Welcome to CEO Meeting Room

Chào các anh chị và các bạn. Như một thông lệ của tự nhiên "có tái hợp và sẽ có chia ly". Chúng ta đã có duyên gặp mặt cũng sẽ phải có lúc chia xa. CEO Meeting Room này được thành lập với mong muốn duy trì sự liên kết giữa các anh chị em chúng ta. Nơi đây sẽ là "không gian" gặp mặt online của các thành viên lớp nói riêng và các anh em bạn bè nói chung. Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những kinh nghiệm, những ước mơ, những hoài bão để cùng nhau xậy dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngoài sự tham gia nhiệt tình của các anh/chị em trong thành viên lớp, chúng tôi rất sẳn sàng giao lưu với tất cả các bạn trên khắp Thế Giới, để cùng nhau chia sẽ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức...với mong muốn làm cho thế giới ngày càng giàu mạnh và xanh tươi hơn. Hoan nghênh chào đón các bạn. Thanks.

Friday, July 27, 2012

Giữ chân nhân tài


Một trong những trách nhiệm quan trọng của nhà quản trị doanh nghiệp là tuyển dụng được nhân tài và biết giữ họ làm việc lâu dài tại doanh nghiệp vì tài năng của họ góp phần không nhỏ, trong nhiều trường hợp còn có tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp. Thỉnh thoảng lại có người hỏi tôi: "Anh làm cách nào để giữ được những người giỏi nhất?". Câu trả lời của tôi rất đơn giản: "Hãy đối xử với nhân viên của bạn như đối với khách hàng".
Sản phẩm quan trọng nhất của doanh nghiệp do tôi lãnh đạokhông phải là dịch vụ tuyển dụng, mà là "làm việc tại công ty tôi". Tôi hình dung rằng đầu mỗi buổi sáng, nhân viên của tôi thức dậy và tự hỏi: "Hôm nay mình có muốn mua dịch vụ của VietnamWorks và Navigos Search nữa không?".
Khi câu trả lời là "Có" thì họ sẽ ở lại công ty. Ngược lại, nếu "Không" là câu trả lời, họ sẽ quyết định ra đi. Ai cũng trả lời "Có" nghĩa là tôi đang giữ được nhân tài, chỉ đơn giản vậy thôi.
Nhưng thông thường sẽ có ngay một câu hỏi nữa: "Vậy làm sao anh có thể làm cho nhân viên dưới quyền có thể mua sản phẩm của anh mỗi ngày?". Câu trả lời cũng đơn giản: "Tôi tập trung vào việc gia tăng giá trị cho sản phẩm để giá trị sản phẩm của chúng tôi luôn cao hơn giá trị của sản phẩm do đối thủ cạnh tranh cung cấp".
Do đó, tôi cho rằng cốt lõi của vấn đề giữ chân nhân tài là tìm hiểu các nhân viên, cũng là những khách hàng của tôi, muốn gì và đem lại cho họ những gì họ muốn.
Tôi nhận thấy rằng những khách hàng tốt nhất luôn muốn những điều giống nhau, chẳng hạn cơ hội được đào tạo, được làm việc trong một môi trường thoải mái và vui vẻ, có chế độ phúc lợi tốt, có nhiều thách thức và cơ hội phát triển và quan trọng nhất chính là công việc phải có ý nghĩa và khi nhân viên hoàn thành tốt công việc thì phải có sự tưởng thưởng xứng đáng.
Tôi nghiệm ra những điều này vì thấy ai cũng mong muốn như vậy cả. Nhưng quan trọng là phải THỰC HIỆN để biến những điều ấy thành HIỆN THỰC.
Vậy bạn làm gì để đào tạo nhân viên mình? Bạn có thật sự đầu tư tiền bạc và công sức? Bạn có tạo ra một môi trường thân thiện, cởi mở, vui vẻ và thoải mái cho mọi người? Bạn có tạo cơ hội cho nhân viên thăng tiến?
Bạn có nói về sứ mệnh của tổ chức mình và ý nghĩa của công việc với các nhân viên để họ hiểu những giá trị họ tạo ra có thể làm thay đổi cuộc sống của những người xung quanh?

Bạn có thường xuyên khen ngợi nhân viên khi họ làm việc tốt không? Bạn có thường xuyên thử thách nhân viên mình để họ không cảm thấy chán nản? Bạn có chế độ thưởng cho nhân viên khi họ tạo nên những giá trị xuất sắc?
Tại công ty của mình, chúng tôi có những khóa học được xây dựng dựa trên nhu cầu thật sự của từng nhóm nhân viên, chẳng hạn tất cả nhân viên lần lượt đều trải qua những khóa học về thuyết trình, đàm phán và giao tiếp.
Những người ở vị trí quản lý đều được học về kỹ năng lãnh đạo, trong đó tập trung vào kỹ năng tuyển dụng và động viên nhân viên dưới quyền.
Khóa học MBA do tôi đứng lớp sẽ dành cho những ai báo cáo trực tiếp cho tôi, giúp họ nâng cao những kiến thức về chiến lược kinh doanh, các báo cáo tài chính hay chiến lược thương hiệu, marketing, định giá sản phẩm...
Ngoài ra, chúng tôi tạo điều kiện cho những nhân viên chủ chốt được học trực tiếp từ những bậc thầy nổi tiếng thế giới như John C. Maxwell, Jack Canfield, Dave Ulrich hay Brian Tracy.
Về khen thưởng động viên, chúng tôi tạo ra những giải thưởng rất thú vị. Mỗi tháng, nhân viên tiêu biểu nhất sẽ được chọn trao "Sprit Award" - giải thưởng tôn vinh các cá nhân thể hiện tinh thần và giá trị của công ty một cách xuất sắc.
Ngoài ra, chúng tôi có giải thưởng "$2 Award" dành cho những cá nhân có ý tưởng hay, nhưng phải biến ý tưởng đó thành hiện thực. Tất cả nhân viên đều thích thú với giải thưởng này vì họ thấy mình được lắng nghe, được hỗ trợ và được tôn trọng.
Một giải thưởng nữa chúng tôi cũng đã tạo ra là "Rocket Award". Dựa trên ý tưởng tốc độ cực nhanh của tên lửa khi được phóng lên, giải thưởng này dành cho cá nhân nào đã vượt qua mọi trở ngại với một tốc độ "không thể cản nổi" để cuối cùng đạt được mục tiêu lớn.
Phần thưởng là một mô hình một người đang lái tên lửa với khuôn mặt của chính cá nhân được trao giải.
Tạo ra một môi trường thân thiện, vui vẻ và thoải mái là mục tiêu không chỉ của tôi mà còn của cả ban giám đốc. Ngày nào có sinh nhật của nhân viên thì ngay đầu giờ buổi sáng, tôi đến bàn làm việc của người đó, cất tiếng hát "Happy Birthday" và làm cho người đó cùng mọi người xung quanh được vui vẻ thoải mái bằng một câu hỏi, sau đó là một lời bình dí dỏm.
Với tôi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Tôi muốn truyền năng lượng và nhiệt tình của mình đến cho tất cả dream-maker (chúng tôi gọi nhân viên mình là các dream-maker) vì chính họ là những người tạo nên thành công cho doanh nghiệp.
Để giúp các nhân viên hiểu ý nghĩa công việc họ đang làm, các nhà quản trị doanh nghiệp phải thường xuyên nói chuyện với họ về sứ mệnh và mục tiêu chung của công ty và của từng bộ phận, từng nhóm.
Quan trọng hơn, khi nói chuyện với họ, chúng tôi gắn kết mục tiêu của từng cá nhân với mục tiêu của công ty, cho họ thấy chúng tôi luôn hỗ trợ để họ thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của từng người, trong khi vẫn cống hiến và đem lại những điều có ý nghĩa cho cộng đồng xung quanh.
Nhờ vậy, nhân viên của chúng tôi hiểu được giá trị công việc mà họ làm cũng như những giá trị mà họ tạo ra mỗi ngày.
Chúng tôi tin rằng những việc kể trên được thực hiện thật tốt hằng ngày, các dream-maker của chúng tôi sẽ chọn "sản phẩm" của mình thay vì chọn "sản phẩm" của đối thủ.
(Theo Doanh nhân Sài Gòn)

Tri ân nhân viên: Làm sao để đạt hiệu quả cao nhất?


Có nhiều phương pháp để giúp người lãnh đạo bày tỏ sự biết ơn đối với đội ngũ cộng sự nhưng nhiều khi, tiền bạc không phải là "cây gậy quyền năng" để nâng cao tinh thần cống hiến.
Khi những nhân viên trong công ty đáp ứng đủ hoặc thậm chí còn vượt trên cả sự kỳ vọng của bạn, việc chúc mừng họ là điều bắt buộc phải làm. Tuy nhiên những buổi tiệc chiêu đãi xa hoa hay những tấm bằng chứng nhận đắt tiền lại không hẳn là hữu ích cho việc thể hiện sự cảm kích của bạn đối người nhân viên đó. Mặt khác, bạn cũng không muốn các nhân viên của mình nghĩ rằng bạn làm những việc đó là do truyền thống công ty hoặc phải làm do bắt buộc.
Lòng biết ơn phải xuất phát từ sự chân thành và cũng không nên tiêu tốn quá nhiều tiền bạc. Dưới đây là một vài phương pháp giúp bạn thể hiện sự tri ân đối với những thành tích xuất sắc của nhân viên mà không làm hụt hao quá nhiều ngân quỹ hay gây nên sự giả tạo.
Thời gian làm việc linh hoạt
Một trong những yếu tố mệt mỏi nhất của công việc full-time đó chính là thời gian làm việc luôn cố định và gò bó, thậm chí cả trong những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên đôi khi trong thời gian làm việc lại xuất hiện những việc bất ngờ mà các nhân viên cần giải quyết như đến văn phòng bác sĩ, qua ngân hàng rút tiền hay thậm chí là đến gặp giáo viên của con cái. Một số buổi gặp gỡ như vậy rất khó để xếp lịch khi một người đang làm việc theo giờ hành chính. Thời gian cho buổi gặp mặt lại phụ thuộc vào vị bác sĩ kia hay cô giáo đang dạy con họ, có thể là chỉ sắp xếp được 1 buổi mỗi tuần hoặc mỗi tháng và bất hạnh thay, thời điểm đó vẫn nằm trong lịch làm việc của họ.

Rất khó để biết chính xác thời gian cho những việc cá nhân mà nhân viên của bạn bắt buộc phải giải quyết. Vì vậy, nếu bạn tạo cho họ sự linh hoạt hơn về mặt thời gian, đó có thể là phần thưởng tuyệt vời nhất mà bạn ban tặng. Bạn không nên cho phép tất cả nhân viên đựơc hưởng "món quà" này - có được vài tiếng quý giá vắng mặt ở công ty và sau đó làm bù sau. Nếu bạn ban phát đặc ân này cho toàn bộ công ty, những cá nhân lười biếng sẽ hưởng lợi từ việc đó. Nhưng nếu chỉ có những ai đã làm việc chăm chỉ và quan tâm tới sự phát triển của doanh nghiệp được ưu đãi về lịch làm việc, sẽ chẳng có lý do gì mà họ không cống hiến tận tuỵ hơn,
Thư cảm ơn viết tay
Trong kỷ nguyên hiện đại ngày nay với tràn ngập các công cụ như thư điện tử, máy fax, skype, twitter hay facebook, chúng ta đang kết nối với phần còn lại của thế giới theo cách chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Giờ bạn không cần phải đến tận khu vực của nhân viên để nói chuyện nữa, thay vào đó, bạn chỉ đơn giản soạn nội dung trên công cụ mạng, nhấn nút send và mọi nhân viên đều nhận được. Hành động đó tuy nhanh, hiệu quả nhưng lại lạnh lùng và vô hồn. Bạn có thể gửi 2 chữ "Thank you" rất nhanh khi người nhân viên hoàn thành việc gì đó nhỏ và đơn giản.


Với những dự án lớn hơn, cả về quy mô lẫn tầm quan trọng, ngoài việc xướng danh họ tại những buổi lễ công ty, bạn nên viết những lá thư tay cảm ơn. Nghệ thuật viết thư tay giờ đang bị xem nhẹ trong cuộc sống hiện đại. Nhưng nếu bạn nhận được một phong bì thư trên mặt bàn làm việc khi đến công ty buổi sớm, mở ra và đọc được lời cảm ơn chân thành vì những đóng góp vừa qua, bạn sẽ thực sự rùng mình sung sướng và chắc chắn, nhân viên của bạn cũng sẽ cảm thấy tương tự.
Cơ hội mở rộng quan hệ
Những khoản tiền thưởng dù rất có ý nghĩa và mang thái độ tốt nhưng lại không giúp gì nhiều cho sự nghiệp sau này của các nhân viên, đặc biệt là nhân viên trẻ. Thứ khó khăn nhất trong việc xây dựng một sự nghiệp cho cá nhân đó là việc bạn cần kinh nghiệm để có được công việc mình mong muốn. Đặc biệt là những kinh nghiệm tích luỹ được từ nơi làm việc đầu tiên. Một cách hay để phá vỡ rào cản trên chính là thông qua mạng lưới quan hệ. Khi bạn đã có được vị trí cao trong công việc, hãy cân nhắc việc giới thiệu những nhân viên xuất sắc tới những nhân vật có tiếng tăm mà bạn quen biết.


Bạn không nhất thiết phải thuyết phục họ về tầm quan trọng cũng như năng lực của người nhân viên. Đó là việc của họ - một khi họ đã thể hiện được trước bạn, họ sẽ có cách bộc lộ trước những người bạn giới thiệu. Với những nhân viên đã đi theo bạn suốt cuộc hành trình sự nghiệp cho tới nay và đã có những đóng góp không biết mệt mỏi, hãy trả ơn bằng cách trở thành người bảo trợ đầy tin cậy của họ. Phần lớn mọi người đều cố gắng phát triển sự nghiệp để vươn tới sự thành đạt, và bất cự trợ giúp nào cũng luôn được thực sự trân trọng.
Những món quà ý nghĩa
Hãy nhớ rằng yếu tố then chốt để việc khen thưởng đạt hiệu quả cao đó là việc khiến những nhân viên giỏi cảm thấy sự ưu đãi khác biệt và nhắm đúng vào những điều họ mong mỏi. Nếu nhân viên là nữ giới, việc tặng họ những chiếc thẻ mua hàng giảm giá hay những chiếc vé tham dự sự kiện thời trang là một cách làm hay vì nó hướng đến đúng nhu cầu của phần lớn phái đẹp. Nếu nhân viên là nam giới và là người đàn ông yêu con cái, hãy tổ chức những buổi tiệc cho con em công nhân viên chức trong công ty, để con họ có thể vui chơi và thể hiện khả năng của mình. Hoặc đơn giản là tặng những đứa bé món quà ý nghĩa vào dịp sinh nhật chúng. Điều đó sẽ có ý nghĩa gấp ngàn lần những con số tăng lên trong tài khoản.


Để làm được những việc trên, điều cần thiết là người lãnh đạo phải thực sự có tâm với nhân viên, đồng thời phòng nhân sự phải hoạt động hiệu quả. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh gia đình, sở thích hay thói quen của nhân viên sẽ giúp chúng ta xây dựng được những phương pháp khen thưởng đầy hiệu quả mà lại ít chi phí.
Yếu tố cốt lõi
Tuy nhiên xét cho cùng, những buổi lễ tuyên dương hay các khoản tiền thưởng cũng là hành động không thể thiếu. Lưu ý rằng khen thưởng ai thì nên thực hiện trước đám đông vì điều đó sẽ làm họ vinh hạnh và tự hào, nhưng chê trách thì lại dừng ở phạm vi cá nhân để họ cảm thấy biết ơn vì không bị tổn hại cái tôi của mình. Nắm được những quy tắc cơ bản của hành động tri ân cũng như có tấm lòng cảm kích chân thành, người lãnh đạo sẽ luôn phát huy được tối đa nguồn lực con người trong mỗi doanh nghiệp.
(Theo TTVN/Foxbusiness)

Sắp có đợt giảm lãi suất tiếp


Quan sát thị trường tài chính vài tuần qua, các chuyên gia kinh tế và tổ chức tài chính cho rằng đang có tín hiệu của một đợt giảm lãi suất tiếp theo, mức độ giảm sẽ không còn mạnh như nửa đầu năm 2012.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam, Ngân hàng (NH) Standard Chartered nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm 1% lãi suất trong quý III/2012, kéo theo lãi suất cơ bản giảm xuống 9% vào cuối năm 2012. NH HSBC và JPMorgan Chase cũng đưa ra dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ giảm lãi suất thêm 2%.

Giảm nhưng thận trọng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, Việt Nam vẫn còn dư địa giảm lãi suất. Lạm phát đã thấp xa so với chỉ tiêu đặt ra (dự báo lạm phát cả năm thấp nhất là 4,6%, cao nhất 6%) đòi hỏi phải có sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. "Vấn đề nóng nhất hiện nay là tiếp tục hạ lãi suất hay dừng lại ở mức trần 11% như hiện nay" - TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế này, Việt Nam đã có thời gian dài duy trì lãi suất nội tệ cao hơn nhiều so với lãi suất ngoại tệ. Cụ thể là trần lãi suất huy động nội tệ là 14% (thực tế còn cao hơn) trong khi lãi suất huy động ngoại tệ chỉ 2%/năm. Sự chênh lệch rất lớn này khiến doanh nghiệp, dân cư và NH thương mại chuyển trạng thái tài sản, bán ngoại tệ chuyển sang nội tệ. Trong quý IV/2011, nhiều NH thương mại duy trì trạng thái ngoại tệ âm. Cùng với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu, NH Nhà nước (NHNN) đã có điều kiện tăng mạnh dự trữ ngoại hối.

Dư địa giảm lãi suất vẫn còn, giả sử giảm lãi suất huy động xuống 9%/năm, lãi suất ngoại tệ vẫn là 2% ứng với kịch bản lạm phát cả năm 5% thì dư địa giảm lãi suất là 3%. Nếu tính theo lạm phát ở mức 6% thì dư địa giảm lãi suất là 2%. Tuy nhiên, dư địa này khá mong manh vì giảm thêm 1% lãi suất có thể không có dịch chuyển lớn nhưng vẫn phải thận trọng vì khi đó, ngân hàng thương mại có thể dễ chuyển từ trạng thái âm ngoại tệ sang dương ngoại tệ.

Còn lãi suất giảm xuống 8%/năm, rất có thể người dân sẽ chuyển sang trạng thái ngược lại là chối bỏ nội tệ. Diễn biến mới trên thị trường hiện nay là không còn rõ xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang nội tệ nữa, thay vào đó là trạng thái giằng co hoặc hình thành xu hướng ngược lại. Do đó, NHNN sẽ rất thận trọng trong điều hành giảm lãi suất những tháng cuối năm.

Nợ xấu ngáng đường tăng trưởng


Để cứu doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đang ép lãi suất cho vay xuống mặt bằng 15%, duy trì trong vòng một năm. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp hành chính, chưa thể cải thiện được tình trạng suy kiệt tín dụng đang diễn ra trong 7 tháng đầu năm. Nguyên nhân của tình trạng này là nợ xấu. Tổng nợ xấu của cả hệ thống NH đã lên đến 202.000 tỉ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Nếu Chính phủ không vào cuộc mà để NH tự xử lý mỗi năm chỉ giải quyết được nhiều nhất là 2% và như vậy cần 4-5 năm mới giải quyết xong nợ xấu. Trong thời gian này, các NH thương mại sẽ không tăng tín dụng hoặc kiểm soát rất nghiêm ngặt tín dụng mới, duy trì lãi suất cho vay cao để bù đắp nợ xấu mà họ phải gánh. Như vậy sẽ dẫn đến đình đốn sản xuất, khó tăng trưởng kinh tế.

Theo TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, muốn tăng trưởng cần phải khơi thông tín dụng mà giải pháp quan trọng để luồng tiền không tắc nghẽn là quyết liệt xử lý nợ xấu và đẩy mạnh bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu nới tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng sau khi đã siết quá mạnh thì rất dễ đẩy nền kinh tế vào nguy cơ lạm phát cao, tạo ra những cú sốc như đã từng xảy ra.

Các chuyên gia tính toán nếu đẩy tín dụng ra thật mạnh, khoảng 2%/tháng trong 6 tháng cuối năm thì GDP cả năm sẽ đạt khoảng 5,5% - 5,6%, lạm phát (sẽ diễn ra 5 tháng sau đó) sẽ ở mức 1% - 2%/tháng và lạm phát cao sẽ bùng trở lại như năm 2011.
Đề nghị lãi suất cho vay trung hạn dưới 12%/năm

Trong hội thảo "Góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp" do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 26-7, Bộ Công Thương đã đề nghị NHNN giảm lãi suất cho vay xuống dưới 12%, thấp hơn nhiều so với mức 15% mà NHNN yêu cầu các NH thương mại thực hiện. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đang rất cần tiếp tục đầu tư thiết bị để mở rộng sản xuất cũng như thay thế thiết bị cũ. Đây là nguồn vốn trung hạn nhưng các NH mới chỉ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, lãi suất cho vay trung hạn vẫn còn ở mức cao.
(Theo NLĐ)

Tạp chí Forbes ca ngợi 'Vua cà phê Việt Nam'


Vào một buổi sáng mát dịu tại Hà Nội, người được cho là Vua cà phê Việt Nam, chủ tịch Hội đồng quản trị của tập đoàn cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một chút chia sẻ về suy nghĩ và khát vọng của mình với hãng tin Forbes.
Những người phương Tây làm kinh doanh tại Việt Nam ước tính giá trị tài sản cá nhân của ông Nguyên Vũ sẽ vào khoảng 100 triệu USD, một con số vô cùng to lớn trong một quốc gia có thu nhập bình quân trên đầu người năm 2011 là 1.300 USD/năm.

Hôm nay Nguyên Vũ đến Hà Nội tham dự một cuộc gặp mặt với Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp để thảo luận về chính sách cà phê của Việt Nam. Vì vậy, ông đã ngồi uống cà phê và hút thuốc tại một quán cà phê gần nơi tổ chức cuộc họp.

Khát vọng

Vũ cho biết, tập đoàn Trung Nguyên hiện đang xuất khẩu đến 60 quốc gia và tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc và Mỹ; do vậy Việt Nam có thể tiếp tục phát triển để tham gia và chuỗi cung ứng của ngành có giá trị nhiều tỷ USD này.

Nguyên Vũ nổi bật trong số những nhà đầu tư đang trở thành nguồn cảm hứng cho những ai muốn chấp nhận rủi ro để thành công trong một xã hội đang thay đổi. Theo một người phát ngôn của Trung Nguyên, tập đoàn này có doanh số bán hàng 151 triệu USD trong năm 2011 và đang tiến tới mức tăng trưởng 78% trong năm nay.
Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên
Khi cà phê hòa tan giành được sự yêu thích của khách hàng tại một thị trường tiềm năng lớn như Trung Quốc, thị trường vốn có nền văn hóa uống trà như Việt Nam, Nguyên Vũ đã mạnh dạn thực hiện kế hoạch đưa công ty lên sàn chứng khoán không chỉ ở những thị trường khiêm tốn như Việt Nam mà còn ở trên trường quốc tế. Trong phạm vi tập đoàn, Nguyên Vũ thực hiện kế hoạch đầu tư 800 triệu USD vào các nhà máy trong vòng 10 năm.

Nhận thức rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể sẽ làm cho kế hoạch này khó khăn hơn, người phát ngôn của Trung Nguyên khẳng định quyết tâm: "Chúng tôi muốn mỗi người dân Trung Quốc sẽ chi 1 USD mỗi năm cho các sản phẩm cà phê của chúng tôi".

"Từ con số không tới một vị anh hùng"

Nguồn gốc khiêm tốn của Vũ cũng là một lý do khiến cho ông nổi bật hơn. Theo giáo sư Nguyễn Việt Khôi Đại học Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Vũ đi từ "con số không tới một vị anh hùng" (zero to hero).
Năm 1986, khi Việt Nam thực hiện đổi mới, chuyển đổi từ cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nguyên Vũ đang là học sinh trung học. Tuổi thơ của Nguyên Vũ sống trong cảnh nghèo khó trên vùng cao nguyên; ông thường giúp bố mẹ trồng cây, nuôi lợn và làm gạch cho một lò nung. Tuy nhiên, Nguyên Vũ lại học rất giỏi và được nhận vào chương trình dự bị Y khoa (pre-med) của trường Đại học Tây Nguyên ở Buôn Ma Thuột, nơi được cho là thủ phủ của cà phê Việt Nam

Vũ cùng các bạn đã uống rất nhiều cà phê. Trong năm học thứ ba, Vũ nhận thấy mình không muốn trở thành bác sĩ. Mẹ ông đã khóc khi nghe ông kể về kế hoạch tấn công vào ngành công nghiệp cà phê vừa chớm nở của Việt Nam.

Vũ đã sơn kí hiệu đầu tiên của Trung Nguyên trong một căn nhà nhỏ và chỉ có 1 phòng. Ông cho biết vốn ban đầu của ông là "sự tin tưởng" của những người trồng cà phê. Họ cung cấp hạt cà phê cho ông với hy vọng được chia tiền lãi mà ông sẽ thu được. Ông đã từng giao cà phê bằng xe đạp trước khi mua được một chiếc xe máy. 15 năm sau đó, công ty của Vũ đã có 3000 công nhân và một đội xe tải.

Cha mẹ của NguyênVũ hiện đang sống tại một căn nhà của ông ở ngoại ô Buôn Ma Thuột. Ngoài những con ngựa, Vũ còn thu thập hàng chục tượng bán thân của nhiều danh nhân như Napoleon, Balzac và Beethoven. Giải thích cho sở thích này của mình, ông nói: "Những biến động lớn thường được tạo ra bởi các cá nhân, chứ không phải bởi một nhóm người".

"Đại sứ" của kinh tế Việt Nam

Vũ đã đào tạo cho nhiều doanh nhân và ông đang được coi là một đại sứ không chính thức của sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ông đã tham gia vào chương trình gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới (MIT SLOAN) và đăng cai tổ chức nhiều cuộc hội thảo cà phê quốc tế. Peter Timmer, giáo sư của trường đại học Harvard, một học giả về an ninh lương thực cho biết, đã có nhiều cuộc nói chuyện với Nguyên Vũ cho biết: "Cảm giác của tôi là Vũ rất thông minh và cũng là một nhà lãnh đạo thực sự trong kinh doanh. Ông có một tầm nhìn về những việc công ty sẽ làm và có thể truyền đạt tầm nhìn đó tới toàn bộ nhân viên. Họ bỏ tiền vào đó và trở thành những nhân viên làm việc rất có hiệu quả".
Giáo sư Peter Timmer đánh giá rất cao ông Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông nói thêm: "Henry Ford (người sáng lập công ty Ford) cũng như vậy; George Eastman (người sáng lập công ty Eastman Kodak) cũng như vậy; Steve Jobs (người sáng lập Apple) cũng như vậy. Tôi không chắc có thích hợp khi đặt Vũ vào trong danh sách này hay không nhưng Vũ khiến tôi nghĩ ông là một trong những doanh nhân thành công nhất của khu vực Đông Nam Á".

Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Trước khi xảy ra đợt suy thoái gần đây do những nỗ lực kiểm soát lạm phát, Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế 7%. Ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam do được kích thích từ các khoản vay của Ngân hàng Thế giới đã đi từ một nhà xuất khẩu nhỏ trở thành nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Brazil.

Trong cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Vũ cho biết ông đang hướng tới chiến lược phát triển để đưa Việt Nam từ một nhà trồng cà phê thô trở thành một nhà xuất khẩu, chế biến cà phê lớn hơn. Ông cho biết: "Mặc dù bạn có thể nhìn thấy sự phát triển của nền kinh tế qua các con số, nhưng tôi không nghĩ mô hình cũ sẽ hiệu quả trong tương lai. Chúng ta sẽ cần có một công thức mới để thành công".

Trung Nguyên gần đây đã bổ sung thêm nhà máy chế biến cà phê thứ 5 để hỗ trợ việc sản xuất cà phê hòa tan xuất khẩu tới Hàn Quốc và Trung Quốc, hai thị trường đang có mức tăng trưởng hàng năm hơn 25%.

Tại Việt Nam, Trung Nguyên sở hữu 42 quán cà phê và có thương hiệu ở 1000 quán cà phê khác cũng như chiếm lĩnh các cửa hàng tạp hóa.

Nguyên vũ có một trang trại mô hình nhằm mục đích tăng số lượng và chất lượng cà phê của Việt Nam bằng cách sử dụng một hệ thống thủy lợi từ Israel và phân bón đặc biệt từ Phần Lan. Mục tiêu là giúp cho Việt Nam, một nhà sản xuất hàng đầu thế giới về Cà phê Robusta (hay còn gọi là cà phê vối, cà phê rô) có giá rẻ hơn, thô hơn, tăng diện tích trồng cà phê Arabica có mã đẹp hơn và đắt hơn.

Bao bì cho sản phẩm cà phê Legendee của Trung Nguyên là hình ảnh của Honoré de Balzac (nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19) và câu nói của ông: " Khi chúng tôi uống cà phê, các ý tưởng xuất hiện như đi diễu hành trong quân đội".

Khi trò chuyện, Vũ cho biết văn hóa Việt Nam có thể được thể hiện tốt hơn qua hai sinh vật dân gian là con rùa và con rồng. Rùa thì kiên nhẫn và hay gặp khó khăn. Hãy nghĩ đến những người lính trong địa đạo Củ Chi huyền thoại, ban ngày thì giống như những con rùa còn ban đêm thì như những con rồng, những người đã đánh bại quân đội Mỹ từ 40 năm trước. Rồng là biểu tượng huyền ảo của sự may mắn, dám ước mơ và hành động. Vũ cho biết: "Nếu bạn không có ước mơ, thì bạn làm sao có thể biến nó thành hiện thực? Nếu không hành động, chúng ta sẽ không thể mong đợi có một kết quả tốt".

Nhưng ông cho biết thêm, con rùa cũng rất quan trọng. Ông đánh giá: "Nếu đưa ra tỷ lệ cho Trung Nguyên. Tôi có thể nói chúng tôi có hai phần năm là rùa và ba phần năm là con rồng".
(Theo Infonet)

Lên thực đơn để “yêu" mãi không... ngán


Lên thực đơn để “yêu" mãi không... ngán

Bee.net.vnGửi email  Bản in 
10:04' AM - Thứ sáu, 27/07/2012
“Chuyện ấy” như một bữa ăn. Nếu bữa nào cũng ăn cùng một món, người ta không chỉ thấy chán mà còn dần dần bị thiếu chất.

"Yêu" như là ăn

Giống như tháp dinh dưỡng, “chuyện ấy” cũng được chia thành 4 nhóm cơ bản để phục vụ những nhu cầu khác nhau.


Nhóm 1: “Chuyện ấy” để tận hưởng tình yêu, sự âu yếm và khiến cả hai thêm gắn kết về mặt tình cảm.

Nhóm 2: “Yêu” để phục vụ nhu cầu sinh học bởi nó mang lại cảm giác khoan khoái, thăng hoa và giải tỏa căng thẳng.

Nhóm 3: “Chuyện ấy” khơi nguồn cho trí tưởng tượng, chứng minh rằng não bộ chính là cơ quan tình dục lớn nhất.

Nhóm 4: “Yêu” là để tận hưởng khoái cảm khi tất cả 5 giác quan được kích thích.

Trong cuốn sách “52 Weeks of Amazing Sex” xuất bản năm 2011, Ian Kerner, chuyên gia tư vấn tình dục tại Mỹ đã đề cập tới một “chế độ ăn” riêng cho “chuyện ấy” dựa trên mức độ tiêu thụ trong một tuần của 4 nhóm trên.

Theo đó thì ngoài sự phân bổ hợp lý các món “yêu”, cũng phải có những kỹ thuật nhất định để mang lại cho chúng một hương vị độc đáo do chính mình sáng tạo.

Công thức của món "yêu"

Ở nhóm 1, yếu tố quan trọng nhất chính là sự lãng mạn. Bởi vậy, màn dạo đầu với bồn tắm nước nóng được trang hoàng nến thơm xung quanh và thật nhiều bong bóng xà phòng là sự lựa chọn số một để ham muốn dâng trào.

Một điều đáng lưu ý là phần lớn khi quan hệ, người ta đều nhắm mắt, thay vì dùng nó để giao tiếp với nhau. Theo Kerner, nên cố gắng ép mình mở mắt một lần, dù cảm thấy không thoải mái và tập trung nhìn vào mắt đối phương. Giao lưu bằng ánh mắt trong khi khoái cảm lên tới mức đỉnh điểm sẽ khiến cả hai thêm gần gũi nhau.

Hương vị chính của nhóm 2 là sự thay đổi linh hoạt thời điểm và địa điểm “vào cuộc”. Theo thống kê, 92% sinh hoạt chăn gối của người dân Mỹ diễn ra trên giường. Hãy thường xuyên làm mới để “món ăn” này không bị chán.


Ngoài ra, nên nhớ rằng một cuộc yêu chớp nhoáng không nhất thiết phải dẫn tới cực khoái. Nó có thể làm nền cho một cuộc giao ban nồng cháy vào buổi tối.

Nhóm 3 nhấn mạnh vào mộng tưởng tình dục. Kerner cho rằng não bộ thực chất là cơ quan tình dục lớn nhất. Tuy nhiên, thay vì con đường trí tuệ, rất nhiều người lại chọn con đường thể chất để tiến tới khoái cảm. Theo Kerner, những cặp đôi có đời sống tình dục thỏa mãn nhất luôn sẵn lòng chia sẻ với nhau những mộng tưởng tình dục mà không hề phán xét đối phương. Họ cùng chia sẻ chặng đường khám phá “trái cấm” của Thượng đế, mặc dù con đường này đơn thuần chỉ là trò chuyện cùng nhau.

Nhóm 4 tập trung vào việc “cho đi”. Dù là nếm, ngửi, chạm, nhìn hay lắng nghe thì luôn có những sự kết hợp bất tận của khoái cảm để kích hoạt tất cả các giác quan này: từ sự mê hoặc của nghệ thuật mát-xa, tới mùi thơm mê đắm lòng người hay những bộ nội y gợi cảm, những bản nhạc tình tứ… Dưới tác động của chúng, con người ta như lạc vào một thế giới khác, thưởng thức những cung bậc thăng hoa của tình yêu. Sự khám phá các giác quan gợi cho cả hai nhớ xem đã bao lâu họ không dành cho nhau sự quyến rũ như vậy.

Rất dễ cảm thấy nhàm chán khi bó buộc bản thân vào một mối quan hệ lâu dài, nhất là khi đã tiến tới những nấc thang xa hơn trong tình cảm như lập gia đình, có con... Nhìn chung, không có thực đơn nào bất di bất dịch để tình yêu mãi mãi không bị ngấy. Điều quan trọng là ở sự sáng tạo của cả hai bên để tạo nên những thực đơn riêng cho mình. Nếu biết cách phân bổ hợp lý chế độ “yêu”, cũng sẽ rất dễ để lấy lại cảm giác bằng một món ăn tự mình chế biến.

Những nhân vật nổi tiếng từng thất bại như “cơm bữa”


Có nhiều người lâm vào cảnh suy sụp sau khi gặp thất bại, cũng có không ít người đã đánh mất bản thân khi không gặt hái được thành công, song lại có nhiều người thất bại cả nghìn lần nhưng vẫn miệt mài làm lại, để rồi trở thành người nổi tiếng.

Trang Business Insider đã tập hợp và giới thiệu một danh sách gồm nhiều người nổi tiếng thuộc các lĩnh vực khác nhau. Họ đều là những tấm gương thành công nhờ nghị lực, tinh thần không cam chịu thất bại, không bị khó khăn làm cho khuất phục. Điều thú vị hơn, không ít người trong số này khi còn bé từng bị chê là kém tài, dốt nát, thậm chí là thiểu năng.

Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill

Churchill từng bị đúp năm lớp 6. Ông cũng bị đánh bại ở tất cả các vị trí trong những cơ quan chính phủ mà ông xin vào. Tuy nhiên, tới năm 62 tuổi, Churchill đã trở thành Thủ tướng Anh. Ông tự nhận mình là "một người bi quan luôn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội" và "một người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn".

Nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison

Thầy giáo của Edison từng mắng ông là "dốt tới mức không thể học được bất cứ cái gì". Edison đã mang chuyện này kể lại với mẹ. Mẹ ông nghe xong liền nổi giận. Bà đùng đùng dẫn con trai tới trường và bảo với thầy giáo của Edison rằng, "trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”.

Ông "gà rán" Harland David Sanders

Hình ảnh quen thuộc của gà rán KFC nổi tiếng toàn cầu là hình ảnh một ông già lịch lãm trong bộ vest trắng, chòm râu bạc và cà vạt đen. Đó chính là người lập nên KFC, “Đại tá bang Kentucky” Harland Sanders. Ngày nay, KFC đã có mặt trên 100 quốc gia, nhưng thuở ban đầu, Sanders đã không bán được món gà của mình. Hơn 1.000 nhà hàng đã từ chối ông.

Tỷ phú xe máy Soichiro Honda

Soichiro Honda từng tâm sự rằng, “ddối với tôi, thành công có thể chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% khác là thất bại”. Tinh thần làm việc, nghị lực và lòng say mê với khoa học là chìa khoá đưa Honda đến thành công. Soichiro Honda từ biệt thế giới vào năm 1992, nhưng người đời còn nói nhiều về ông, mỗi khi nghĩ tới một điển hình của “thiên tài không bằng cấp”.

Ông trùm hoạt hình Walt Disney

Walt Disney qua đời năm 1966, nhưng tên tuổi của ông vẫn luôn được nhắc đến bởi hàng triệu người đã từng xem những bộ phim, các chương trình truyền hình và đến các khu vui chơi giải trí của Walt Disney. Tuy nhiên không phải ai cũng biết Walt Disney từng bị biên tập một tờ báo sa thải vì "thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng hay ho". Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi sáng tạo nên Disneyland.

Bà hoàng truyền thông Oprah Winfrey

Oprah Winfrey được mệnh danh là "bà hoàng truyền thông" của Mỹ. Tuy nhiên, để có được vị trí như ngày nay, bà đã phải nỗ lực hết mình vượt khó vượt khổ. Bà từng bị từ chối, vì không phù hợp lên sóng truyền hình, nhưng Winfrey đã tìm cách vươn lên lại. Sự nghiệp của Oprah vươn tới đỉnh cao khi bà làm chủ chương trình “The Oprah Winfrey Show”.

Nhà sáng lập hãng xe Ford

Trước khi hãng xe Ford có được một cơ ngơi như ngày nay, người sáng lập Henry Ford đã từng lập rồi phá ba công ty. Công ty thứ nhất mang tên Detroit nhưng nhanh chóng phá sản do Henry Ford chỉ tập trung thiết kế xe mà không kinh doanh. Công ty thứ hai mang tên ông chuyên về xe đua, nhưng sau đó chính Henry Ford bị các nhà đầu tư buộc rời khỏi công ty. Doanh nghiệp thứ ba thì bị phá sản do doanh thu đi xuống.

Nhà thiết kế tương lai James Dyson

Quạt không cánh Dyson Air Multiplier là một trong những sản phẩm của ông. Dyson từng cháy túi khi chạy thử 5.126 sản phẩm mẫu và đều thất bại. Tuy nhiên, thần may mắn đã mỉm cười với ông, khi cái thứ 5.127 thành công và thương hiệu quạt không cánh Dyson chính thức chào đời.

Nhà văn "phù thủy" J.K. Rowling

Trước khi trở thành nhà văn được nhiều người yêu thích, Rowling là một phụ nữ thất nghiệp, ly hôn và nuôi con bằng trợ cấp xã hội. Hiện, với 7 tập Harry Potter, Rowling nổi tiếng khắp thế giới và là người đầu tiên trở thành tỷ phú nhờ viết sách.

10 doanh nhân vĩ đại nhất đương thời


Forbes vừa giới thiệu danh sách những nhà lãnh đạo vĩ đại nhất trong thế giới kinh doanh. Họ được đánh giá rất cao nhờ những ý tưởng mang tính đột phá, chiến lược kinh doanh và nhiều tính cách đáng ngưỡng mộ.
1. Jeff Bezos – Amazon

Tỷ phú Jeff Bezos là người tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử. Ông đã có công định hình ngành kinh doanh đặc biệt này và qua đó, định hình nhiều lĩnh vực khác trên thế giới mạng rộng lớn. Chính Jeff Bezos là người làm mới khái niệm "phân tích dự báo" với ý nghĩa giới thiệu những sản phẩm dựa trên lịch sử tìm kiếm và thói quen mua bán cho khách hàng.
Dù bạn thích hay không thích khái niệm này, ý tưởng của Jeff Bezos vẫn biến thương mại điện tử trở thành ngành kinh doanh hiệu quả và đem lại lợi nhuận khổng lồ cũng như trải nghiệm thú vị cho người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới.
2. Anne Mulcahy – Xerox

Anne đã biến đổi mọi thứ khi Xerox đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản năm 2000
Bà chưa bao giờ có tham vọng ngồi vào ghế CEO của Xerox nhưng cũng không ngại ngần từ chối cơ hội được khẳng định năng lực của mình ở vị trí lãnh đạo và giúp công ty danh tiếng này lấy lại phong độ vốn có.
Ngay sau khi được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc điều hành năm 2001, Anne Mulcahy đã tiến hành cuộc cải tổ thực sự khi cắt giảm 30% nhân sự của toàn công ty và sau đó còn xóa sổ bộ phận sản xuất màn hình của Xerox.
Với quyết định "trảm người" cực kỳ dũng cảm này và những bước đi kiên quyết khác của Anne, Xerox đã được vực dậy một cách thần kỳ.
Năm 2008, tạp chí Chief Executive vinh danh Anne Mulcahy là CEO của năm; U.S News & World Report ca ngợi bà là một trong những Nhà lãnh đạo xuất sắc nhất nước Mỹ. Tạp chí Forbes ghi tên bà trong danh sách Những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2005 và 2009.
3. Brad Smith – Intuit

Intuit, nơi giữ bản quyền sáng chế phần mềm kế toán thông dụng QuickBooks, là một trong những công ty phần mềm tài chính lớn nhất và thành công nhất thế giới.
Ngay cả khi đã trở thành một công ty với doanh thu gần 4 tỷ đô và giá trị vốn hóa thị trường xấp xỉ 16,5 tỷ đô, Intuit vẫn tiếp tục vận hành theo hướng mà gần 8.000 nhân viên của họ luôn được khuyến khích chấp nhận mạo hiểm để trưởng thành thêm từ thành công lẫn thất bại.
CEO Brad Smith chính là người góp công lớn trong việc duy trì và phát triển văn hóa đó ở Intuit.
4. Howard Schultz – Starbucks

Từ tuổi thơ khốn khó trong một gia đình nghèo khổ ở Bronx (New York) tới một vận động viên được nhận học bổng và cuối cùng trở thành người đứng đầu Starbucks, Howard Schultz là minh chứng tuyệt vời nhất cho lòng quả cảm, tinh thần lao động không biết mệt mỏi và khả năng đạt được "Giấc mơ Mỹ" của một người bình thường.
Ngay cả khi đã đạt vinh quang lẫy lừng trong lĩnh vực kinh doanh của mình, Howard vẫn không dừng lại. Ông luôn bày tỏ sự hào hứng với những vụ đầu tư vào lĩnh vực mà người khác đã thành công, cũng như tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành kinh doanh khác, như eBay chẳng hạn.
5. Larry Page – Google

CEO của gã khổng lồ Google là một bằng chứng sống động khác về một doanh nhân có thể đối mặt và giải quyết bất cứ thử thách nào.
Larry và công ty của ông từng vấp phải rất nhiều chỉ trích cũng như nhận được vô số lời tán dương trong những năm qua. Nhưng ngay cả khi phải đứng giữa tâm bão, Larry Page chưa bao giờ để người khác nghĩ rằng ông đã mệt mỏi với giấc mơ mà ông hằng theo đuổi - vì lợi ích của công ty - đó mới là mối bận tâm lớn nhất của ông.
6. Tim Cook – Apple

Cái bóng của huyền thoại Steve Jobs quá lớn để có thể dễ dàng tìm thấy người kế tục xứng tầm nhưng thực sự Tim Cook đang đảm đương rất tốt nhiệm vụ của mình cho tới thời điểm này.
Thay vì những nỗ lực để xứng đáng với những phát minh, sáng kiến hướng tới khách hàng mà Steve Jobs vốn nổi tiếng, Tim Cook tìm hướng đi tới tương lai cho cả công ty theo cách riêng của mình, mới đây nhất là việc phát triển kỹ năng quản lý kiểm kê hàng tồn kho.
Theo kết quả một cuộc điều tra của Gartner, chỉ số kiểm kê hàng tồn kho của Apple cho thấy mỗi sản phẩm không ở quá 5 ngày trong các cửa hiệu Apple địa phương trước khi được bán tới tay khách hàng.
7. Indra Nooyi – PepsiCo

Bà là một trong những người có tên trong danh sách bình chọn 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes tiến hành.
Nooyi không chỉ dẫn dắt công ty đạt được những kết quả tài chính mang tính kỷ lục mà còn giúp PepsiCo phát triển theo hướng lành mạnh hơn như cắt giảm thành phần đồ ăn nhanh trong sản phẩm của mình để thay thế bằng những nguyên liệu có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Bà là một nhà lãnh đạo rất tận tâm và thực sự dành tình cảm chân thành cho nhân viên.
Ngoài ra, Nooyi còn được biết đến như một CEO luôn vui vẻ, hòa đồng - bà từng chơi guitar chính trong một ban nhạc toàn sinh viên nữ ở trường đại học. Bà cũng mê môn thể thao cricket và thường xuyên đảm nhận vai trò ca sĩ trong mỗi buổi tụ tập karaoke của công ty.
8. Warren Buffett - Berkshire Hathaway

Tỷ phú Buffett là một thương gia cực kỳ kiên định ngay cả trong những thời điểm mà mọi người quanh ông đều thay đổi chóng mặt từ thái cực này tới thái cực khác của lỗ và lãi, của thành công và thất bại.
Warren Buffet là tấm gương hoàn hảo cho lòng kiên nhẫn. Ông chứng tỏ cho cả thế giới thấy chậm và chắc rốt cuộc sẽ giành chiến thắng trong mọi cuộc đua kinh doanh.
9. Sir Richard Branson - Virgin Group

Một người sở hữu hơn 400 công ty và tổng tài sản trị giá hàng tỷ đô rõ ràng đã làm nhiều thứ rất chuẩn xác và đặc biệt thành công.
Richard Branson được nhiều ngưỡng mộ bởi sự kiên cường của ông, bởi những thương hiệu cá nhân mà ông định hình và phát triển.
10. Rupert Murdoch - News Corporation

Tỷ phú truyền thông Murdoch là ông trùm trong đế chế xuất bản của nước Mỹ, vốn đi lên từ khốn khó và tự mình làm nên tất cả từ hai bàn tay trắng.
Ông tiếp tục làm việc và cống hiến không ngừng nghỉ dù ở bất cứ tuổi nào, ngay cả khi đã chạm ngưỡng tuổi mà phần lớn mọi người đều chọn cách nghỉ hưu, dưỡng già từ lâu.
Hiện tại, nhà tỷ phú đầy quyền lực đang phải đối mặt với rất nhiều rắc rối - scandal bị buộc tội hối lộ, tham nhũng và sự tấn công của các công ty chi nhánh.
Theo tin mới nhất, Murdoch đã từ chức khỏi ban lãnh đạo nhiều công ty chi nhánh. Bất chấp kết quả có thế nào, Rupert Murdoch vẫn là một trong những biểu tượng về tinh thần tận tụy và sức chiến đấu kiên cường trong kinh doanh.

Nguồn: VTC

Wednesday, July 25, 2012

Muốn làm lãnh đạo, trước hết phải biết phục tùng


Đã qua rồi cái thời mà giữa người lãnh đạo và cấp dưới tồn tại những khác biệt quá lớn.

Giờ đây, những nhân viên xuất sắc đã có thể tiếp bước người đi trước với vai trò lãnh đạo. Augie Turak, người từng làm việc tại những công ty và tập đoàn lớn như MTV, Adelphia Communications, Data Broadcasting Corporation, UPI, Bell Atlantic, Federal News Service, Applied Control Systems, Mutek Solutions và có kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm về những giá trị tinh thần để thành công trong cuộc sống sẽ chia sẻ những bí quyết lãnh đạo bổ ích trong kinh doanh.

Năm 1982, Augie Turak từ bỏ công đáng mơ ước ở công ty dịch vụ truyền hình cáp MTV: Music Television (nay là Đài truyền hình A&E Network) để cộng tác với Jim Collins. Collins đã truyền dạy cho Turak sự uyên thâm của một nhà nghiên cứu, nhà văn kiêm tư vấn kinh doanh nổi tiếng.

Ông nói: “Hãy nhớ lấy, Augie, rằng ai cũng có ông chủ để phục tùng. Tỉ dụ như phó giám đốc phải báo cáo cho ngài giám đốc, ngài giám đốc phải báo cáo cho CEO, CEO lại báo cáo cho Chủ tịch Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị về nhà... báo cáo với vợ. Nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, anh cũng phải là một kẻ biết phục tùng.”

Turak cũng hiểu rõ những gì mà Louis Mobley, người đứng đầu trường quản trị IBM đúc rút, rằng con người giờ đây đều rất tỉnh táo, biết nghĩ cho bản thân và có khả năng tạo ra những thay đổi khi có động lực. Bài học từ những người thầy uyên bác cùng kinh nghiệm tự thân đã giúp Turak đúc rút nên 11 bí quyết lãnh đạo mà có thể bạn chưa từng nghe thấy trước đó.

1. Biết nắm lấy thế chủ động

Câu chuyện sếp ra lệnh “Nhảy đi!” và nhân viên hỏi lại “Nhảy cao bao nhiêu thì vừa ạ?” đã không còn tồn tại trong môi trường kinh doanh ngày nay, bởi những ông chủ hiện đại cần cấp dưới đưa ra những ý tưởng mới mẻ chứ không cần những con ong thợ thụ động đợi lệnh từ cấp trên. Một kẻ phục tùng có năng lực phải là người biết nói “Tôi nghĩ chúng ta cần thực hiện phương án này” thay vì “Sếp cần em làm gì ạ?”

2. Tự tạo ra công việc cho chính mình

Collins từng dạy cho Turak cách thức chung để tiếp cận với mọi công việc mới, đó là nhận diện những mục tiêu vừa sức có thể đạt được trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó thảo ra một bản kế hoạch kèm một bản ghi chép tiến độ thực hiện.

Quan trọng hơn, ông còn phải chuẩn bị bản kế hoạch sẵn sàng trước khi sếp hỏi đến. Theo cách đó, Turak đã tạo cho mình ấn tượng của một nhân viên có khả năng lãnh đạo. Lợi ích của việc làm này sẽ giúp cấp dưới có được tính tự chủ, biến công việc nhàm chán thành niềm vui mỗi ngày.

3. Tỏ ra có thể dễ dàng huấn luyện

Một lần Collins chia sẻ với học trò Turak một bí mật nhỏ: thay vì mang theo cả một cuốn vở, ông lấy một tờ giấy nhỏ, gấp làm ba rồi cho vào túi ngực của áo khoác để tiện ghi chép.

Turak cũng răm rắp làm theo, nhưng từ khi rời bỏ công việc ở một công ty nọ, ông cũng từ bỏ luôn thói quen đó khi nhận ra rằng dường như ông chỉ bắt chước để lấy lòng bản thân mà thôi.

Thực ra, Turak có một mục đích lớn hơn, đó là bằng việc làm nhỏ như trên để chứng tỏ cho Collins thấy ông là người có thể được huấn luyện, dìu dắt trong những công việc quan trọng khác.

4. Biết tiên liệu sự việc

Giống như một chiếc radar, cấp dưới có thể đi trước sếp một bước bằng cách chủ động đặt ra câu hỏi: “Nếu là lãnh đạo mình sẽ làm gì tiếp theo?”.

Thời còn làm việc ở MTV, trợ lý 23 tuổi của Turak, Sheri Gottlieb đã gây ấn tượng mạnh với ông khi chỉ trong vài tuần lễ, 90% công việc chất đống trong hộp thư đến đã được giải quyết nhanh gọn trong khi Turak không yêu cầu chi tiết mà chỉ nói đơn giản “Sheri, giải quyết chúng giúp tôi nhé.”

Không đợi sếp phải yêu cầu thêm, nhanh như radar, Sheri đã xử lý gọn ghẽ mọi công việc trước khi chúng được đặt lên bàn của sếp. Đó là lý do vì sao Turak chẳng hề ngạc nhiên khi không lâu sau, Sheri từ vị trí thư ký quèn đã được thăng chức phó giám đốc.

5. Biết đối ngoại

Nếu sếp đã từng có lần phải đích thân hỏi nhân viên về báo cáo tiến độ công việc, điều đó có nghĩa là cấp dưới đang mất điểm trong mắt sếp. Những người chèo lái công ty có hàng trăm nghìn mối lo, do đó nhân viên cần giúp sếp vơi bớt đi những lo lắng đó bằng việc thông tin cho sếp những điều họ biết.

Nếu cấp dưới không giữ mối liên lạc thường xuyên với cấp trên, sếp sẽ cho rằng nhân viên đang che giấu những thông tin không hay về công ty, bởi những người đứng đầu luôn cần biết những tin tức bí mật mà thường không ai dám tiết lộ.

6. Lấy mục tiêu phấn đấu làm động lực

Các sếp lúc nào cũng bận trăm công nghìn việc, do đó, giám sát hoạt động công ty là công việc ít người muốn làm nhất. Những cấp dưới có năng lực lại nghĩ khác: họ sẽ đặt công việc của ngày hôm nay làm ưu tiên hàng đầu để thực hiện mục tiêu tương lai. Họ trả lời thư trong hộp thư đến với hi vọng guồng quay công việc bận rộn sẽ tạo ra một điều gì đó kỳ diệu trong tương lai.

Dù sếp cũng sẽ không trả lương cao hơn cho những nhân viên làm việc chăm chỉ mà chỉ quan tâm xem cấp dưới có thực hiện đúng những mục tiêu đã đề ra hay không thì nhân viên vẫn cần lấy mục tiêu phấn đấu làm động lực để hoàn thành công việc.

7. Nói ít làm nhiều

Turak từng hướng dẫn một sinh viên trẻ theo học ngành thạc sĩ quản trị kinh doanh. Lần gặp gỡ đầu tiên, Turak bỗng dưng quên mất một câu trích dẫn. Cậu sinh viên lặng lẽ lấy ra một cuốn sách chia từng mục gọn ghẽ có ghi chép tất cả những gì Turak từng viết và nhanh chóng tìm ra câu trích dẫn chính xác.

Sự chuẩn bị của cậu sinh viên đã thể hiện mức độ nghiêm túc một cách thuyết phục hơn bất cứ bài phát biểu sôi nổi nào khác. Do đó, Turak đã quyết định sẽ đầu tư thêm thời gian và công sức để hướng dẫn sinh viên này.

8. Chiếm được lòng tin của sếp

Mục tiêu hàng đầu của Turak khi nhận một công việc mới là làm sao để sếp cảm thấy như được thư giãn. Càng sớm có được lòng tin của sếp, sếp sẽ càng nhanh chóng quên đi nhân viên để chuyển mối quan tâm sang những thứ khác như, thời gian, tiền bạc… Louis Mobley từng nói lòng tin phục thuộc vào lời hứa và khả năng thực hiện lời hứa đó.

Những người có thể tin cậy được là người thực hiện đúng lời hứa, trong khi những người nói lời không giữ lấy lời thì hoàn toàn không đáng tin. Việc tạo dựng lòng tin với sếp là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu, nhân viên phải thực hiện tất cả những cam kết với sếp, dù chúng có nhỏ nhặt đến cỡ nào đi chăng nữa.

9. Đề xuất giải pháp

Những nhân viên không có thực lực sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên rối ren thêm, trong khi những cấp dưới ưu tú lại có khả năng giải quyết vấn đề, hoặc đề xuất giải pháp cho sếp.

10. Biết thông cảm

Nhân viên tốt phải là người biết cảm thông trước những áp lực công việc mà sếp phải chịu đựng. Chẳng hạn như sếp có thể phải mất một thời gian khá dài để thay đổi nhân sự, dành ra hàng tháng trời cùng hàng ngàn USD để tuyển dụng nhân viên mới.

Khi quá trình tuyển dụng hoàn tất, sếp còn phải trải qua nhiều đêm thức trắng vì lo lắng có thể đã tuyển nhầm người. Khi đó, nhân viên không chỉ đơn giản thông cảm với sếp mà còn phải tìm cách để sếp yên lòng bởi ít nhất vẫn có người hiểu và đáng tin cậy bên cạnh.

11. Trung thành

Nếu nhân viên không toàn tâm toàn ý với công việc thì đây có lẽ là lúc thích hợp để tìm kiếm một công việc mới. Cấp dưới phải là người cảm thấy tự hào khi làm được những việc khiến sếp tỏa sáng, thậm chí khi bất đồng quan điểm cá nhân đi chăng nữa, nhân viên vẫn phải thể hiện bộ mặt của một tập thể đoàn kết.

Vai trò của CEO trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp

Tái cấu trúc doanh nghiệp phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao nhất; thể hiện sự tiên phong, ý chí quyết tâm, và tinh thần đồng lòng thay đổi để hướng quá trình tái cấu trúc về chung một mục tiêu.




Theo mô hình quản trị truyền thống thì các CEO chủ yếu làm công tác quản lý, còn Hội đồng quản trị (HĐQT) đóng vai trò lãnh đạo.


Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 21, sự thất bại của hàng loạt thương hiệu toàn cầu, mà điển hình General Motor - GM, cho thấy khả năng quản lý tốt của CEO vẫn chưa là điều kiện đủ giúp doanh nghiệp thích nghi với sự biến động chóng mặt của môi trường kinh doanh ngày nay.


CEO trong thế kỷ 21 không chỉ cần có năng lực quản lý tốt, mà họ còn phải là những nhà lãnh đạo xuất sắc, có thể cảm nhận, dự báo và đánh giá khá chuẩn xác về biến động của môi trường kinh doanh bên ngoài và mầm mống vấn đề bên trong tổ chức để chủ động đề xuất những thay đổi thích hợp lên HĐQT và trực tiếp dẫn dắt doanh nghiệp trong suốt quá trình thay đổi này.


Khủng hoảng kinh tế kéo theo nhiều thách thức mà doanh nghiệp phải gồng mình đối phó, nhưng đồng thời đây cũng được coi là cơ hội để tự đánh giá và làm mới chính mình thông qua quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp.


Trong suốt quá trình đó, CEO – người điều hành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp được đánh giá như người nhạc trưởng chỉ huy - có vai trò tiên quyết tạo nên thành công hay thất bại của toàn cuộc hành trình cải cách.


Ông Đỗ Thanh Năm - Chủ tịch, Giám đốc Công ty tư vấn và hỗ trợ chiến lược Win – Win cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao nhất; thể hiện sự tiên phong, ý chí quyết tâm, và tinh thần đồng lòng thay đổi để hướng quá trình tái cấu trúc về chung một mục tiêu.


CEO sẽ dựa trên việc đánh giá môi trường bên trong, bên ngoài và mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp để chọn lựa chính xác khâu nào, bộ phận nào cần phải tái cấu trúc.


Bên cạnh đó, CEO cũng phải chú ý tới 2 nhiệm vụ quan trọng khác:


Một là, quản trị tốt quá trình thay đổi và truyền thông hiệu quả để tìm sự đồng thuận của toàn thể cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp;


Hai là, xem quá trình tái cấu trúc như là một dự án, và tư duy theo phương pháp quản trị dự án, trong đó, việc chọn người chủ nhiệm dự án, giám đốc dự án phải được cân nhắc thật kỹ.




Bản chất của tái cấu trúc là sự thay đổi để đạt hiệu quả hoạt động cao hơn, nhằm thực tế hóa các mục tiêu của tổ chức. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của CEO trong việc dẫn dắt toàn bộ quá trình thay đổi trên để từ hiện trạng của doanh nghiệp đạt đến sự mong đợi.


Như một nguyên tắc chung, một tổ chức sẽ luôn có xu hướng chống lại bất kể tác động nào làm thay đổi trạng thái thực tại của nó. Khi tiến hành tái cấu trúc chắc chắn DN phải đối mặt với rất nhiều áp lực lớn từ sự thay đổi trong nội tại doanh nghiệp.


Việc tái cấu trúc sẽ gặp khó khăn, nếu xảy ra các trường hợp sau:


Thứ nhất, thiếu sự quyết tâm cao độ và đồng lòng của Ban lãnh đạo cấp cao;


Thứ hai, tái cấu trúc chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi của một hay một số nhóm người.


Việc theo đuổi mục tiêu chiến lược và dung hòa lợi ích của tất cả các nhóm là điều không dễ dàng gì. Nếu lãnh đạo quá dân chủ, thiếu sự quyết đoán trong việc đánh đổi vì mục tiêu chung sẽ tạo điều kiện cho nhóm chống đối có cơ hội cản trở tiến trình tái cấu trúc;


Thứ ba, tập trung vào lợi ích trước mắt nhiều hơn lợi ích lâu dài sẽ đẩy việc tái cấu trúc vào ngõ cụt, thiếu tầm nhìn dài hạn. Cuối cùng, thường gặp nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao bị giới hạn, và DN khó chọn lựa điểm đột phá, mà tiến hành thay đổi tất cả nhưng thiếu sự kiểm soát.


Bởi vậy, quá trình tái cấu trúc cần được CEO phác thảo chi tiết nhằm đạt kết quả khả quan trong tương lai và truyền nhiệt huyết, mục tiêu chính tới từng thành viên trong doanh nghiệp. A.G. Lafley - cựu CEO của P&G, khi thực hiện chuyển đổi văn hóa tổ chức từ một tổ chức hướng nội sang hướng ngoại, đã lấy khách hàng làm đối tượng trọng tâm, hoạch định một chiến lược kinh doanh rõ ràng với mục tiêu tăng từ 2 tỷ khách hàng toàn cầu lên 3,5 tỷ người tiêu dùng toàn cầu ưa thích lựa chọn sản phẩm của P&G.


Lafley đã truyền tải thông điệp “Khách hàng là ông chủ” đến tất cả nhân viên, cùng với hàng loạt các hoạt động hỗ trợ tuyên truyền cho mục tiêu chuyển đổi này, ví dụ như việc thay các bức tranh của danh họa nổi tiếng trong văn phòng làm việc sang các bức tranh về người tiêu dùng…


Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp, thay đổi và chọn lựa lại ngành/danh mục kinh doanh cũng là một trong những quyết định chiến lược mà CEO phải nắm bắt, kiểm soát và thường xuyên đánh giá hiệu quả.


Bên cạnh đó, “trồng cây gì, nuôi con gì”, kinh doanh sản phẩm nào, hạn chế/ không kinh doanh sản phẩm nào cũng là một thay đổi, một quyết định lớn đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao nhất phải quyết định dứt khoát dựa trên cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao.

Friday, July 13, 2012

CEO Vũ Minh Trí: Người lót nền công nghệ cao

Nhiều tổng giám đốc điều hành (CEO) người Việt đã khẳng định tài năng qua thành công của các thương hiệu toàn cầu hoặc nội địa do chính họ lèo lái. Đó là những tấm gương đáng học hỏi về hành trình khởi nghiệp và khát vọng chinh phục đỉnh cao.

Đó là Vũ Minh Trí, sinh năm 1973, người vừa được bổ nhiệm làm CEO Microsoft Việt Nam. Trước đó, anh từng làm CEO của một số tập đoàn đa quốc gia

Vũ Minh Trí kể: "Những năm đầu 1990, việc chọn trường rất đơn giản, thích thì chọn chứ ít ai nghĩ nhiều đến yếu tố danh giá kiểu "nhất y, nhì dược". Tôi cũng thế và đã trở thành sinh viên ngành kỹ sư hóa dầu Trường ĐH Bách khoa TPHCM theo cách đó".

Khẳng định tên tuổi

Từ thời sinh viên, Trí đã được đánh giá cao về sức học, năng khiếu lãnh đạo như một tố chất bẩm sinh. Sau khi tốt nghiệp với đề tài về dầu khí, anh được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tuyển thẳng. "Nhà mặt phố, bố làm dầu khí", người ta hay nói thế và khi ấy ai cũng bảo Trí may mắn. Nhưng sau một thời gian miệt mài ở phòng thí nghiệm của tập đoàn, chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mất hứng thú với những công việc khô khan, trùng lặp. "Vẻ như tôi chọn nhầm nghề. Soi vào gương, thấy đó không phải hình ảnh của mình. Cứ như vậy, chẳng lẽ 5-10 năm sau mình sẽ là một kỹ sư già? Đắn đo vài lần, tôi quyết định chia tay ngành dầu khí" - Trí cho biết.

Trong suốt 10 năm, Vũ Minh Trí trải qua công việc sales, marketing ở nhiều tập đoàn đa quốc gia như P&G, BP, BAT... Rồi chàng kỹ sư năm nào bước lên tầm cao mới với vai trò CEO của Sony Ericsson. Giai đoạn năm 2006-2007, khi Vũ Minh Trí về Sony Ericsson, thị phần của hãng chỉ là 2%. Dưới bàn tay của CEO trẻ này, con số đó nhanh chóng cán mức 12%, rồi tăng chóng mặt đến 600%.

Năm 2008, Trí chia tay Sony Ericsson, được mời về làm CEO cho Yahoo! Việt Nam. Lúc này, trên thế giới và tại Việt Nam, Yahoo! đã là "gã khổng lồ" trong làng công nghệ. Và từ đây, "thương hiệu" Vũ Minh Trí được biết đến nhiều hơn khi anh xin giấy phép thành lập công ty internet nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam - điều mà đến giờ vẫn chưa có ai làm, ngoài Vũ Minh Trí. Đam mê công nghệ và hiểu tâm lý cư dân mạng, Trí và Yahoo! luôn quyết tâm phải làm cho khách hàng hài lòng ngay cả khi cung cấp dịch vụ miễn phí, đó là phải bảo mật thông tin cá nhân cho họ. Sự thành công của Yahoo! Việt Nam, nhất là blog trực tuyến Yahoo! 360, ghi đậm dấu ấn Vũ Minh Trí.

CEO Vũ Minh Trí.

Tầm nhìn xa

Hai năm sau, kết thúc hợp đồng tại Yahoo! Việt Nam, anh về với Qualcomm, cũng vai trò CEO phụ trách khu vực Đông Dương và Thái Lan. Tại đây, anh cảm thấy hài lòng vì được làm theo triết lý riêng của mình: Đối thủ cũng chính là đối tác, vì thế phải hỗ trợ nhau cùng thúc đẩy thị trường điện thoại công nghệ 3G phát triển.

Nhiệm vụ của CEO Vũ Minh Trí ở Qualcomm là tập trung phát triển công nghệ 3G và điện thoại di động bằng cách phối hợp với các mạng viễn thông nâng cao chất lượng mạng. Rồi Qualcomm ký hợp đồng bán chip cho các OEM (Originally Equipment Manufacturer - nhà sản xuất thiết bị gốc) của Trung Quốc và Đài Loan. Sau đó, các OEM bán điện thoại di động có chip Qualcomm cho những thương hiệu Việt Nam như Q-Mobile hay FPT, khuyến khích khách hàng chuyển từ công nghệ 2G sang 3G. Và đến giờ, dòng smartphone (điện thoại thông minh) vẫn tăng trưởng rất nhanh, chiếm lĩnh thị trường điện thoại với các dòng máy dưới 150 USD, "chạy ào ào" trên nền tảng 3G. Điều đó chứng minh cho tầm nhìn xa của Vũ Minh Trí.

"Người ta nhớ đến "Trí Qualcomm" nhiều hơn so với khi tôi làm ở Yahoo! nhưng chưa chắc đó là nơi thành công nhất" - anh chia sẻ. Với một người giàu khát vọng như Vũ Minh Trí, sự thành công không dừng lại ở bấy nhiêu đó mà phải đầy lên theo năm tháng.

Góp sức phát triển công nghệ cao

Đang sôi nổi trò chuyện về những bước đi mới trong ngành công nghệ, chợt nhắc đến lĩnh vực sản xuất điện thoại di động của Việt Nam, Vũ Minh Trí trở nên suy tư. Anh kể rằng mỗi lần đến thăm các trung tâm công nghệ trên thế giới, anh đều tự hỏi: Điện thoại "made in Vietnam" đang ở đâu? Bao giờ có?... Đến nay, ngành thiết bị đầu cuối các nước đều phụ thuộc vào "công xưởng thế giới" Trung Quốc. Bằng nhiều chính sách mở, Trung Quốc lôi kéo các nhà máy trên thế giới về nước mình rồi tranh thủ học hỏi công nghệ, cách làm. Đến giờ, công nhân của Trung Quốc có thể làm được tất cả quy trình lắp ráp, phát triển thiết bị đầu cuối, có khi còn giỏi hơn cả kỹ sư điện tử của Việt Nam. Các hãng điện thoại nổi tiếng như Nokia, Samsung, LG, Apple... đều đặt nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc. Mỗi năm, Việt Nam có 21 triệu chiếc điện thoại di động mới được bán ra, trong đó dòng smartphone chiếm khoảng 20% nhưng chủ yếu là của đối tác nước ngoài. "Chúng ta không có gì ngoài lắp ráp. Một chiếc điện thoại giá 100 USD, trị giá phần lắp ráp chỉ chiếm... vài USD, phần thiết kế, phát triển sản phẩm chiếm đến 30%-40%..." - Vũ Minh Trí ưu tư.

Có lẽ vì thế mà thay vì hài lòng với thành công, Vũ Minh Trí lại bộc bạch: "Tôi nể anh Thân Trọng Phúc (cựu tổng giám đốc Intel Việt Nam) vì đã dày công đưa nhà máy Intel về đặt ở Khu Công nghệ cao TPHCM; phục anh Võ Quang Huệ (tổng giám đốc Tập đoàn Bosch Việt Nam) với nhà máy viết phần mềm cho những thiết bị tự động cao cấp đặt tại KCN Long Thành - Đồng Nai".

Giờ đây, khi đảm nhận cương vị mới, rất quan trọng là CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Microsoft tại Việt Nam, anh vẫn hằng ngày âm thầm góp từng "viên gạch" xây nền móng cho ngành công nghệ cao của nước nhà. "Microsoft Việt Nam vẫn đi theo chiến lược chung của tập đoàn nhưng sẽ được sáng tạo và đổi mới để phù hợp với thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình và quyết tâm lèo lái con thuyền Microsoft tiến những bước vững chắc để mang đến những sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích nhất cho người dân Việt".



ST

Cách mạng kỹ thuật số trong ngành bán lẽ

Tại cửa hàng John Lewis, khách hàng không cần phải thử quần áo trực tiếp, thay vào đó là thay “quần áo ảo” trước những tấm gương kỹ thuật số. Đây là hệ thống “gương số” của Cisco Systems, sử dụng một máy ảnh 3D với dữ liệu là các mẫu thời trang.

Khách hàng chỉ cần chọn quầo áo, rồi thử trên màn hình 3D ở mọi góc độ. Họ có thể thử hàng trăm bộ quầo áo mà không phiền đến ai.

Cũng như Cisco, cuộc cách mạng kỹ thuật số trong bán lẻ đã lan khá rộng rãi.

Những cuộc cách mạng kỹ thuật số trong bán lẻ đã được nhiều công ty tận dụng, như Pepsi, Coca-Cola, hay cả các hãng thời trang như Gucci, Prada... bằng các kios màn hình cảm ứng cũng như các ứng dụng di động để giúp khách hàng tương tác với sản phẩm trước khi mua.

Theo Gartner, các nhà bán lẻ đang cố gắng kiểm soát khoảng 85% quyết định mua sắm dựa trên các kinh nghiệm kỹ thuật số vào năm 2015, tăng từ 40% so với năm nay. Vì vậy, trong số 100 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đã có khoảng 40 nhà bán lẻ đặt mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD mua sắm qua internet vào năm 2015.

Dự báo này dựa trên sự lạc quan của sự bùng nổ sử dụng các thiết bị di động và web trong các hệ thống bán lẻ. Chẳng hạn, Kraft Foods đã làm việc với Intel để thiết kế máy bán hàng tự động cho các cửa hàng tạp hóa.

Krispy Kreme Doughnuts đã làm việc với công ty quảng cáo Barkley để viết ứng dụng “Hot Light” thông báo cho người dùng điện thoại thông minh mỗi khi đi ngang một cửa hàng Doughnuts nào đó.

Các thương hiệu thời trang cao cấp như Fendi, Prada cũng đã lắp đặt những tấm gương số, cho phép người qua lại có thể thử quần áo, kính mát ảo. Qua các hoạt động tương tác, các nhãn hiệu cũng có nhiều dữ liệu để phân tích hành vi của người tiêu dùng cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm thích hợp hơn.



Nguồn: Cisco paper