đã không đăng kí giấy phép hoạt động tại Việt Nam, không thành lập công ty tại Việt Nam, máy chủ đặt tại Trung Quốc…nhằm được tự do hơn trong hoạt động cung cấp dịch vụ của mình. Từ đây dễ dẫn tới tình trạng thất thu thuế, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng ngành và quan trọng nhất là hạn chế khả năng kiểm soát nội dung của các cơ quan chức năng Việt Nam. Từ thực tế đang diễn ra, có thể thấy nghi vấn của phần đông cư dân mạng về khả năng này không phải là không có cơ sở.

Trong khi đó, theo ông Trần Minh Tân, phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thì trung tâm của ông đã cấp tên miền tieba.baidu.com.vn của mạng xã hội “Baidu Trà đá quán” cho hãng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến và giải trí Trung Quốc Baidu. Đây là việc làm hết sức bình thường bởi tên miền chỉ là một công cụ để truy cập vào website. Còn về việc xuất hiện nhiều nguy cơ bảo mật thông tin trên mạng xã hội này, ông cho biết đây là trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lí nội dung. Việc thu hồi tên miền chỉ được tiến hành khi Cục quản lí PT – TH thanh, kiểm tra và trực tiếp phát hiện ra sai phạm (nếu có).
 GenK Tổng hợp

Hà Nội: Hơn 7.700 doanh nghiệp “biến mất” trong 5 tháng


Tính đến hết tháng 5/2012, số doanh nghiệp trên địa bàn Tp.Hà Nội ngừng hoạt động là 7.745 doanh nghiệp. Đây là một trong những con số đáng chú ý trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2012 của UBND thành phố Hà Nội.
Khai mạc kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XIV, nhiệm kỳ 2011-2016.
Trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, khóa 14 - Hội đồng nhân dân thành phố sáng nay (10/7), Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2012 ước tăng 7,6%, thấp hơn kế hoạch cả năm và mức tăng cùng kỳ của các năm trước. Tuy nhiên, tình hình kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn khi tổng sản phẩm quý 2 ước tăng 7,9%, cao hơn mức tăng của quý 1 (7,3%).

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, chi phí gia tăng, sức mua giảm, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho tăng. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) cộng dồn từ đầu năm đến hết tháng 6 so với cùng kỳ năm trước ước tăng 4,8%. Tuy nhiên, IIP của 6 tháng năm 2012 đã lớn hơn 1,7 lần IIP của quý 1.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, ngành xây dựng trên địa bàn gặp khó khăn, nhiều dự án đầu tư xây dựng và khu đô thị trên địa bàn phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ do thị trường bất động sản trầm lắng và ảnh hưởng của việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt ...

Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng thừa nhận, chỉ số giá tiêu dùng vẫn ở mức cao, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất cao đã hạn chế mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp tăng chậm dần.

Tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới giảm so với cùng kỳ, số dự án ngừng hoạt động có xu hướng tăng. Tính đến hết tháng 5/2012 có 123 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới và tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 381,3 triệu USD (bằng 42% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, số dự án cấp mới là 73 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 165,4 triệu USD; số dự án điều chỉnh tăng vốn là 50 dự án với tổng vốn tăng thêm đạt 215,9 triệu USD.

Số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2011. Sáu tháng đầu năm 2012 ước có 7.790 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 52.410 tỷ đồng, bằng 46% về số doanh nghiệp và 44% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.

Đáng chú ý, doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2012, số doanh nghiệp trên địa bàn ngừng hoạt động bằng 68% của cả năm 2011, với 7.745 doanh nghiệp, trong đó, 1.182 doanh nghiệp giải thể và chờ làm thủ tục giải thể, 2.713 doanh nghiệp bỏ kinh doanh, 2.859 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Có 17 dự án có vốn đầu tư nước ngoài ngừng hoạt động do gặp khó khăn hoặc đang tìm địa điểm kinh doanh khác. Trong đó, 12 doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh; 7 doanh nghiệp đã giải thể với số vốn đầu tư 1,42 triệu USD.

Theo kế hoạch,tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ xem xét và quyết nghị một số nội dung quan trọng như: thông qua 6 quy hoạch ngành liên quan đến sử dụng đất, giao thông vận tải, thoát nước, thủy lợi, văn hóa, du lịch của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; thông qua hai chương trình mục tiêu về giảm ùn tắc giao thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố giai đoạn 2012-2015…

VnEconomy