Friday, December 30, 2011

Vượt qua suy thoái kinh tế với ý tưởng đột phá

Bí quyết nào đã giúp một công ty may mặc từ chỗ nợ nần chồng chất kiếm được doanh thu đáng mơ ước trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng?


Bà Rose Corrick

Suy thoái kinh tế ập đến với công ty quần áo nữ Art of Cloth của Rose Corrick không một lời báo trước. Mùa hè năm 2008, số cửa hàng đăng ký bán những sản phẩm làm từ vải nhuộm tay Art of Cloth vẫn không ngừng tăng, góp phần làm doanh số bán hàng của công ty Rose Corrick đạt mức kỷ lục.

Để chuẩn bị cho bước tăng trưởng đột phá trong thời gian tiếp theo, Corrick thậm chí còn ký hợp đồng thuê khu nhà xưởng mới rộng hơn 400 m2 ở Chagrin Falls (Ohio, Mỹ) vào tháng 10/2008 để thay cho khu nhà xưởng cũ nằm ở tầng trệt nhà mình. Bà không hề biết rằng chọn thời điểm ấy để khuếch trương là quyết định sai lầm nhất.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Corrick ký hợp đồng thuê 3 năm cho khu nhà xưởng mới, nền kinh Mỹ bắt đầu lao dốc, kéo theo vô số những hệ lụy khác liên quan đến dòng vốn. Hoang mang trước những tiên liệu về sự bất ổn kinh tế cộng với những khó khăn nội tại, 15 cửa hàng quần áo cao cấp đồng loạt hủy đơn đặt hàng với Art of Cloth chỉ trong vòng hai tháng, 10-11/2008. Vốn đã hoàn thành đơn đặt hàng nên công ty bị trắng tay 30.000 USD. Đáng lý ra thì các cửa hàng này không được phép hủy đơn hàng nhưng vì không muốn dính đến kiện cáo và nhất là không muốn làm các khách hàng thân thuộc của mình thất vọng nên công ty đành chấp nhận.


Các mẫu thiết kế ấn tượng của Art of Cloth

"Thế là bỗng dưng chúng tôi không còn tiền để thanh toán các hóa đơn” – Corrick (59 tuổi) - người đã thành lập Art of Cloth vào năm 2006 sau nhiều năm điều hành một doanh nghiệp thiết kế nội thất và nghiên cứu nghệ thuật dệt may - cho biết. “Là một công ty nhỏ thực sự rất khó khăn".

Chạm đáy

Những hóa đơn chưa được thanh toán bắt đầu dồn đống lại khi doanh thu của công ty ngày một eo hẹp. Chỉ riêng việc trả tiền thuê nhà xưởng mỗi tháng (2.062 USD) cũng đã là khó, chưa nói đến các chi phí cải tạo và các chi phí khác. Tính sơ sơ thì tiền sưởi ấm trong tháng mùa đông đầu tiên đã xén gọn của công ty hơn 900 USD.


Mẫu áo choàng mang phong cách độc đáo của Art of Cloth

"Lúc chuyển nhà xưởng chúng tôi đã không còn đủ tiền trong ngân hàng. Tình hình sau đó càng ngày càng tồi tệ hơn” – Corrick nhớ lại.

Đến đầu năm 2009, Corrick thậm chí không thể nghĩ đến cả chuyện tuyển người để thay cho nhân viên kế toán và người cán bộ quản lý văn phòng đã thôi việc. Không những thế, bà buộc phải cho một số thợ dệt may nghỉ việc. Từ 8 người, đội ngũ nhân viên của bà lúc đó chỉ còn có 3 người.

Khó khăn về tài chính khiến Corrick phải bỏ tiền túi cho một số hoạt động của công ty như tham dự hội chợ, triển lãm. Bà thậm chí không trả lương cho mình trong năm 2009 và chấp nhận vay 5.000 USD từ chính các nhân viên của mình. Ngoài ra, bà cũng đàm phán với một số trợ thủ, trong đó có cả nhân viên kế toán của bà, để dãn thời gian thanh toán.

Bà cho biết mục đích là giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Vì thế bà vẫn tiếp tục tham gia một số hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn của Mỹ để thu hút sự chú ý của khách hàng mặc dù chi phí tham gia mỗi sự kiện là từ 1.000-4.000 USD.

"Chúng tôi phải làm cho mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang đi lên” – bà bật mí.

Nhưng kỳ thực, công ty bà đang đi xuống.

Phục hồi

Corrick quyết định đổi mới cách nhìn về lợi thế cạnh tranh. Đầu tiên, bà giữ chân một cố vấn thời trang ở New York – người giúp bà liên tục cập nhật những xu hướng thời trang mới.

Để tăng cường sự hiện diện của công ty mình tại các hội chợ, triển lãm thời trang, bà tiến hành chọn đại diện bán hàng trên toàn quốc và trả cho họ hoa hồng là 12% của doanh số bán. Hiện công ty bà đang có 6 đại diện bán hàng.


Quần đóng tã trẻ em mang phong cách Art of Cloth

Bà giảm tới 15-30% giá của một số các mặt hàng bị cho là đắt vì các đại diện bán hàng than phiền rằng kinh tế khó khăn khiến người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn với giá. Song, trong cái rủi lại có cái may. Vì giảm giá nên bà buộc phải suy nghĩ và từ đó tìm ra nhiều cách cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Đơn cử như với việc nhuộm vải, bà có sáng kiến tăng lượng vải nhuộm cùng màu trong mỗi lần nhuộm để đẩy nhanh tiến độ.

Đến cuối năm 2009, những nỗ lực của Corrick có vẻ như được đền đáp dần. Mặc dù số cửa hàng kinh doanh sản phẩm Art of Cloth giảm đôi chút nhưng doanh số gần như giữ nguyên (đạt 362.550 USD năm 2009, giảm có 350 USD so với năm 2008.

Điều đáng nói là tình hình năm 2010 còn sáng sủa hơn rất nhiều.


Bên trong nhà xưởng của Art of Cloth ở Chagrin Falls, Ohio.

Trong những lần tham dự triển lãm thiết kế ở Dallas, Corrick đã kiếm được một đơn đặt hàng trị giá tới 30.000 USD của một chuỗi cửa hàng lớn. Đối tượng khách hàng mới này giờ đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của cả công ty. Doanh số bán ở các shop quần áo cũng tăng dần. Theo lời Corrick, kinh tế khủng hoảng đã buộc bà phải cải tổ hoạt động và “trở nên tiến bộ hơn rất nhiều trong việc thiết kế các bộ sưu tập” phù hợp với nhu cầu của các shop quần áo.

Trước kia, các sản phẩm nhuộm tay của Corrick lạ và hơi “độc”. Tuy nhiên, bà nhận ra rằng khách hàng muốn có cả bộ đủ các màu có thể kết hợp với nhau.

Năm 2010, doanh thu của Art of Cloth đạt khoảng 715.000 USD, tăng gấp đôi so với năm trước đó. Năm nay, công ty dự kiến thu về 1,2 triệu USD.

Bài học

Corrick cho rằng việc tìm ý kiến chuyên gia để đổi mới bộ sưu tập thời trang của mình vài lần/năm cho phù hợp với nhu cầu của các shop là mấu chốt cho sự phục hồi của công ty. Bà cũng hiểu thêm tầm quan trọng của việc tạo dựng những mối quan hệ vững chắc trong kinh doanh. Ai mà biết được có lúc nào đó mình sẽ cần sự giúp đỡ của họ hay họ cần sự giúp đỡ của mình.



Theo Corrick, những mối quan hệ tin cậy lẫn nhau có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn, dù “đó là người nhân viên kế toán mình nợ lương hay nhà thầu xây dựng mình tặng quà cho vợ ông ấy”.

0 comments:

Post a Comment